Dân Việt

Một năm sau vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường và những điều bất ngờ

Xuân Lực (tổng hợp) 22/10/2014 06:01 GMT+7
Cách đây khoảng 1 năm, dư luận cả nước chấn động khi cơ quan Công an TP.Hà Nội phát giác vụ việc Nguyễn Mạnh Tường, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết chị Lê Thị Thanh Huyền rồi ném thi thể xuống sông Hồng phi tang. Cùng Dân Việt nhìn lại những cột mốc bất ngờ của vụ án này sau 1 năm...

THÔNG TIN MỚI NHẤT: Bác sĩ Tường và mẹ chị Huyền cùng muốn sớm mở lại phiên tòa

Trao đổi với PV Dân Việt chiều 21.10, bà Nguyễn Thị Hiền, mẹ chị Lê Thị Thanh Huyền cho biết, gia đình bà Hiền đã nắm được thông tin về việc bị cáo Tường bị VKS thay đổi điều khoản truy tố ở tội danh “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và Tường đối mặt với án phạt nặng hơn.

Bà Hiền cũng cho biết, gia đình bà Hiền mong muốn cơ quan chức năng sớm đưa Nguyễn Mạnh Tường ra trước vành móng ngựa và xét xử nghiêm minh.

"Giờ tôi muốn đi đâu cũng khó vì nếu đi lại sợ tòa gọi lên dự phiên tòa thì lại dở. Gia đình mong muốn cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội để con gái tôi bên kia được thanh thản phần nào", bà Hiền chia sẻ.

Theo Zing, ngày 21.10, VKSND TP.Hà Nội đã chuyển toàn bộ hồ sơ và cáo trạng vụ án Cát Tường sang TAND TP.Hà Nội thụ lý, đưa ra xét xử. Dự kiến phiên tòa xét xử bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường sẽ được tiến hành trong tháng 11.2014.

Về phía Nguyễn Mạnh Tường, theo Đời sống & Pháp luật đưa tin, luật sư Chu Thị Trang Vân (người bào chữa cho bị can Nguyễn Mạnh Tường trong vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường) vừa có buổi làm việc kéo dài một giờ đồng hồ với bác sĩ Tường tại Trại tạm giam Công an TP.Hà Nội. Luât sư Trang tiết lộ, bác sĩ Tường trông gầy và già đi, râu tóc đã bạc quá nửa, đồng thời có dấu hiệu sốt ruột bởi thời gian tạm giam kéo dài.

“Tường nói mong phiên tòa sớm được diễn ra. Suốt một năm qua trong trại tạm giam, Tường bị cách ly hoàn toàn với gia đình, chỉ nhìn thấy vợ đúng một lần duy nhất hôm 14.4 nhưng cũng chẳng được lại gần nói chuyện”, luật sư Chu Thị Trang Vân nói.

Manh mối từ phiếu thanh toán tại Thẩm mỹ viện Cát Tường

Theo lời anh Nguyễn Hữu Huy, chồng nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền (ở phố Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), sáng 19.10.2013 sau khi ra khỏi nhà, chị Huyền gọi điện nhưng anh không kịp nghe, gọi lại thì không liên lạc được. Cùng ngày, có người gọi điện cho anh thông báo phát hiện xe máy của chị Huyền ở khu vực Sài Đồng (quận Long Biên) còn nguyên chìa khoá và tài sản. Gia đình anh Huy sau đó đến trình báo với công an về vụ việc.

img

Thẩm mỹ viện Cát Tường, nơi khởi đầu vụ án chấn động dư luận.

Sau đó, trong lúc giặt quần áo cho vợ, anh Huy tìm thấy phiếu thu của cơ sở thẩm mỹ viện Cát Tường (45 đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) ghi ngày 18.10.2013.

