Điều này không những làm bệnh lý trầm trọng hơn mà đôi khi còn gây ra hậu quả đáng tiếc.
Hội chứng dạ dày - tá tràng là một trong những biểu hiện thường gặp nhất trong các bệnh lý đường tiêu hoá trên. Đây là hội chứng gồm nhiều triệu chứng khác nhau như: đau vùng thượng vị, ăn không tiêu, đầy bụng, cảm giác mau no, buồn nôn, nôn hay ợ hơi sau ăn...
Do có nhiều nguyên nhân gây ra (viêm, loét, bệnh dạ dày chức năng…) nên cách điều trị cũng khác nhau. Vì vậy, bất kỳ thông tin nào về một bài thuốc chữa được hội chứng dạ dày - tá tràng đều phải rất cảnh giác.
Sử dụng cơm cháy, soda… trị các chứng đau dạ dày, hại nhiều hơn lợi. Ảnh: Hồng Thái |
Uống soda: bệnh càng thêm nặng!
Soda (xôđa) là đồ uống ngọt có gas, chuyên dùng giải khát. Do chứa nước và CO2, nên soda làm người ta có cảm giác giảm cơn khát. Bản chất sođa không có hại nhưng khi kết hợp với đường, phụ gia sẽ gây một số bất lợi cho cơ thể.
Soda với thành phần chính là bicarbonat natri có tác dụng tương tác với HCl, tạo nên những loại muối không được hấp thu hoặc ít hấp thu, do đó làm tăng pH dạ dày, hạn chế khả năng hoạt động của pepsin. Nói cách khác, chúng có thể làm trung hoà lượng axit trong dạ dày, dẫn tới làm dịu cơn đau dạ dày trong chốc lát. Tuy nhiên bicarbonat natri có khuynh hướng gây nhiễm kiềm toàn thân và chứa nhiều natri (hội chứng sữa – kiềm), đồng thời làm tăng tiết gastrin, dẫn đến HCl tiết nhiều hơn trước.
Vì vậy, càng dùng nhiều và kéo dài càng làm cho bệnh lý dạ dày thêm trầm trọng. Chưa kể, đồ uống có gas nếu dùng nhiều còn gây béo phì, đái đường, sỏi thận, loãng xương, tăng huyết áp…
Ăn cơm cháy vàng sậm: cảnh giác ung thư!
Theo y học cổ truyền, cơm cháy được coi là vị thuốc quý, vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ khí kiện tỳ, tiêu thực chỉ tả. Cơm cháy thường dùng chữa các chứng đau bụng do thức ăn chậm tiêu, tiêu hoá không tốt, chán ăn, tiêu chảy kéo dài... Từ đây, nhiều người đã tin rằng sử dụng cơm cháy lâu dài có thể chữa được chứng đau dạ dày kinh niên. Đặc biệt, cơm cháy càng nấu lâu, sậm màu thì càng chứa nhiều dược liệu (!?).
Kinh nghiệm trên đến nay chưa thấy có nghiên cứu khoa học nào kết luận. Nếu muốn ăn, có thể dùng thử loại cơm cháy vàng nhạt, tránh những miếng cơm cháy vàng sậm, đã dần ngả màu nâu đen. Bởi theo một số nghiên cứu khoa học, khi cơm hay các loại thức ăn khác (thịt, cá...) bị cháy đen là đã bị biến tính các hợp chất bên trong. Lúc này các protein bị bẻ gãy và phân huỷ, tạo ra các gốc hữu cơ độc. Ăn cơm cháy cháy đen sẽ sinh ra các chất lạ không thích ứng với sự phát triển tế bào cơ thể. Theo nguyên lý của bệnh ung thư, sự phát triển của các tế bào lạ trong cơ thể là nguyên nhân chính gây ra căn bệnh hiểm nghèo này. Chưa kể cơm cháy được bán ngoài chợ hầu hết là làm cháy theo phương pháp nở gạo và chiên, dễ bị sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, gây nguy hiểm cho sức khoẻ.
Giảng viên bộ môn nội tiêu hoá, học viện Quân y