Ngày 11.10, y sĩ Đô ở xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước bị Công an xã Tiến Hưng bắt quả tang khi đang sử dụng ma túy cùng một nhóm nghiện tại một điểm ở ấp 4, xã Tiến Hưng. Ngay sau khi bắt quả tang, cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục xét nghiệm nước tiểu cho kết quả dương tính với ma túy.
Đến chiều 15.10, UBND xã Tiến Hưng tiến hành họp bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Do có hành vi dùng ma túy, nên gia đình y sĩ Nguyễn Xuân Đô không được đưa vào danh sách bình xét.
Y sĩ Đô được nhận vào làm việc tại Phòng GĐYK từ tháng 5.2011. Đến tháng 12.2011, được xét duyệt vào biên chế. Năm 2012, ông Đô được ông Loát giới thiệu vào Đảng, năm 2013 được chuyển đảng chính thức. Đến tháng 9.2014, Đô tiếp tục được ông Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước ký quyết định cho đi học lớp chuyên tu bác sĩ tại trường Đại học Tây Nguyên. Trong thời gian chờ nhập học, y sĩ Đô bị bắt vì chơi ma túy. Sở Y tế đã lập đoàn thanh tra để xử lý vụ việc.
Dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh, người bị sa thải trái luật.
Liên quan đến y sĩ Đô, trước đó nữ dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh (SN 1983, công tác tại Phòng GĐYK) tố cáo nhiều sai phạm của bác sĩ Đoàn Đức Loát, Trưởng phòng GĐYK. Vì vậy, để “nịnh” ông Loát, vào chiều 26.6.2012, ông Đô đã đánh dược sĩ Oanh. Sau đó, chị Oanh kiện và TAND thị xã Đồng Xoài thụ lý đơn trong vụ án “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm”. Trong đơn kiện, ngoài yêu cầu xin lỗi công khai tại nơi làm việc, chị Oanh còn yêu cầu y sĩ Đô bồi thường tiền nhưng chỉ lấy… 1 đồng danh dự.
Tuy nhiên, đến ngày 1.10.2013, ông Đoàn Đức Loát, trưởng phòng GĐYK tỉnh Bình Phước đã trao quyết định sa thải chị Oanh vì "đã tố cáo nhiều tiêu cực tại phòng GĐYK mà ông Loát đóng vai trò chính". Bất bình vì bị cho thôi việc trái luật, chị Oanh làm đơn khiếu nại gửi đến nhiều cơ quan chức năng.
Sau đó UBKT Tỉnh ủy Bình Phước đã chỉ đạo nhiều cơ quan chuyên môn, như: LĐLĐ tỉnh, Sở LĐTB – XH tỉnh thẩm tra quy trình, thẩm quyền…, để ông Loát ban hành quyết định sa thải chị Oanh. Ngày 3.12.2013, UBKT Tỉnh ủy Bình Phước có văn bản 378, kết luận: “Căn cứ điều 26 của Bộ luật Lao động năm 2012, qua đối chiếu thực tế, UBKT Tỉnh ủy Bình Phước khẳng định Phòng GĐYK áp dụng hình thức sa thải đối với nữ dược sĩ Oanh với nội dung sai phạm - đã có hành vi tố cáo sai sự thật gây thiệt hại nghiêm trọng về lợi ích của người sử dụng lao động như: gây mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của một số cá nhân của phòng GĐYK, tập thể phòng GĐYK và Sở Y tế tỉnh Bình Phước - là không đúng. Các trường hợp để áp dụng hình thức kỷ luật sa thải không có quy định hành vi tố cáo sai sự thật”.
Cũng theo UBKT Tỉnh ủy Bình Phước, căn cứ khoản 47.3 điều 32, Quy định 45-QĐ/TW ngày 1.11.2011 của Ban Chấp hành Trung ương, quy định: “Không để người bị tố cáo chủ trì giải quyết tố cáo liên quan đến bản thân”. Vì vậy trong trường hợp này ông Loát, trưởng phòng GĐYK là người bị tố cáo nhưng lại chủ trì xử lý kỷ luật bà Oanh là sai quy định.
Từ những kết luận trên, UBKT Tỉnh ủy khẳng định ông Loát ra quyết định sa thải dược sĩ Oanh là trái thẩm quyền. Vì vậy, UBKT Tỉnh ủy đề nghị Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo thu hồi quyết định sa thải dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh; đồng thời phải tiến hành kiểm điểm, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân liên quan đến những sai phạm mà dược sĩ Oanh tố cáo đúng, phải đảm bảo khách quan, đúng người, đúng việc.
Và dù UBKT Tỉnh ủy Bình Phước đã chỉ rõ đúng sai, hướng xử lý đúng luật, hợp tình, hợp lý nhưng ông Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế và ông Đoàn Đức Loát, trưởng phòng GĐYK vẫn bất chấp “văn bản kết luận” số 378 của tổ chức Đảng. Mới đây, vào ngày 15.10, Sở Y tế tỉnh Bình Phước tổ chức họp báo về vụ việc dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh, và một lần nữa, trong báo cáo tóm tắt của Sở Y tế đã “chụp mũ” chị Oanh với những lời lẽ khá nghiêm trọng.