Những bộ ảnh “khác thường”
Bộ ảnh “dữ dội” đầu tiên đến với cuộc thi lại thuộc về phụ nữ. Khi băng tuyết tràn qua vùng núi phía Bắc, Đỗ Thanh Tú đi từ Lai Châu về Sa Pa (Lào Cai). Khác với rất nhiều người, với cô cựu văn thư của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lai Châu thì vẻ đẹp lạ và hiếm của tuyết không khiến cô xúc động bằng những dáng người liêu xiêu trong băng giá đưa trâu về vùng thấp trốn rét. Chiếc máy ảnh du lịch rơi vào tuyết bị hỏng, Tú chụp những hình ảnh xót xa ấy bằng điện thoại di động và gửi ngay về Báo NTNN: “Em nghĩ báo anh là báo của nông dân chắc sẽ thông cảm hơn với người nông dân trong cảnh này” - qua điện thoại Tú nói với chúng tôi. Bức ảnh “Nông dân Sa Pa đưa trâu bò tránh rét” lên cover (bìa) báo ngay số ngày hôm đó, buổi đầu tiên băng tuyết tràn vào. Rồi một câu nói của người trồng rau “Cô ơi nắng lên mới là lúc khóc… rau nhũn ra như bị luộc”, khiến Tú xin nghỉ việc để quay lại vùng băng tuyết làm bộ ảnh “Nông dân Sa Pa đắng cay vì mưa tuyết”- giải Nhì cuộc thi ảnh “Đất và Người”. Với bộ ảnh ấy, Thanh Tú cũng là “nhà báo” đầu tiên đặt ra vấn đề hậu băng giá.
Mọi người biết nhiều đến bộ ảnh “Mẹ tôi” đoạt giải Nhì của cô gái Lê Thị Ngân (xem số 251/2014) mà ít ai biết Ngân còn có bộ ảnh khác khá thú vị là “Nụ cười ngày mùa”. Ngân đi xe lăn ra đồng để chụp những người làm ra hạt thóc, để thấy những con người rất vất vả ấy hay cười. Và Ngân - cô gái suốt đời chiến đấu với tật bệnh - phát hiện một điều rất mới về hạt ngọc thực: “Dẻo thơm bởi không chỉ có nhọc nhằn, hai sương một nắng mà còn bởi có tiếng cười của người làm ra nó”.
Hai bộ ảnh giải Nhì của Thanh Tú và Lê Thị Ngân đều là những câu chuyện khác thường. Khác thường từ tác giả quá nghiệp dư đến chất báo chí và nhân văn sâu đậm. Khác thường nữa về phương tiện, một người chụp bằng điện thoại di động người kia bằng chiếc máy du lịch… “rất lởm” - như cách nói của dân ảnh.
Không thể không nhắc đến những tác giả nữ đặc biệt khác gửi ảnh đến cuộc thi đó là những phụ nữ Pakô, Vân Kiều, Mông, Dao, Mường, Thái… từ những vùng miền thật xa, thật sâu. Dù thật tiếc vì họ không giành thêm được giải thưởng nào, nhưng từ những bức ảnh ấy chúng ta biết thêm bao điều về cuộc sống, phong tục tập quán các dân tộc vùng sâu, vùng xa bằng những góc nhìn trong cuộc, thêm cái mềm mại đặc trưng của người phụ nữ. Từ những khuôn hình ấy, những Hồ Thị Bụi, Hồ Thị Văn, Hồ Thị Rổ, Hồ Thị Di (người Pa Cô – Vân Kiều), Giàng Thị Của, Giàng Thị Si, Giàng Thị Xá (người Mông)… hiện ra chân dung những phụ nữ yêu đời, mạnh mẽ, tự tin và đầy sáng tạo.
“Cháu có ý kiến”
Trong số 50 bạn học sinh dân tộc ít người cấp tiểu học và trung học cơ sở tham gia cuộc thi, chỉ có một bạn trai Lừu Seo Sềnh người Mông ở Si Ma Cai (Lào Cai) giành được giải thưởng, tuy nhiên nếu xem toàn bộ 72 tác phẩm dự thi thì câu chuyện của các bạn nữ có phần trội hơn. Câu chuyện ảnh của các em vẫn đầy nữ tính nhưng cũng không kém phần sắc sảo và đôi khi rất mạnh mẽ, dứt khoát thể hiện rất rõ chính kiến - dù chính kiến ấy có thể “không phù hợp lắm”. Rõ nhất trong đó phải kể đến câu chuyện của Thành Thị Bông, 11 tuổi, người Chăm, học lớp 5 ở xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Nhìn nhận việc các anh chị học THCS tổ chức dọn rác tại khu dân cư, em thẳng thắn: “Đây là việc tốt, nhưng em không thích vì đây là việc của người lớn, quá sức với các anh chị”. Với các bạn phải đi làm thuê kiếm tiền, Thuận Thị Thảo - người Chăm, cũng 11 tuổi, ở xã Bắc Sơn, mong mỏi: “Em muốn nói với mọi người xung quanh cần quan tâm đến trẻ nhiều hơn, mong muốn tất cả gia đình không cho các bạn làm thuê, làm mướn”. Đầy yêu thương và trách nhiệm, Pi Năng Thị Mửng trong tác phẩm “Bà câm” kiến nghị: “Em mong mọi người quan tâm hơn đến người già, người có tật bệnh”.
Một câu chuyện khác, nhẹ nhàng tinh tế của cô bé 10 tuổi Sùng Thị Ánh Nguyệt - người Mông ở Si Ma Cai (Lào Cai) chụp các bạn trai cùng lớp đang hào hứng học nấu ăn: “… có bạn bảo học về làm cho bố mẹ ăn. Qua việc này em quý các bạn trai lớp em hơn”. Rất nhiều “ý kiến” qua ảnh của những người phụ nữ tương lai khiến người xem phải sửng sốt, để nhìn lại, đánh giá lại những cô bé nhút nhát, ít phát biểu và cũng tự hào về một thế hệ phụ nữ trong tương lai đầy mạnh mẽ, tự tin, sáng tạo.