Ngay sau khi nắm được thông tin, công an đã triệu tập một số nhân viên của thẩm mỹ viện trên. Nhân viên thẩm mỹ viện thừa nhận, sáng 19.10.2013 chị Huyền đến làm phẫu thuật nâng ngực và hút mỡ bụng.

Bộ Y tế xin lỗi

Chiều ngày 22.10.2013, tại buổi giao ban Thành ủy TP.Hà Nội, đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45 - Công an Hà Nội), cho biết, Cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp Nguyễn Mạnh Tường và nhân viên bảo vệ Đào Quang Khánh để điều tra liên quan đến cái chết của chị Lê Thị Thanh Huyền. 10 nhân viên của Thẩm mỹ viện Cát Tường cũng bị triệu tập để làm rõ mức độ liên quan.

img

Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh tại Cơ quan điều tra khi mới bị bắt.

Tại buổi giao ban này, lãnh Phòng PC45 Hà Nội cho biết, giữa tháng 10.2013, chị Huyền đến Cát Tường đặt cọc 50 triệu đồng để phẫu thuật hút mỡ bụng và nâng ngực. 10h ngày 19.10.2013, chị Huyền đến làm thủ tục và được Tường trực tiếp phẫu thuật. Đến 16h thì kết thúc ca phẫu thuật. Tuy nhiên, 30 phút sau, chị Huyền có biểu hiện co giật, sùi bọt mép. Tường đã tiêm thuốc chống sốc, trợ tim và thực hiện các biện pháp cấp cứu khác, song theo lời khai của ông Tường, chị Huyền đã tử vong.

Sau đó, do sợ trách nhiệm, bác sĩ Tường đã cho nhân viên về, thu dọn máy móc, đồ đạc đưa đi cất giấu để xóa. Tối cùng ngày, ông Tường cùng nhân viên bảo vệ mang xe máy (của nạn  nhân) sang bỏ ở phố Cổ Linh và sử dụng ô tô chở thi thể nạn nhân lên cầu Thanh Trì, vứt xuống sông Hồng.

Ngay sau khi Công an TP.Hà Nội công bố thông tin về vụ việc khiến dư luận vô cả nước cùng bức xúc bởi một bác sĩ làm nhiệm vụ cứu người lại đi ném xác phi tang khách hàng của mình. Ngay trong tối ngày 22.10.2013, Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn cấp xử lý sự việc nghiêm trọng do bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường gây ra. Thay mặt Bộ trưởng Bộ Y tế (lúc này đang đi công tác nước ngoài), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình nạn nhân Lê Thanh Huyền, đồng thời gửi lời xin lỗi đến toàn thể nhân dân.

Hành trình gian nan tìm thi thể chị Huyền…

Ngay sau khi xác định được vị trí Tường và Khánh ném thi thể chị Huyền xuống sông Hồng ở cầu Thanh Trì, gia đình nạn nhân Huyền đã phối hợp cùng lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm ngày đêm. Để khẩn trương tìm thấy thi thể chị Huyền, Công an TP.Hà Nội đã có thông báo gửi công an các tỉnh, thành: Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình phối hợp tìm kiếm thi thể nạn nhân từ hạ lưu cầu Thanh Trì xuôi theo xuống hạ lưu sông Hồng đổ ra biển.

img

Gia đình nạn nhân Huyền tìm mọi cách tìm kiếm, nhưng suốt 10 tháng không tìm được người thân.

Tuy nhiên, nhiều ngày sau đó, thi thể chị Huyền vẫn chưa được tìm thấy. Gia đình và các cơ quan chức năng sau đó đã thuê thợ lặn, tàu thuyền của người dân chài lưới trên sông Hồng lặn mò, thả lưới với hy vọng tìm thấy thi thể người xấu số. Nhưng biện pháp này cũng không mang lại hiệu quả nên gia đình chị Huyền đã mời một số nhà ngoại cảm, cán bộ của Hiệp hội các Nhà khoa học và kỹ thuật Việt Nam vào cuộc tìm kiếm. Rốt cuộc, vẫn không tìm thấy chị Huyền đâu.

 

Nhiều tháng sau đó, gia đình chị Huyền vẫn tiếp tục tìm kiếm chị mỗi khi có người cung cấp thông tin. Họ tìm kiếm khắp mọi nơi từ khu vực chân cầu Thăng Long (Hà Nội), Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) đến tận Thái Bình, Hà Nam… Thậm chí họ còn về nghĩa trang quê của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường ở Hà Nam và thuê thợ lặn tìm dưới sông Hồng ở chân cầu Việt Trì (Phú Thọ) để tìm chị Huyền.

Việc tìm kiếm trong thời gian dài khiến gia đình chị Huyền tốn rất nhiều tiền của. Tuy nhiên, tâm sự với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hiền (mẹ chị Huyền) cho biết “gia đình bà chưa bao giờ từ bỏ hy vọng tìm kiếm chị Huyền. Mỗi khi có thông tin có cơ sở gia đình và chồng chị Huyền lại đi xác minh tìm kiếm”.

Tòa trả hồ sơ điều tra lại

Hồi tháng 4.2014, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh. Tuy nhiên, do có một số vấn đề phát sinh về chuyên môn mà Hội đồng xét xử không thể giải quyết được tại phiên tòa, nên quyết định tạm dừng phiên tòa, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Thi thể chị Huyền mất đầu khi tìm thấy

Đúng lúc việc tìm thấy thi thể chị Huyền trở nên vô vọng thì sáng 18.7, thi thể một phụ nữ trôi trên sông Hồng đã được lực lượng chức năng và người dân làm nghề chài lưới trên sông Hồng phát hiện đưa lên bờ. Thời điểm phát hiện, thi thể người phụ nữ đã bị mất đầu, thi thể đang trong giai đoạn phân hủy mạnh.

img

Thi thể chị Huyền bất ngờ được tìm thấy sau khi được lực lượng chức năng phát hiện nổi trên sông Hồng đoạn qua bến đò Vân Đức.

Tối 4.8, một cán bộ điều tra Công an huyện Gia Lâm cho biết, kết quả giám định ADN của thi thể trôi sông ở bến đò Vân Đức hôm 18.7 trùng với mẫu ADN của người thân chị Lê Thị Thanh Huyền.

Sau đó, gia đình chị Huyền cho biết, hoàn toàn tin tưởng vào kết quả giám định của cơ quan chức năng.

Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường đối diện khung hình phạt 20 năm tù

Ngày 16.10, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng, chuyển hồ sơ vụ án Nguyễn Mạnh Tường làm chết chị Lê Thị Thanh Huyền rồi phi tang xác, cho Tòa án Nhân dân thành phố thụ lý, nghiên cứu theo thẩm quyền.

img

Trong bản cáo trạng mới nhất, Nguyễn Mạnh Tường sẽ đối mặt với mức án phạt cao hơn.

So với bản cáo trạng trước, bản cáo trạng mới này có sự điều chỉnh điều khoản của tội danh truy tố bị can Tường ở khung hình phạt cao hơn. Cụ thể, cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Mạnh Tường về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo quy định tại Điều 246, khoản 2 và “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo Điều 242, khoản 3 – Bộ luật Hình sự. Ở tội danh “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, lúc trước bị can Tường bị truy tố tại khoản 1 (có khung hình phạt từ 1-5 năm) thì nay bị truy tố tại khoản 3 (có khung hình phạt từ 7-15 năm). Với việc thay đổi khoản truy tố, bác sĩ Tường có thể phải lĩnh 20 năm tù cho hai tội danh.

Riêng bị can Đào Quang Khánh vẫn bị truy tố về 2 tội danh giống như bản cáo trạng trước, gồm: Tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo quy định tại Điều 246, khoản 2 và tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 138, khoản 1 - Bộ luật Hình sự.