Dân Việt

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội: “Nhiều câu hỏi vượt quá khả năng trả lời của tôi”

05/12/2012 16:53 GMT+7
Dân Việt – Khá lúng túng trước các câu hỏi liên tục xoáy vào vấn đề “nóng bỏng” nhất của thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh thừa nhận: “Nhiều câu hỏi vượt quá khả năng trả lời của tôi”.
img
Phó chủ tịch Hà Nội Vũ Hồng Khanh. Ảnh: Vnexpress

Hôm nay, 5.12, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV, Phó chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh đã trả lời nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề quản lý đất đai.

Trước khi trả lời chất vấn trực tiếp về vấn đề quản lý đất đai, dự án, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh cho biết, từ năm 2009 đến nay, UBND thành phố đã có 2 kế hoạch tổng thể, trong đó xác định 6 nhóm giải pháp khắc phục, đặc biệt quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp đưa đất vào sử dụng hiệu quả và thanh tra, kiểm tra, xử lý các đơn vị vi phạm.

Qua thanh tra, kiểm tra, đã có 882 tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm và phát hiện 779 tổ chức vi phạm ở các mức độ khác nhau. UBND thành phố đã giúp 511 tổ chức tự khắc phục vi phạm, giúp 132 tổ chức giải quyết khó khăn trong giải phóng mặt bằng, xử phạt hành chính hơn 100 tổ chức, thu hồi đất của 45 tổ chức với 828,6 ha.

Phó Chủ tịch nhấn mạnh: “Trong Luật Thủ đô có nội dung quan trọng là tăng mức xử phạt trong lĩnh vực đất đai gấp hai lần. Khi nâng mức xử phạt, chế tài sẽ mạnh mẽ và có sức răn đe, tác động trục tiếp tới các doanh nghiệp vi phạm, tránh tình trạng doanh nghiệp sẵn sàng… chịu phạt vì mức phạt thấp”.

Như để chứng minh, ông Khanh đưa ra con số: Từ năm 2009 đến nay, UBND thành phố đã ban hành 38 quyết định thu hồi đất với 45 tổ chức, trong đó có 17 quyết định đã thực hiện xong, 21 quyết định đang thực hiện công tác xác định chi phí đầu tư.

Mở đầu phần chất vấn, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nêu ý kiến: Trong 6 nhóm giải pháp, UBND thành phố chỉ nêu nội dung giao việc cho các cơ quan chuyên môn, nhưng không có thời gian hoàn thành. Bên cạnh đó, tiến độ tại một số dự án tại các xã thuộc tỉnh Hòa Bình đã được hợp nhất về Hà Nội quá chậm, cần làm rõ trách nhiệm việc “xé rào” thủ tục trong giao đất thuộc dự án công viên hồ điều hòa Nhân Chính?

Trả lời, ông Khanh cho biết: Trong các văn bản về kế hoạch thực hiện các giải pháp xử lý đất hoang hóa của UBND thành phố có thời gian quy định cụ thể và UBND thành phố cũng có giao ban định kỳ, đột xuất với các đơn vị để kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Với những dự án cụ thể được đại biểu Mai nêu lên, ông Khanh cho hay đều có vướng mắc về quy hoạch, tuy nhiên ông cho biết: “Các dự án này đang triển khai chậm, UBND thành phố sẽ rút kinh nghiệm”.

Chưa hài lòng, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai tái chất vấn: Đề nghị Phó chủ tịch trả lời cụ thể hơn, đi thẳng vào vấn đề bởi người dân rất sốt ruột khi nhiều diện tích đất vàng để hoang hóa. Năm 2012 là năm quy hoạch, có 80 đồ án phải thực hiện nhưng hiện mới phê duyệt được 5 đồ án. Trong 34 quy hoạch phân khu thì có tới 31 quy hoạch giao cho Viện Quy hoạch thực hiện.

Với số lượng và tốc độ như vậy thì bao giờ mới phê duyệt để làm cơ sở cho các đồ án trong diện phải rà soát? Đại biểu Mai cũng nêu thực trạng: “Khi giải phóng mặt bằng đất của dân đang ở hợp pháp để phục vụ các dự án thì triển khai rất nhanh, nhưng sau đó lại… để đấy. Thái độ của lãnh đạo TP ra sao với những dự án để đất hoang từ rất lâu?”.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hoài Nam, đại biểu Nguyễn Xuân Diên đều đề nghị: Phải kiên quyết xử lý các chủ dự án để chậm, để hoang đất vàng và đưa ra những câu hỏi đề cập tới trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhất là TP đối với những chủ dự án chây ỳ triển khai.

Khá lúng túng trước các câu hỏi liên tục xoáy vào vấn đề “nóng bỏng” nhất của thủ đô, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh thừa nhận: “Nhiều câu hỏi vượt quá khả năng trả lời của tôi” và xin phép chỉ trả lời các vấn đề trong mảng công việc được phân công.

Ông Khanh cho biết: Không phải UBND thành phố không dám làm và không quyết liệt làm. Trong số 828,6 ha đất thu hồi, có những dự án rất phức tạp, nhưng đã vi phạm thì phải xử lý.

Ông Khanh giãi bày thêm: Đến tháng 7.2011, Hà Nội đã có quy hoạch chung và hiện đang xây dựng các quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành, chi tiết. Theo quy định của luật thì phải có quy hoạch mới xác định được dự án nào triển khai tiếp, dự án nào phải dừng, phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất. “Quy hoạch tuy lâu, nhưng là giải pháp bắt buộc, không thể khác được”, ông Khanh nhấn mạnh.

Trả lời về việc thành phố có nương nhẹ xử lý với các doanh nghiệp để hoang đất hay không, ông Khanh khẳng định: “UBND thành phố không có quan điểm với dân thì xử nặng, với doanh nghiệp thì xử nhẹ. Tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật và bất cứ ai vi phạm đều phải xử lý, nhưng phải xử lý từ thấp đến cao. Quận, huyện nào bao che, bảo kê, dung túng cho doanh nghiệp vi phạm thì thành phố sẽ xử lý kiên quyết”.