Suốt 15 năm qua mệ đã góp phần tích cực vào việc quảng bá hình ảnh chiếc cầu ngói Thanh Toàn ra bạn bè thế giới.
Mệ Trần Thị Diều (phải) đang giới thiệu lịch sử cây cầu.
Mệ Diều cho biết: Những năm 1968-1971, mệ làm thuê giặt ủi quần áo cho lính Mỹ ở Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), vừa làm việc mệ vừa để tai nghe ngóng lính Mỹ nói chuyện với nhau nên mệ học “tiếng bồi”. “Mỗi ngày tui học dăm ba câu. Tối ngủ tui lẩm bẩm cái miệng ôn lại những câu, từ vừa học được ngày hôm đó. Khi tự tin rồi thì mạnh dạn giao tiếp với Mỹ, lúc đầu phát âm khó khăn, lính Mỹ cũng cười nhưng tui không nản. Học riết thì nói thạo”.
Hàng ngày, mệ đi bộ khoảng 500m từ nhà ra cầu ngói Thanh Toàn để đón khách nước ngoài đến tham quan chiếc cầu này. Khách đến, mệ tươi cười chào đón, mời ngồi, rồi “trổ tài” nói tiếng Anh giới thiệu lịch sử cây cầu cũng như nét đẹp văn hóa của cư dân nơi mệ đang sinh sống: “Cầu được xây dựng vào năm 1776, kết cấu bằng gỗ, mái ngói (Kiểu thượng gia Hạ kiều), gồm 7 gian, gian giữa thờ bà Trần Thị Đạo. Bà là người làng Thanh Thủy Chánh, vợ của vị quan đầu triều thủ phủ xứ Thuận Hóa, bà đã bỏ tiền của để xây dựng chiếc cầu này…”.
Điều đáng nói, trong suốt 15 năm qua, việc làm của mệ Diều hoàn toàn thiện nguyện, không nhận bồi dưỡng. Mệ bảo: “Biết đôi chút ngoại ngữ, thấy người nước ngoài đến ngó ngơ ngác thì tui phải “ra tay” thôi”. Bà Nguyễn Thị Kình, 55 tuổi, bán quán nước ở cạnh cầu ngói Thanh Toàn cho biết thêm: Trừ những lúc đau ốm nặng phải nghỉ ngơi, còn lại đều đặn ngày 2 buổi mệ Diều ra ngồi sẵn trên cầu đợi khách. Hình ảnh mệ Diều cười móm mém nhưng nói tiếng Anh rất tuyệt đã trở thành hình ảnh quen thuộc của người dân quê tôi, hình ảnh sống động về một “thông dịch viên” U70 đã theo gót du khách đến nhiều nước trên thế giới”.
Ở tuổi 79, mệ vẫn được mời tham gia các festival, giới thiệu về Huế. Gặp mệ ở cầu ngói Thanh Toàn, miệng nhai trầu đỏ thắm, mắt nhìn về phía chân trời xa, mệ ung dung hát: “Cuộc đời vẫn đẹp sao! Tình yêu vẫn đẹp sao…”.