Những người con và cháu của ông bà Dương Văn Oa và Dương Thị Thang vẫn không thoát khỏi căn bệnh quái ác.
Đó là một gia đình bất hạnh, mà có lẽ thật khó để tìm thấy ở đâu một gia đình thứ hai có hoàn cảnh tương tự. Điều ấy cũng lý giải vì sao ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Dương Văn Oa và bà Dương Thị Thang ở thôn Thanh Trí, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã quá đặc biệt với người dân nơi đây. Ngôi nhà của một gia đình có tới 7 người bị mắc phải những căn bệnh quái ác. Người may mắn thì bị câm, kém may mắn hơn thì bị mù, nặng nhất là vừa câm, điếc lại vừa bị mù.
Bất hạnh... di truyền
Bà Dương Thị Thang chậm rãi bắt đầu câu chuyện đời mình bằng giọng kể buồn bã, những giọt nước mắt đuổi nhau trên khuôn mặt nhăn nheo: “Khi tôi lên 9 - 10 tuổi - vào năm nạn đói khủng khiếp nhất, thì cha mẹ tôi mất. Hai chị em bơ vơ không biết dựa vào đâu, may được người ta nhận nuôi, làm giúp vệc cho gia đình chủ nhà. Đến năm 20 tuổi, tôi được ông bà chủ tìm và lấy cho 1 tấm chồng. Lúc đó, ông Dương Văn Oa là thanh niên cùng làng, chăm chỉ, chịu khó, nhưng lại bị điếc, ban đầu tôi cũng suy nghĩ rất nhiều, nhưng vì nghĩ mình mang thân phận người ở, đôi mắt lại không đươc tinh nhanh như người ta, nên tôi cũng đồng ý lấy ông, chỉ hy vọng gặp được người chồng yêu thương mình”.
Những tưởng những ngày tháng bà và ông Oa chung sống với nhau sẽ là khoảng thời gian hạnh phúc, thì tai họa, bất hạnh lại liên tục ập xuống gia đình bà. Hai vợ chồng bà chung sống với nhau chưa được bao lâu, thì mắt bà lòa dần rồi chuyển sang mù hẳn. Ông Oa đã bị điếc từ trước, nay mắt cũng kém dần, chân tay bị teo cơ, rồi lại thêm cả bệnh thần kinh tọa hành hạ ông mỗi đợt “trái gió trở trời”, khiến lòng bà cứ đau như cắt. Ngay lúc bấy giờ, bà chỉ mong có một phép màu nào đó có thể giúp hai ông bà mắt có thể sáng, tai có thể nghe để tiếp tục cuộc sống, cho dù cuộc sống có gian nan, vất vả đến đâu, nhưng là một cuộc sống có âm sắc, nhưng phép màu đó đã không xảy ra.
Anh Dương Văn Thiều.
Chung sống với nhau được hơn 1 năm thì bà có tin vui. Vui mừng khi nghĩ rằng, sẽ có được một đứa con lành lặn để sau này có thể chăm lo ông bà lúc về già. Người con mà ông bà hy vọng sẽ không bị bệnh về mắt và đặt tên sớm cho con là Dương Thị Sáng, khi vừa sinh ra các bác sĩ đã báo tin, cháu bị mù bẩm sinh. “Lúc ấy cả hai vợ chồng tôi đau khổ và hụt hẫng lắm, chỉ biết ôm nhau khóc” - bà Thang rưng rưng.
Vợ chồng bà cố nén nỗi đau, quyết tâm sinh thêm những đứa con khác, với mong ước có được đứa con lành lặn. Cô con gái thứ hai Dương Thị Ánh mặc dù sinh ra không phải chịu cảnh mù lòa, nhưng tạo hóa thật trớ trêu lại cướp đi đôi tai của cô, và đó cũng là một căn bệnh bẩm sinh.
Hai người con trai là Dương Văn Thiều và Dương Văn Khuy tiếp tục được sinh ra hy vọng để nối dõi tông đường, thì lại bất hạnh hơn gấp mấy lần hai người chị của mình, cả hai người đều mắc bệnh câm, điếc bẩm sinh.
Sau đó, bà còn sinh thêm 3 người con, ông trời vẫn thật trớ trêu khi cướp đi đôi mắt và đôi tai của người con trai út là Dương Văn Chút, khiến cho Chút cũng giống như các chị đầu là bị câm và điếc bẩm sinh.
Có lẽ điều hạnh phúc hiếm hoi nhất không chỉ đối với ông bà Oa, mà còn đối với hai đứa con thơ của ông bà, là có 2 người con: Dương Văn Út và Dương Thị Mến hoàn toàn lành lặn, lúc này ông bà mới được hưởng trọn niềm vui làm cha mẹ khi sinh được 2 người con bình thường.
Tổng cộng Ông Oa và bà Thang có cả thảy 7 người con, thì 5 trong số 7 người mắc chứng mù lòa, câm, điếc di truyền từ cha mẹ.
