Dân Việt

Muốn tăng trưởng phải dám đối đầu thách thức

06/05/2011 06:20 GMT+7
(Dân Việt) - Sáng 5.5, Hội nghị Thường niên 44 của ADB đã chính thức khai mạc tại Hà Nội với chủ đề: “Tương lai châu Á: Thách thức khu vực và trách nhiệm toàn cầu”.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu tại hội nghị.

img
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chứng kiến lễ ký Hiệp định vay vốn cho Dự án xây dựng cầu Vàm Cống (bắc qua sông Hậu) giữa Ngân hàng XNK Hàn Quốc và Bộ Tài chính VN.

Việt Nam cam kết dùng vốn ADB đúng mục đích

Phát biểu tại phiên khai mạc, trước hàng ngàn đại biểu đến từ 67 nước thành viên ADB và nhiều tổ chức tài chính quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, VN có vị trí thuận lợi và nhiều tiềm năng phát triển. VN cam kết ủng hộ mạnh mẽ và tham gia tích cực các hoạt động do ADB khởi xướng vì mục tiêu một châu Á không đói nghèo.

Trong quá trình phát triển, VN đã nhận được sự hỗ trợ to lớn và kịp thời của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, trong đó có ADB, cả về tài chính, hỗ trợ kỹ thuật, ủng hộ và tư vấn chính sách. Tính đến tháng 3.2011, ADB đã cam kết hỗ trợ VN gần 10 tỷ USD đối với hơn 100 chương trình và dự án, tập trung vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, nông thôn, năng lượng và giáo dục. Ghi nhận và đánh giá cao những hỗ trợ thiết thực của ADB dành cho VN, Thủ tướng cam kết sẽ tiếp tục sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả cao nhất nguồn vốn hỗ trợ từ ADB.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong 5 năm tới, VN xác định những nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa đột phá là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ngày càng hiện đại. Thủ tướng khẳng định, 5 năm tới sẽ là giai đoạn kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 2%/năm; thu nhập khu vực nông thôn tăng khoảng 2 lần so với năm 2010, vì mục tiêu phát triển hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa, xã hội.

Chất lượng tăng trưởng quyết định tương lai

Tại phiên khai mạc, Chủ tịch ADB, ông Haruhiko Kuroda cho rằng, VN cũng như các nước châu Á khác, đang tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng số lượng tăng trưởng không phải là vấn đề cốt lõi, chất lượng tăng trưởng mới quyết định tương lai của người dân.

“Chất lượng tăng trưởng” mà ông Kuroda nói đến là ngoài phát triển kinh tế, phải cung cấp việc làm và tăng chất lượng cuộc sống cho người dân. Ông khẳng định, tất cả các khu vực trên thế giới không thể thịnh vượng và không đạt được mục tiêu tăng trưởng, nếu lợi ích của tăng trưởng không được chia sẻ rộng rãi cho mọi tầng lớp dân chúng. Nói cách khác, tăng trưởng không nên chỉ nhìn vào những con số trên giấy tờ, phải nhìn thấy được nét “no đủ” trên khuôn mặt người dân.

Chủ tịch ADB cũng cho rằng, châu Á cần đầu tư vào đổi mới công nghệ và phát triển các doanh nghiệp; áp dụng một mô hình tăng trưởng xanh. Hợp tác và hội nhập kinh tế sâu rộng hơn sẽ giúp châu Á nâng cao khả năng ứng phó với các thách thức toàn cầu như giá cả hàng hóa tăng cao, thiếu hụt lương thực, nước sạch, năng lượng…

Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang nổi lên nhanh chóng nhưng phải đối mặt với các thách thức lớn về đói nghèo, bất bình đẳng, quá trình đô thị hóa nhanh, biến đổi của môi trường và khí hậu… Châu Á có thể dẫn đầu và phát triển năng động, bền vững hơn nếu như dám đương đầu với các thách thức trung và dài hạn với một mục tiêu và quyết tâm mạnh mẽ - ông Kuroda nhận định.

Chủ tịch ADB cũng nhấn mạnh 5 yếu tố quan trọng sẽ khai mở tiềm năng của khu vực. Đó là phải có những nhà lãnh đạo kiệt xuất với khả năng điều hành quản trị đất nước; tăng thêm quyền cho người nghèo và có các thể chế đảm bảo sự bình đẳng và quyền công dân.

Yếu tố quan trọng thứ hai là cần có một hệ thống tài chính vững mạnh đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng (ước tính 750 tỷ USD/năm) và gần gũi hơn với người nghèo nhằm giúp họ có được cơ hội phát triển kinh tế, đối phó với các cú sốc về tài chính và có thể tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục.