Mở đầu phần thảo luận của mình, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đỗ Bá Tỵ nhận định: Thời gian qua, Chính phủ đã có điều hành quyết liệt để đối phó với những biến động của tình hình Biển Đông tác động đến đời sống KT-XH, vì thế chúng ta đã xử lý tốt vấn đề Biển Đông bằng sự kết hợp hài hòa giữa quân và dân. Thậm chí, nhiều người dân đã kiên quyết bám biển, nhiều người bị thương vẫn tiếp tục đòi ra tuyến đầu. Không những thế, trên mặt trận ngoại giao chúng ta cũng đã xử lý tốt vì nếu chỉ một sơ suất nhỏ sẽ dẫn đến xung đột quân sự rất lớn.
“Theo tôi, Đảng và Chính phủ chỉ đạo rất tốt, kết hợp với dư luận quốc tế đã giải quyết ổn thỏa tình hình”, Thứ trưởng Đỗ Bá Tỵ khẳng định.
Về các đối sách trong thời gian tới, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ cho rằng: Dù Trung Quốc đã rút giàn khoan nhưng âm mưu hiện thực hóa đường lưỡi bò, độc chiếm Biển Đông của họ là không thay đổi. Chỉ có điều cuộc đấu tranh này sẽ chuyển sang giai đoạn khác, thậm chí quyết liệt hơn, phức tạp hơn. Điều này buộc chúng ta phải có những chuẩn bị trước về mọi mặt thật tốt, kể cả vấn đề pháp lý, ngoại giao, an ninh quốc phòng và kinh tế.
Nếu lĩnh vực ngoại giao làm tốt, lĩnh vực quốc phòng an ninh tốt thì đây chính là điều kiện tiên quyết tạo ra môi trường phát triển thuận lợi về KTXH - thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đánh giá.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng nhận định, công tác đối ngoại rất quan trọng, nhiều khi chiến tranh hay hòa bình xuất phát từ công tác đối ngoại. “Ta cũng có thế mạnh về công tác này, có quan hệ với nhiều nước, đấu tranh mềm dẻo trên cơ sở giữ vững độc lập chủ quyền, không liên kết với ai để chống lại các nước khác. Thế nhưng, trong tình hình hiện nay, thực hiện được việc đó là rất khó chứ không phải đơn giản: Từ sau khi Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang Châu Á - Thái Bình Dương, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn với nhau rất quyết liệt trong khi VN có một vị trí địa chính trị rất quan trọng, các nước ai cũng phải để ý đến. Cho nên lúc này ta phải giữ vững đường lối đối ngoại, độc lập tự chủ để tăng cường đoàn kết hữu nghị, trước hết là với các nước láng giếng như Lào, Campuchia, Trung Quốc…
Về sức mạnh an ninh quốc phòng, Thứ trưởng dẫn chứng: Như Triều Tiên mặc dù là nước bé nhưng ai bảo người ta yếu? Bởi họ sở hữu một khối lượng vũ khí lớn và hiện đại. Nói vậy để thấy nhất thiết một quốc gia phải có được lĩnh vực quốc phòng an ninh đủ mạnh, đủ yếu tố để răn đe các nước khác bởi trước khi người ta tấn công mình thì họ phải đánh giá khả năng quân sự, an ninh quốc phòng của mình đến đâu.
Về cuộc đấu tranh trên biển, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng sẽ còn lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai nữa nên cần nhất quán với phương châm: Quyết liệt nên phải hết sức bình tĩnh, kiên trì, mềm dẻo. Bên cạnh đó phải chuẩn bị điều kiện thật tốt để nếu có xung đột quân sự thì sẵn sàng chủ động.
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị các địa phương cũng cần tích cực hơn nữa trong việc xây dựng khu vực phòng thủ địa phương vững chắc, trang bị vũ khí cho quân đội để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong tình huống xấu nhất.
“Chúng ta không thể lơ là mất cảnh giác. Các cụ của ta cũng đã nói rồi: Nếu không muốn chiến tranh thì chúng ta phải chuẩn bị thật tốt cho chiến tranh. Công tác chuẩn bị sẽ là một yếu tố để người ta tính đến khi muốn tấn công mình”, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.