Vấn đề chủ quyền
Ông Nguyễn Ký cho rằng, việc một quốc gia khác đến thuê đất của Việt Nam để đầu tư phát triển sản xuất thì hai bên cùng có lợi. Tuy nhiên, không phải vì là nhà đầu tư mà muốn xây gì thì xây. Tất cả đều phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương.
Miếu thờ được xây ở vị trí rất dễ quan sát, ngay bên đường. Thế nhưng không hiểu sao đến khi sắp hoàn thiện thì mới bị đình chỉ?
“Yếu tố tâm linh thì ai cũng phải tôn trọng nhưng phải ở trong phạm vi cho phép. Còn việc tự ý xây dựng các công trình tâm linh trên đất của nước ta là trái với quy định của nhà nước Việt Nam. Đó là một việc làm không nên. Xây miếu thờ không phải là to hay nhỏ, nhiều hay ít mà đây là vấn đề về lãnh thổ, chủ quyền. Ví dụ, trong đất của anh, anh có thể lập một nơi để anh thờ thần, thờ phật…theo tín ngưỡng của anh. Còn anh xây dựng công trình tâm linh lên đất của một quốc gia khác thì cái đó là không được phép. Ai biết được xây xong thì họ sẽ thờ cái gì trong đó”, ông Ký cho hay.
Ông Nguyễn Ký: Việc FHS xây miếu thờ trái phép là quá coi thường luật pháp Việt Nam.
Theo ông Ký, tỉnh ủy và UBND Hà Tĩnh đã có thông báo yêu cầu dừng việc xây miếu thờ mà FHS tiếp tục thực hiện thì đó là một việc càng sai trái hơn nữa. Thể hiện FHS không tôn trọng pháp luật của Việt Nam, không tôn trọng cấp ủy và chính quyền địa phương.
“FHS phải thực hiện nghiêm chỉnh theo yêu cầu của Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Tối thiểu là không được tiếp tục xây dựng và phải thu dọn miếu thờ đi”, ông Ký nhận định.
Chia sẻ thêm, ông Ký cho biết, vị trí miếu thờ xây ở phía trước bên phải tòa nhà hành chính và phía trước bên phải khu nhà 9 tầng thì đây được xem như là trung tâm, giống như địa điểm để chúng ta đặt cột cờ Tổ quốc ở các cơ quan. Phía trong ra hay phía ngoài vào đều rất dễ thấy chiếc miếu thờ.
Trách nhiệm là của BQL KKT Hà Tĩnh
Trong khi đó, ông Lê Văn Tùng thông tin, ông đã quan tâm tới vấn đề FHS xây miếu từ lâu và ngay khi tỉnh Hà Tĩnh không đồng ý với đề xuất xây miếu, ông rất tán thành ý kiến của Tỉnh ủy.
“Việc ban đầu đồng ý với đề xuất xây miếu nhưng sau đó lại bác bỏ thì đó là chuyện bình thường, vì khi ấy tỉnh đã xét tới đại cục. Nếu không dừng mới là vấn đề đáng nói”, ông Tùng chia sẻ.
Ông Lê Văn Tùng, nguyên ủy viên thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh.
Cũng theo ông Tùng, việc FHS bất chấp lệnh cấm mà tự ý xây miếu là quá coi thường luật pháp của nước ta.
Về trách nhiệm để xẩy ra sự việc FHS xây miếu gần hoàn thành mới bị đình chỉ, ông Ký cho rằng, trước hết thuộc về BQL KKT Hà Tĩnh.
“Không chỉ việc xây miếu thờ trái phép mà mọi
hoạt động của nhà đầu tư: quy hoạch xây dựng, lao động…xẩy ra
trong khu kinh tế Vũng Áng thì BQL KKT Hà Tĩnh đều phải chịu
trách nhiệm. BQL KKT Hà Tĩnh là cơ quan thay mặt tỉnh Hà
Tĩnh quản lý trong KKT Vũng Áng nhưng để xẩy ra những việc như
thế (xây miếu thờ trái phép và lao động chui) thì đó là cơ
quan phải chịu trách nhiệm đầu tiên”, ông Ký nói rõ.
Chia sẻ thêm với PV về vấn đề mới có 1.400/4.154 lao động Trung Quốc được cấp phép, đạt 36% (số liệu tính tới ngày 11/10) mà vẫn làm việc trong KKT Vũng Áng, ông Nguyễn Ký cho hay, không riêng gì lao động TQ mà lao động nước nào mà vào VN làm việc thì đều phải tuân thủ luật lao động của nước ta đề ra. Đây là vấn đề bắt buộc. Để tình trạng lao động không phép diễn ra thì sẽ ảnh hưởng tới cả 2 bên (chính quyền và nhà đầu tư). Cụ thể, về phía chính quyền thì chẳng biết hàng nghìn người đó là lao động gì cả, cũng chẳng có cơ sở để mà quản lý. Việc để lao động không phép tiếp diễn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến anh ninh trật tự trên địa bàn. Về phía nhà đầu tư, nếu xảy ra lộn xộn sẽ ảnh hưởng tới năng lao động, công việc bị đình trệ (sự kiện 14.5 đã chỉ rõ).
Thông báo của Tỉnh ủy Hà Tĩnh về việc dừng xây miếu thờ không được Formosa thực hiện.
“Đáng lẽ ra không nên để tình trạng lao động không có phép vẫn được làm việc, tuy nhiên, nó đã xẩy ra rồi thì cả 2 phía nên cố gắng giải quyết càng sớm càng tốt. Cả phía chính quyền và nhà đầu tư (Cty FHS) phải có trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ với nhau”, ông Ký nói.