E dè vì thiếu tự tin?
Ngay sau khi trở thành “Hoa hậu Việt Nam” vào năm 2012, người đẹp xứ dừa Bến Tre - Đặng Thu Thảo từng được kỳ vọng sẽ làm rạng danh nhan sắc Việt tại các đấu trường sắc đẹp quốc tế bởi vẻ đẹp thuần khiết và thuần Việt. Song khi ấy và cả một năm sau đó, cô vẫn từ chối cơ hội này.
Ông Lê Xuân Sơn - Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam” cho biết, cá nhân ông đã từng tiếp một vị đại diện cho đơn vị giữ bản quyền cử thí sinh Việt dự thi quốc tế và nhận được lời đề nghị tác động thêm để Đặng Thu Thảo nhận lời đi thi. Song thời điểm đó, cô từ chối với lý do muốn ưu tiên cho việc học và chưa muốn thử sức ở đấu trường thế giới.
Tương tự, hoa hậu Ngọc Hân cũng từng từ chối lời mời đại diện Việt Nam đi thi thế giới với lý do bận rộn hoàn tất hai năm cuối đại học và ưu tiên cho các hoạt động xã hội cùng việc vận động bình chọn cho vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới. Trong khi đó, những tin đồn kiểu như: Thu Thảo chuẩn bị lấy chồng nên không dám thi thế giới, hay Ngọc Hân sợ bị chê kém sắc nên khôn ngoan chấp nhận ở nhà… cũng vì thế mà “bung” ra tới tấp.
Có điều không khó để nhận ra điểm chung dẫn đến tâm lý dè chừng, có phần ngại ngùng của những người đẹp Việt khi từ chối cơ hội thể hiện nhan sắc và tài năng của mình. Đó là sự hạn chế về khả năng giao tiếp và trình độ ngoại ngữ. Một vài người đẹp từ chối đem nhan sắc đi thi quốc tế đều không phải những người có thể giao tiếp tiếng Anh thành thạo.
Sự thiếu hụt này khiến họ không thấy thoải mái và tự tin khi ra nước ngoài. Trong khi những đấu trường sắc đẹp danh tiếng quốc tế như “Hoa hậu Thế giới” hay “Hoa hậu Hoàn vũ” không chỉ cần nhan sắc mà cần cả sự tự tin lẫn vốn kiến thức sâu rộng thể hiện qua việc giao tiếp với mọi người.
Đồng tình với quan điểm này, nhà thơ Dương Xuân Nam chia sẻ, đó cũng là sự e ngại của cả những người đẹp nhận lời đi thi thế giới. Người sáng lập ra cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam” cho biết, ông còn nhớ năm 2004 sau khi Mai Phương đăng quang “Hoa hậu Việt Nam”, cô cũng từng từ chối lời mời đại diện Việt Nam dự thi “Hoa hậu Thế giới”.
Người đẹp gốc Hải Phòng khi ấy 17 tuổi từng cùng mẹ đến gặp ông để trình bày thật rằng cô ngại nhiều thứ, trong đó có việc cô chưa ra nước ngoài bao giờ nên không biết phải ứng xử thế nào, mà vốn tiếng Anh lại chưa thạo. Nhà thơ Dương Xuân Nam khi đó là Trưởng Ban tổ chức “Hoa hậu Việt Nam” đã phải động viên và thuyết phục mãi, Mai Phương mới nhận lời.
Lần đó, người đẹp Việt đã tỏa sáng và xếp thứ 15 trong Top 20 người đẹp nhất thế giới.
“Mổ xẻ” chuyện ngại của người đẹp Việt khi được mời đi thi quốc tế, nhà thơ Dương Xuân Nam cho biết, ông thấy họ thường có 3 cái ngại: ngại giao tiếp; ngại kiến thức tiếng Anh còn yếu và ngại nhiều khoản chi phí tốn kém. Nói tốn kém bởi theo ông thì mặc dù nói là có các Mạnh Thường Quân hỗ trợ kinh phí để đi thi, song đã đi thi thì người đẹp nào cũng phải sắm sanh đủ thứ cho mình.
Ra về “tay trắng” cũng ngại
Có một sự thật là 8 năm trở lại đây, kể từ khi Hoa hậu Mai Phương Thúy lọt vào Top 16 cuộc thi “Hoa hậu Thế giới”, thì nhan sắc Việt không ghi thêm được dấu ấn thành tích nào tại đấu trường sắc đẹp này. Và nhìn lại lịch sử những lần nhan sắc Việt “đấm chuông xứ người” thì cũng chưa có ai giành được danh hiệu nào từ sân chơi danh tiếng trên.
Vô hình trung, dường như tâm lý đi thi quốc tế thường chẳng được giải gì khiến nhiều người đẹp Việt ngại ngần. Bên cạnh đó, họ ngại còn bởi đi thi sẽ phải mất rất nhiều thời gian, công sức chuẩn bị, phải tập luyện rất vất vả, nếu ra về tay trắng có khi lại bị dư luận quay ra soi mói rồi “ném đá”. Đấy cũng là sự thật mà không khó nhận ra sau mỗi lần người đẹp Việt thất bại tại bất kỳ cuộc thi sắc đẹp quốc tế nào.
Đại diện Công ty Elite - đơn vị nhiều năm nay giữ bản quyền cử người đẹp Việt đi thi một số cuộc thi sắc đẹp lớn trên thế giới chia sẻ, điều cốt lõi để một người đẹp có thể đoạt giải tại một đấu trường sắc đẹp quốc tế là phải tự tin vào bản thân mình. Trong khi tâm lý tự ti, thụ động vẫn còn hiện hữu ở nhiều người đẹp. Tuy nhiên thời gian gần đây, có nhiều người đẹp đã chủ động gọi điện liên hệ với Elite để bày tỏ nguyện vọng muốn được đại diện cho Việt Nam đi thi cuộc này, cuộc kia và nếu được chọn sẽ nỗ lực hết mình. Đấy cũng là tín hiệu đáng mừng.
Bên cạnh đó, đại diện Elite cũng thừa nhận tâm lý “ăn xổi ở thì” vẫn còn ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người, vì thế sẽ khó làm nên chuyện nếu như đặt kỳ vọng vào một người đẹp còn trẻ, vừa đoạt giải mà không được đào tạo, hướng dẫn về kỹ năng ứng xử, giao tiếp và trau dồi kiến thức cho họ. Vậy mới dẫn đến chuyện người đẹp đi thi thế giới không được giải gì rồi bị dư luận “ném đá”, thậm chí cả đơn vị tổ chức cũng bị chê bai trong khi điều này thật ra không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Điều quan trọng nhất để giúp người đẹp Việt bớt ngại, có thêm tự tin đi thi thế giới là giúp họ bù đắp những lỗ hổng về kỹ năng giao tiếp, kiến thức và vốn sống.