Dân Việt

Chương trình hài “Ơn giời, cậu đây rồi”: Ranh giới mong manh giữa tục và thanh

Hà Thu 24/10/2014 06:26 GMT+7
Chỉ sau 2 số phát sóng trên truyền hình, chương trình hài thực tế “Ơn giời, cậu đây rồi” đã làm dấy lên ý kiến cho rằng một số nghệ sĩ đã đi quá mức từ “hài thanh” sang “hài tục”.

Chọc cười, khó mà dễ

“Thank God, you are here!” là phiên bản gốc một chương trình hài ăn khách của Australia, được Việt hóa và xuất hiện trên VTV3 vào 21 giờ 15 thứ 7 hàng tuần với cái tên “Ơn giời, cậu đây rồi!”. Chương trình chỉ có 1 giám khảo duy nhất là nghệ sĩ Hoài Linh và nghệ sĩ hài Xuân Bắc đảm nhiệm vai trò MC. Về cảm quan ban đầu, “Ơn giời, cậu đây rồi” hấp dẫn khán giả bởi sự mới lạ của hình thức thể hiện, khác hoàn toàn so với các chương trình hài đã từng xuất hiện trên truyền hình trước đây.

img Một tiết mục trên sân khấu “Ơn giời, cậu đây rồi” với diễn viên Phi Thanh Vân. 

Thay vì phát sóng những tiết mục đã được tập luyện theo kế hoạch, các nghệ sĩ tham gia chương trình sẽ không được biết trước kịch bản mà hoàn toàn bị rơi vào những tình huống mới lạ như một thử thách. Mỗi số phát sóng, chương trình mời đến 4 nghệ sĩ và thử thách họ bằng việc mời vào một căn phòng với từ 1 đến 2 vị “trưởng phòng” là những nghệ sĩ hài đã có kinh nghiệm.

Chia sẻ
img
Phi Thanh VânNữ diễn viên
  Trước khi tới với sân khấu chương trình thì em không biết kịch bản chương trình như thế nào. Em nghĩ kiểu gì mình cũng chơi được. Mình chơi với tiêu chí chơi hết mình và nụ cười là muôn năm, nên không có lý do gì phải sợ”...  
Ở trong căn phòng đó, các tình huống được đưa ra, có thể là trớ trêu, khó xử hoặc như một kiểu “chơi khăm” để nghệ sĩ khách mời bộc lộ được hết khả năng hài hước và trình độ ứng biến của mình. Và để có thể trải qua được hết thử thách trong vòng trên dưới 10 phút này, nghệ sĩ cần rất nhiều kỹ năng. Ngay sau 2 số phát sóng đầu tiên, dư luận khán giả đã lên tiếng về những tiết mục đã trượt từ hài thanh sang tục, từ gây cười thành phản cảm.

 

Ví dụ tiết mục của hai nghệ sĩ Việt Hương và Anh Đức trong tiểu phẩm biến tấu từ tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao. Nghệ sĩ Việt Hương vào vai bà Ba, Anh Đức vào vai Chí Phèo. Có thể nói đây là tiết mục khiến khán giả phàn nàn nhiều nhất vì mức độ dung tục và những cử chỉ quá đà của nữ nghệ sĩ. Khán giả Bùi Hoài Trung ở 79 Lê Văn Hưu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Tôi nghĩ trước khi cho lên sóng, VTV cần cân nhắc biên tập kỹ những tiết mục như thế này vì đối tượng khán giả của truyền hình có cả người già, trẻ em, tiểu phẩm của Việt Hương rõ ràng có nhiều chi tiết không phù hợp với trẻ em. Người lớn xem còn thấy đỏ mặt với các tình tiết, lời nói khêu gợi, trẻ em sẽ cảm thấy thế nào? Thà rằng trước khi phát sóng, VTV có thông báo rằng “Chương trình có một số cảnh không phù hợp với trẻ nhỏ” giống như các đài truyền hình nước ngoài, chúng tôi sẽ biết để giám sát con em mình”.

Trong số phát sóng thứ hai, tiết mục của diễn viên Phi Thanh Vân cũng nhận được khá nhiều lời góp ý từ khán giả. Đa phần mọi người đều cho rằng phần dự thi của cô khá nhạt nhẽo, bên cạnh đó, những hành động của cô với MC Xuân Bắc như ôm ghì lấy để “cưỡng hôn” nghệ sĩ này không chỉ một mà vài lần cũng bị coi là “phản cảm”.

Ứng tác: Dễ mà khó

NSƯT Tự Long cho biết: “Hài ứng tác là một thể loại tưởng dễ nhưng vô cùng khó với tất cả các nghệ sĩ, cho dù bản lĩnh sân khấu của họ dày dặn đến đâu, vì không ai biết trước mình sẽ rơi vào tình huống nào để mà xử lý. Vì vậy để có thể làm được thành công một tiết mục hài ứng tác, nghệ sĩ vừa phải phát huy được sở trường của mình nhưng cũng phải hết sức tỉnh táo để kiểm soát hành động, lời nói để không rơi vào sự quá đà, gây phản cảm”.

Diễn viên hài Việt Hương chia sẻ trong buổi ra mắt chương trình, điểm thú vị của “Ơn giời, cậu đây rồi” nằm ở yếu tố bất ngờ. Cả người chơi lẫn các "trưởng phòng" đều không biết điều gì sẽ diễn ra và tình huống bị đẩy đi đến đâu. Việt Hương còn bật mí rằng sau màn "thử tài" Anh Đức, ra khỏi sân khấu rồi mà vẫn còn run, chưa trấn tĩnh được vì: "Lúc đó Hương rất hồi hộp vì không biết Đức sẽ làm gì với mình". Diễn viên Phi Thanh Vân thì cho biết: “Trước khi tới với sân khấu chương trình thì em không biết kịch bản chương trình như thế nào. Em nghĩ kiểu gì mình cũng chơi được. Mình chơi với tiêu chí chơi hết mình và nụ cười là muôn năm, nên không có lý do gì phải sợ”. Chính vì cái tinh thần “không có lý do gì phải sợ” nên Phi Thanh Vân đã “lăn xả” vào diễn hài trong khi vốn liếng thì không có mấy và kết cục là khán giả đã phải chứng kiến một màn hài khá là nhạt và sượng.

Chuyên gia tâm lý Trần Thị Mai cho biết: “Để các tiết mục không khiến khán giả xem truyền hình cảm thấy khó chịu, thấy sượng thì chính các nghệ sĩ cũng phải hết sức tỉnh táo để kiểm soát mình và người biên tập chương trình cũng phải làm việc hết sức cẩn thận trước khi để tiết mục lên sóng. Nghệ thuật sân khấu dù là bi hay hài thì cái đích cuối cùng vẫn là phải mang đến những cảm nhận có tính chân thiện mỹ cho khán giả”.