Cái nghèo đeo bám
Nỗi đau đớn trong gia đình ông bà Oa không chỉ dừng lại ở đó, khi đến thế hệ thứ 3 trong gia đình, các cháu của bà Thang, bi kịch một lần nữa lại tiếp diễn khi có đến 3 đứa cháu nội của bà bị câm điếc bẩm sinh. Đến lúc này, không chỉ gia đình, mà thậm chí, cả những người dân trong làng cũng cảm thấy sợ hãi, hoang mang, khi mà không ai lý giải được tại sao căn bệnh quái ác và nỗi bất hạnh cứ “ở” mãi trong gia đình bà không chịu đi.
Đâu ai biết rằng, chính vì cái gene “ác nghiệt” kia, mà gia đình ông bà Oa lại phải hứng chịu bao sự đàm tếu của người dân nơi đây. Người thì bảo, có thể đời trước gia đình nhà ông bà Oa làm điều “thất đức”, cũng có người lại nói, có thể là nhà ông bà “âm đức mỏng, tích đức ít” nên bị “giời hành”, con cháu mới phải gánh chịu nỗi đau truyền kiếp như vậy.
Hai ông bà đã già. Gánh nặng giờ lại trút hết lên vai chị Hậu (vợ anh Thiều) người sinh được bốn đứa con thì có đến hai đứa bị câm, điếc bẩm sinh như bố. Nỗi đau về bệnh tật đến với các con của mình đã là một nhẽ, nhưng đôi vai chị ngày ngày lại phải gánh vác cả gia đình, nuôi bố mẹ chồng, nuôi chồng, nuôi con…cái nghèo lại đeo bám mãi từ thế hệ cha ông đến con cháu, nên cứ khổ mãi.
Chị Hậu, quê ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), lấy anh Thiều từ năm 1999 qua mai mối của một người bạn. Mười mấy năm lấy chồng, ngày vui của chị Hậu chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Khi mà chồng chị với cái bệnh câm điếc mang sẵn trong người, thì cách đây hơn một năm, lại bị tai nạn, đầu đâm vào gốc cây bị chấn thương sọ não.
Để có tiền chạy chữa cho chồng thứ gì có giá trị trong nhà chị cũng bán, vay mượn nhiều khiến số nợ ngày một tăng lên. Chị tâm sự: “Giờ chồng thì mất sức lao động, 2 đứa nhỏ thì câm điếc bẩm sinh, cháu út thì được 2 tuổi, nên cũng không làm được gì. Có thời gian rảnh là tôi lại đi xúc than, xúc xỉ thuê ngày cũng được dăm ba chục để có cái ăn”.
Chị Hậu bên 2 đứa con thơ, một đứa sinh ra đã bị câm điếc bẩm sinh giống bố,còn bé trai 2 tuổi là niềm hạnh phúc của chị, khi bé may mắn không mắc bệnh.
Ngôi nhà tình thương được một tổ chức từ thiện giúp đỡ xây dựng thay cái nhà cấp 4 lụp xụp cạnh cánh đồng, cũng đã giúp cho gia đình chị có một căn nhà thật sự. Tuy nhiên chị Hậu cho biết: “Tuy là ngôi nhà tình thương, nhưng tổ chức cũng chỉ giúp được một phần, còn hiện tại tiền nguyên vật liệu gia đình chị vẫn còn phải nợ lại gần 50 triệu, không biết khi nào mới trả được. Đến tiền ăn hiện giờ cũng còn không có, không ai có sức lao động mà làm ra tiền. Tất cả đều trông vào chị và số tiền trợ cấp hộ nghèo ít ỏi, thì làm sao mà trả được nợ chứ”.
“Trước đây khi chưa bị tai nạn, bố nó vẫn đi gánh gạch thuê cho người ta, còn tôi đi làm mướn, rồi kéo phân thuê kiếm tiền nuôi các con. Giờ anh Khuy mất trí, chỉ biết ngồi một chỗ. 4 đứa trẻ thì nheo nhóc, ốm yếu quanh năm. Con bé Hoài đang học lớp 8 nhưng thương mẹ, một buổi đi học, một buổi chăn bò, trông em, giúp mẹ nấu cơm. Hai đứa con tàn tật đi học bị trả về, vì cô giáo bảo các cháu không tiếp thu được kiến thức. Đã quá tuổi đi học mấy năm nay, nhưng hai đứa chỉ quanh quẩn ở nhà, đến nay vẫn chưa biết chữ. Vừa rồi tôi cũng làm đơn xin cho 2 cháu đi học ở trường khuyết tật để mong nó có được con chữ, sau cũng có thể đi làm được, nhưng vẫn phải đợi hồi âm từ trường. Giờ chỉ mong sao cho các cháu được đi học, để nó biết con chữ, sau này còn có thể đi làm mà nuôi thân, chứ như thế này thì khổ lắm”
Hình ảnh về gia đình 3 thế hệ đầy những bất hạnh khổ đau, cái gen di truyền ác nghiệt, cùng với cái nghèo truyền kiếp như một thứ keo dính cứ bám diết lấy họ, bóp nghẹt từng số phận ngay từ khi mới sinh ra.
Những dòng lệ thẫn thờ chảy trên những khuôn mặt, đôi mắt có ánh nhìn xa vắng lúc chia tay khiến tôi không thể nào quên.
Ánh mắt như mong ngóng, trông đợi và cầu khẩn một điều gì đó…