Đường phố biến thành sông, xe chết máy đầy đường khi mưa lớn, sau đó là các cuộc họp của cơ quan chức năng để tìm giải pháp chống ngập... Vì sao người dân vẫn cứ khổ sở với chuyện ngập mà không biết bao giờ tình trạng này được giải quyết dứt điểm?
Sự khổ sở của người dân đôi khi là do phương pháp tham mưu chống ngập thiếu khoa học. Như trường hợp của hàng chục hộ dân ở khu vực đường Lò Gốm (quận 6, TP.HCM), khu vực bị ngập rất nặng và kéo dài. Giờ muốn ra khỏi nhà, người dân nơi đây, người thì phải bò, người phải bắc thang trèo qua cửa vì công trình “chống ngập” của cơ quan chức năng đã nâng cao cốt nền đường quá mức mà không nghĩ đến những hệ lụy mà người dân phải chịu. Cửa ra vào nhà của người dân bị che lấp bởi nền đường, có nhà bị lấp cửa từ độ cao 2,2m xuống còn 0,8m, nên người dân phải chui từ nhà của mình ra đường như... chuột.
Người dân ở khu vực Lò Gốm chua xót bảo rằng, nâng cao đường tưởng rằng đỡ khổ vì ngập ai dè còn khổ hơn, dắt xe máy vào nhà cũng khó huống chi khiêng cái hòm mỗi khi nhà có đám tang. Thà để cho ngập như thế thỉnh thoảng còn có cá mà bắt còn hơn chống ngập mà bít cửa ra vào nhà, mọi hoạt động với bên ngoài đều phải “chui vào chui ra”. Theo các chuyên gia am hiểu về chống ngập, việc nâng cao nền đường chỉ giải quyết dứt điểm cục bộ ở khu vực nhưng lại đẩy túi nước đến điểm ngập khác. Vì thế mà trong cuộc họp mới đây do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín chủ trì để bàn giải pháp chống ngập cấp bách trên địa bàn thành phố, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố thừa nhận có 10 điểm phát sinh do ảnh hưởng từ việc nâng nền đường Lò Gốm để chống ngập. Từ năm 2011, toàn TP.HCM có 58 điểm ngập nhưng mới giải quyết được 33 điểm, còn 27 điểm ngập cũ và mới.
Cơ quan chức năng đang rơi vào vòng luẩn quẩn chưa tìm ra lối thoát cho việc chống ngập hữu hiệu tại TP.HCM. Cứ năm nay xóa ngập được vài điểm nhưng năm sau triều cường dâng cao lại phát sinh thêm vài điểm ngập khác, lại đổ tiền nhưng ngập vẫn hoàn ngập, không biết làm sao để dứt điểm tình trạng này. Nên chăng, cần mở rộng đối tượng tham mưu, mời các nhà khoa học am hiểu cùng tham gia chứ cái kiểu chống ngập mà làm khổ người dân hơn cả lúc bị ngập như ở Lò Gốm thì thà đừng làm còn hơn.