Do tính chất vùng miền, trình độ nhận thức văn hoá thấp mà hiện nay tại nhiều vùng núi nơi tập trung đông bà con dân tộc sinh sống, vẫn còn thói quen tự sinh con ở nhà.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hoằng Hóa (Thanh Hóa) tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ nông thôn. |
Bà Đỗ Thị Lan - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ tỉnh Sơn La, cho biết: “Có tới 70% phụ nữ mang thai ở tỉnh có truyền thống sinh đẻ tại nhà. Cá biệt, có xã như Tân Lập của huyện Mộc Châu, hay Chiềng Xơ của huyện Sông Mã có tới 100% chị em không hề tới trung tâm y tế khám thai và sinh đẻ”.
Không chỉ tỉnh Sơn La, mà ngay cả Đăk Lăk cũng đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc kêu gọi phụ nữ đến trung tâm y tế sinh đẻ. Bà Phạm Thu Hương - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ Đăk Lăk nêu một thực tế đáng buồn: “Tuy hệ thống y tế đã được phổ cập tới 95% thôn bản nhưng hàng năm trên địa bàn tỉnh vẫn có nhiều bà mẹ tử vong. Thống kê mới đây cho thấy tỉnh Đăk Lăk có tỷ lệ 30/100.000 phụ nữ tử vong khi sinh, chủ yếu là các trường hợp phụ nữ người dân tộc sinh con tại nhà”.
Lý giải về điều này, bà Hương cho rằng: Nhiều phụ nữ ngại đến trạm y tế bởi họ gặp phải những khó khăn trong quá trình vận chuyển, đường sá không thuận lợi. Số khác thì không được khám sàng lọc trước sinh và mắc các bệnh tiền sử dẫn đến tử vong ngay khi sinh.
Thực tế, không riêng gì 2 tỉnh trên mà hầu hết các tỉnh miền núi trong cả nước đều gặp phải những khó khăn trong công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản bà mẹ và trẻ em.
Theo số liệu thống kê năm 2010 của Bộ Y tế, miền núi phía Bắc là khu vực dẫn đầu cả nước về tình trạng tử vong ở bà mẹ, ước tính có 200/100.000 bà mẹ tử vong trong khi sinh; xếp sau là khu vực Tây Nguyên với tỷ lệ tử vong là 100/100.000 bà mẹ. Số liệu (ước tính) này đã giảm so với trước khi có sự can thiệp của Chương trình giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh (trước đó, tỷ lệ tương ứng là 411/100.000 mẹ và 178/100.000 mẹ)
Ông Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh: “Việc thay đổi thói quen để bà mẹ tới cơ sở y tế sinh nở đòi hỏi cần nhiều thời gian. Vì thế, ngành y tế phải tự tìm tới người dân thông qua y tế thôn bản. Thực tế, đầu tư cho y tế thôn bản không tốn kém nhiều nhưng mang lại hiệu quả cao, góp phần ngăn chặn và phòng ngừa tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh”.
Trong năm 2011, Chương trình giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh sẽ thực hiện tại 14 tỉnh miền núi, với tổng kinh phí lên tới 9.953.400USD. Mục tiêu trọng tâm của chương trình là nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến thôn bản, mở thêm lớp tập huấn cho cô đỡ thôn bản. Trong năm 2010, chương trình đã cung cấp 3.500 bộ dụng cụ đỡ đẻ cho các cô đỡ thôn bản tại 14 tỉnh; thực hiện khóa đào tạo 3 tháng tại mỗi tỉnh về biện pháp hỗ trợ sinh sản và kiến thức về cấp cứu sản khoa chăm sóc sơ sinh cho y tế thôn bản.
Minh Nguyệt