“Nếu chính quyền thờ ơ hoặc chưa có các biện pháp ngăn chặn ngay khi có các dấu hiệu bạo lực nghiêm trọng như báo phản ánh thì chúng tôi sẽ đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa xem xét, giải quyết ngay" - ông Đỗ Hoàng Du - quyền Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) khẳng định.
Cháu Vũ Quốc Linh, 3 tuổi, bị cha là Vũ Văn Quang đổ xăng đốt, đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. |
Theo ông Du, với vai trò quản lý nhà nước về bạo lực gia đình (BLGĐ), Vụ Gia đình nói riêng và Bộ VHTTDL nói chung đã tham gia xây dựng nhiều nghị định, thông tư, văn bản nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý để cán bộ và người dân thực hiện tốt Luật Phòng chống BLGĐ. Vụ cũng đã tổ chức tập huấn kiến thức và quy trình can thiệp một vụ BLGĐ tại cơ sở cho lãnh đạo cấp sở của 63 tỉnh, thành.
Các sở cũng đã tiến hành hướng dẫn cho các lãnh đạo địa phương. Vì thế, nếu như cán bộ chính quyền nào nói rằng vẫn lúng túng trong việc can thiệp vụ việc BLGĐ cụ thể là không thể chấp nhận được. Như thế là trốn tránh trách nhiệm, đỗ lỗi cho khách quan.
Quan điểm của Vụ về vụ việc em bé 3 tuổi bị cha đốt thế nào?
- Nếu như bị người chồng đánh, nhiều lần cầm hung khí, đổ xăng dọa giết cả mẹ lẫn con, người nhà đã báo chính quyền nhưng chính quyền xuê xoa cho qua, cho rằng đó là “người chồng chỉ dọa”, sau đó dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là đứa con bị đốt thật thì công an và chính quyền địa phương đã chưa làm hết trách nhiệm, chưa hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước giao.
Tại phiên tòa xử ly hôn, tên Quang đã tưới xăng lên người con dọa đốt, nhưng thẩm phán chỉ hoãn phiên xử mà không có bất cứ hành động can thiệp, ngăn chặn. Ông đánh giá thế nào về cách xử lý này?
- Nếu đúng thật như vậy thì tòa cũng đã không làm đúng trách nhiệm của mình. Điều 35, 36 của Luật Phòng chống BLGĐ đã quy định chi tiết trách nhiệm về việc “chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ” của các bộ, ban, ngành, trong đó có Tòa án và Viện Kiểm sát.
Trong vụ việc này, các dấu hiệu đó còn cấu thành tội hình sự, gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng cháu bé mà không báo công an để xử lý thì thật tắc trách.
Đối với những cán bộ cơ sở không hoàn thành nhiệm vụ phòng chống, can thiệp đối với các vụ BLGĐ thì Vụ sẽ tham gia xử lý như thế nào?
- Vụ sẽ chỉ đạo sở kiểm tra, xác định rõ vấn đề và kiến nghị lãnh đạo tỉnh xử lý về việc cán bộ chưa làm tròn trách nhiệm, hậu quả đến đâu thì chịu kỷ luật đến đó. Đối với vụ việc cháu bé bị cha đốt, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân và phía công an, chính quyền, các tổ chức hội làm đúng chưa, đúng đến đâu, sau đó sẽ có các kiến nghị với UBND tỉnh để họ giải quyết.
Xin cảm ơn ông!
Diệu Linh (thực hiện)