Như Dân Việt đã thông tin, khoảng 16h20 ngày 20.10, tại tổ dân phố 6, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’Leo đã xảy ra một vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Thông tin ban đầu, vào khoảng thời gian trên, xe ô tô BKS 47A 090.20 do Lưu Thị Thanh Tuyền (SN 1988, trú tại TDP 7, thị trấn Ea Drăng) điều khiển, chạy từ QL14 vào chợ huyện thì bất ngờ đâm vào lề đường rồi lao sang trái đường, đâm vào các hàng trái cây rồi đâm tiếp 4 xe máy. Tai nạn đã làm 2 người tử vong (trong đó có một cháu bé mới hơn 3 tháng tuổi) và 8 người khác bị thương. Trong 4 người bị thương rất nặng có một người bị chấn thương sọ não, tình trạng rất nguy kịch vẫn đang được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Lăk theo dõi sát sao.
Hiện trường vụ tai nạn.
Ông Nguyễn Xuân Hương - Phó ban An toàn giao thông huyện Ea H’Leo cho biết: Theo người dân, trước khi xảy ra tai nạn, Tuyền và 3 người bạn nữa nhậu tại một quán cách địa điểm tai nạn chừng hơn 1km suốt nhiều giờ. Sau khi gây tai nạn, toàn bộ số người trên chiếc xe này bỏ trốn khỏi hiện trường.
Vụ tai nạn nghiêm trọng cướp đi sinh mạng của 2 người dân vô tội và nhiều người khác bị thương khiến dư luận bức xúc. Nhiều người đặt câu hỏi, người điều khiển xe ô tô gây tai nạn sẽ bị xử lý thế nào? Liên quan đến câu hỏi này, phóng viên Dân Việt đã trao đổi với luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội).
Luật sư có thể cho biết, trước hậu quả nghiêm trọng của vụ tai nạn, tài xế điều khiển xe ô tô BKS 47A 090.20 gây tai nạn có nguy cơ sẽ đối mặt với hình phạt nào?
- Với các tình tiết của vụ việc mà các phương tiện truyền thông đã đưa tin còn chưa rõ ràng, chưa thể xác định trách nhiệm hình sự đối với tài xế điều khiển xe ô tô gây tai nạn. Trường hợp hậu quả của vụ tai nạn xảy ra do tài xế có những vi phạm quy định an toàn giao thông đường bộ trong khi lái xe thì người này có thể sẽ bị khởi tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 Bộ luật Hình sự. Theo đó, khung hình phạt thấp nhất đối với người phạm tội là bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Với hành vi bỏ trốn khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn, làm chết 2 người và bị thương nhiều người, được xác định là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tài xế lái xe gây ra vụ tai nạn trên có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt nặng nhất của tội này quy định tại khoản 3 là hình phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Theo luật sư, trong trường hợp tài xế điều khiển xe ô tô BKS 47A 090.20 được xác định là có sử dụng rượu, bia trong lúc điều khiển xe ô tô gây tai nạn thì sẽ bị xử lý thế nào?
- Trong trường hợp tài xế điều khiển xe ô tô BKS 47A 090.20 được xác định là có sử dụng rượu, bia trong lúc điều khiển xe ô tô gây tai nạn sẽ là một trong các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự. Như ở trên tôi đã phân tích, hành động bỏ trốn khỏi hiện trường của tài xế cũng là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm c khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự. Các tình tiết này sẽ làm tăng thêm trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, theo đó, việc người phạm tội có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao quy định tại điều luật là điều không tránh khỏi.
Luật sư có thể cho biết, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người điều khiển ô tô và xe máy có được phép sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông? Cụ thể quy định xử phạt với hành vi vi phạm này như thế nào?
- Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, “điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở” là một trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 8 Điều 8.
Nghị định 171/2013/CP của Chính phủ đã quy định cụ thể những hình thức xử phạt với hành vi này như sau:
Đối với ô tô:
- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, nhưng chưa tới mức vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 7, Điểm a Khoản 8 Điều 5 của nghị định nói trên, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt.
Ngoài ra, nếu hành vi vi phạm này dẫn tới việc gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 202 Bộ luật Hình sự về tội Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ.
Đối với xe mô tô:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài việc phạt tiền người bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày.