Ông Trần Cao Mưu - Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam trả lời phỏng vấn của phóng viên NTNN.
Thưa ông, sau khi Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” thuộc tỉnh Hải Nam, vừa qua, chính quyền tỉnh này ra “Điều lệ quản lý trị an biên phòng duyên hải Hải Nam”, trao quyền cho cảnh sát biên phòng Hải Nam khống chế tàu thuyền nước ngoài vào vùng biển thuộc quản lý của Hải Nam. Đây có phải là hành động gây hấn mang tính chất hệ thống của phía Trung Quốc?
- Những hành động gây hấn liên tiếp vừa qua của phía Trung Quốc trên Biển Đông rõ ràng là có hệ thống, từ việc họ không chịu ký Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với các nước ASEAN cho đến việc ra quyết định thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, rồi ra “Điều lệ quản lý trị an biên phòng duyên hải Hải Nam”, gần đây nhất là in hình lưỡi bò lên hộ chiếu phổ thông…
Tất cả những việc làm đó của Trung Quốc rõ ràng là có ý đồ, có âm mưu tính toán từ trước nhằm gây hấn với Việt Nam và các nước trong khu vực. Họ cố tình làm như thế để thế giới hiểu nhầm là, vùng biển đó là của Trung Quốc. Song thực chất, vùng biển mà họ nói tới phần lớn là của Việt Nam.
Ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt cá trên vùng biển Trường Sa - Việt Nam. |
Với quyết định trên của phía Trung Quốc, tới đây việc khai thác của ngư dân nước ta sẽ bị ảnh hưởng như thế nào và Hội đã có những đề xuất, kiến nghị gì để giúp ngư dân yên tâm tiếp tục vững bước ra khơi?
- Có thể nói, gần đây việc khai thác của ngư dân trên biển đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi các hành động gây rối của các tàu cá Trung Quốc. Gần đây, các tàu cá Trung Quốc xâm phạm vào vùng biển nước ta và khi bị phía ta xua đuổi, không những họ không tuân thủ, mà còn chống trả lại. Mỗi lần như thế, có cả 100 chiếc tàu, thuyền đi gần nhau.
Do đó, nếu chúng ta không có những động thái tích cực, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc khai thác hải sản của ngư dân. Theo tôi, chúng ta không được để cho ngư dân mất biển bằng việc không khai thác hải sản trên vùng biển thuộc chủ quyền nước ta. Cả dân tộc Việt Nam cần đứng về phía ngư dân, bởi chính họ là những chiến sĩ nơi tiền tiêu đầu sóng ngọn gió để bảo vệ chủ quyền trên biển của nước ta.
Ông Trần Cao Mưu
Từ trước đến nay, chúng ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân nhưng chưa được như kỳ vọng. Vậy theo ông, cần có những chính sách nào mạnh mẽ hơn để giúp ngư dân?
- Nhà nước phải có cơ chế, chính sách thiết thực, động viên ngư dân bám biển kịp thời như cho ngư dân vay vốn đóng tàu lớn, hỗ trợ xăng dầu cho họ ra khơi xa…
Thực ra, trong thời gian qua, Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho ngư dân, nhưng có nhiều chính sách còn hạn chế, bất cập. Chẳng hạn như Chính phủ đã có Quyết định 289 hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân, song từ năm 2008 đến nay xăng dầu đã tăng giá rất nhiều lần, mà chúng ta vẫn không điều chỉnh cơ chế, chính sách để ngư dân thực sự được nhận xăng dầu hỗ trợ.
Hay như chính sách cho ngư dân vay vốn đóng tàu, hiện có quá nhiều quy định làm khó, ngư dân không thể đáp ứng được để vay vốn đóng tàu lớn. Do đó, để ngư dân yên tâm ra khơi, chúng ta phải hỗ trợ họ đóng thuyền to, máy lớn.
Xin cảm ơn ông!
Kịch liệt phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc
Hôm qua (5.12), PGS-TS Võ Văn Trác- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nghề cá Việt Nam đã ký công văn gửi Bộ Ngoại giao, Bộ NNPTNT với kiến nghị cần có những biện pháp cứng rắn trước việc phía Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo, cắt đứt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam. Nội dung công văn nêu rõ: Trong thời gian qua, phía Trung Quốc đã có nhiều hành động xâm phạm Biển Đông với chủ ý tính toán lâu dài như ra lệnh cấm đánh bắt hải sản ở Biển Đông, huy động tàu cá khai thác trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, thông qua Điều lệ quản lý trị an biên phòng trên biển của tỉnh Hải Nam…
Trước những hành động trên của phía Trung Quốc, Hội Nghề cá kịch liệt phản đối các hành động phi pháp, phá hoại tài sản, xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đồng thời yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành động sai trái nói trên. Hội Nghề cá kiến nghị Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp hữu hiệu, cứng rắn, phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động phi pháp nói trên.
Hải Hà
Ngọc Lê (thực hiện)