Dân Việt

Vụ “Sập bẫy vì thích làm giàu siêu tốc”: Đừng nghĩ tới chuyện “ngồi mát ăn bát vàng”

Mai Hương (thực hiện) 27/10/2014 08:09 GMT+7
“Chúng ta đã ban hành không ít công cụ pháp lý để quản lý việc kinh doanh bán hàng đa cấp (BHĐC). Vậy tại sao nhiều người dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn vẫn bị lừa tham gia vào việc BHĐC phi pháp và hậu quả là “tiền mất tật mang”, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đánh giá.

Sau loạt bài “Sập bẫy vì thích làm giàu siêu tốc” đăng trên NTNN số ra từ ngày 23 – 25.10, PV NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN. Ông Hùng cho biết:

img

Ô
ng Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN.

- Thực ra cũng như nhiều lĩnh vực khác, trong lĩnh vực BHĐC có doanh nghiệp làm ăn chân chính và doanh nghiệp làm ăn bất chính. Điều đáng lưu tâm là sự mới mẻ, hấp lực của mô hình này đã khiến nhiều doanh nghiệp tham gia bất chính, biến tướng mô hình kinh doanh đa cấp chân chính và lừa gạt không ít người nhẹ dạ. Kinh doanh BHĐC theo kiểu truyền miệng, không có địa điểm bán hàng, khó kiểm soát thông tin. Trình độ nhận thức của người tham gia lại tương đối đa dạng, nhận thức về BHĐC chưa cao, bản thân người tham gia BHĐC chưa có tinh thần tuân thủ pháp luật cao; sự giám sát của các doanh nghiệp đối với người tham gia BHĐC chưa chặt chẽ; các hoạt động núp bóng BHĐC dẫn tới dư luận không tốt về hoạt động này…

img
Lớp học của các học viên bán hàng đa cấp cho Công ty TNHH Lô Hội ở thôn Nghĩa Chính, xã Phú Xuân (TP.Thái Bình). 


Nhưng những phản ứng của người tiêu dùng đối với hoạt động BHĐC không phải không có nguyên do. Thực tế trên thị trường đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo liên quan tới các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bất chính khiến hàng ngàn người trở thành nạn nhân, thưa ông?

- Đúng là nhiều người đã bị lừa bởi chính sự nhẹ dạ của mình. Thủ đoạn của các doanh nghiệp BHĐC bất chính là đánh vào tâm lý thích “ngồi mát ăn bát vàng” của không ít người. Họ bị mê hoặc bởi những lời như không mất nhiều công sức lao động vẫn có thể kiếm được vài chục triệu đồng/tháng. Họ bị dụ dỗ để bán được nhiều hàng, lôi kéo được nhiều người tham gia thì càng có lợi nhuận cao… Trong khi đó, người dân lại đang quá thiếu thông tin. Không chỉ những người ở vùng sâu, xa thiếu thông tin mà ngay ở Hà Nội hay TP.HCM - các trung tâm kinh tế - thì người dân cũng bị “mê hoặc” bởi cách tô vẽ của các doanh nghiệp đa cấp bất chính trong việc nói vống sản phẩm cũng như mức thu nhập khổng lồ sau một thời gian ngắn tham gia mạng lưới.

Vậy làm sao để người tiêu dùng có thể phân biệt được đâu là BHĐC bất chính, đâu là chân chính nếu họ lại đang quá thiếu thông tin như ông nói như hiện nay?

- Nghị định 42 của Chính phủ về quản lý kinh doanh BHĐC đã có hiệu lực từ ngày 1.7.2014. Nó đang được kỳ vọng sẽ lập lại trật tự và nâng cao công tác giám sát, quản lý hoạt động kinh doanh BHĐC. Song tôi cho rằng, để hoạt động này phát triển đúng hướng giúp người tiêu dùng nhận biết về BHĐC chân chính thì công tác truyền thông là hết sức quan trọng. Tôi xin nhắc lại hoạt động BHĐC không phải hoạt động xấu.

Do vậy theo tôi, để có thể thanh lọc thị trường, trả lại hình thức kinh doanh BHĐC bản chất vốn có của nó thì cần phải có thời gian, sự đồng hành của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Trong lúc chờ đợi thì làm cách nào để người tiêu dùng, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn có thể tránh được các bẫy do các doanh nghiệp BHĐC bất chính giăng ra, thưa ông?

- Trước hết, người tiêu dùng hiểu đúng và đủ về BHĐC thì tự họ sẽ tránh được việc bị lừa gạt. Tiếp đó, Nghị định 42 sẽ là công cụ pháp lý quan trọng để người dân tham gia mạng lưới BHĐC được bảo vệ. Nghị định này có rất nhiều quy định bảo vệ người tiêu dùng khi sử dụng lẫn khi tham gia mạng lưới BHĐC. Tôi ví dụ, doanh nghiệp BHĐC không được yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc tiền trước (nếu bị tố cáo và có bằng chứng thì doanh nghiệp BHĐC sẽ bị pháp luật xử lý). Doanh nghiệp kinh doanh hàng đa cấp không được phép yêu cầu người tham gia phải mua hàng hóa của chính doanh nghiệp này cung cấp. Ngoài ra, để bảo vệ người tiêu dùng, người tiếp thị bán hàng đa cấp không được cung cấp thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia BHĐC…

Xin cảm ơn ông!

    BHĐC bắt đầu vào Việt Nam từ năm 2000, đến năm 2005 Chính phủ ban hành Nghị định 110/2005/NĐ-CP để quản lý hoạt động này. Tính đến ngày 18.4.2014, đã có 102 doanh nghiệp đăng ký hoạt động BHĐC, trong đó 30 doanh nghiệp đã tạm dừng/chấm dứt hoạt động, 5 doanh nghiệp bị rút giấy phép hoạt động và chỉ còn 67 doanh nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động ở TP.HCM và Hà Nội. Hiện có khoảng 7.000 mặt hàng kinh doanh theo hình thức này. Số lượng người tham gia vào hoạt động BHĐC khoảng gần 1,4 triệu người. Doanh thu năm 2013 của BHĐC khoảng 6.450 tỷ đồng. Tổng số thuế doanh nghiệp BHĐC nộp ngân sách hơn 1.130 tỷ đồng. BHĐC cũng được xem là một phương thức bán hàng đơn thuần như các phương thức truyền thống khác.

 Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương)