Ngày 28.10, Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch. Tuy nhiên, giữa 2 dự án luật còn có vấn đề vênh nhau, xin Bộ trưởng cho biết quan điểm?
- Quan điểm của Chính phủ trong dự thảo Luật Hộ tịch vẫn cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh. Còn trong dự thảo Luật Căn cước công dân thì nói cấp căn cước công dân cho trẻ em sau khi đăng ký khai sinh. Hai dự án luật này giống nhau ở chỗ đều quy định đảm bảo quyền đăng ký khai sinh cho trẻ em, còn khác nhau ở chỗ vật chứa bên ngoài, sự kiện đăng ký khai sinh nằm ở đâu. Theo dự thảo Luật Hộ tịch nó nằm ở giấy khai sinh, còn dự thảo Luật Căn cước công dân thì nằm ở thẻ căn cước. Quan điểm là đề nghị Quốc hội chỉnh lý dự án Luật Hộ tịch theo hướng cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi sinh ra.
Tại sao vẫn phải duy trì cấp giấy khai sinh, thưa Bộ trưởng?
- Nó có mấy căn cứ sau: Thứ nhất cấp giấy khai sinh là để chứng nhận sự kiện ra đời của một trẻ em, có thể là người Việt Nam, hoặc người nước ngoài sinh ra ở Việt Nam. Đây là thông lệ quốc tế. Qua sắp xếp lại, hầu hết các nước vẫn duy trì việc cấp giấy khai sinh, còn với Việt Nam ta thì đó là truyền thống. Vấn đề thứ hai, giấy khai sinh có giá trị toàn cầu, nghĩa là nếu mang giấy đó ra nước ngoài thì nó vẫn có giá trị để chứng minh sự kiện sinh, ngày tháng sinh, họ tên, bố mẹ.
Còn như thẻ căn cước công dân không có giá trị toàn cầu, chỉ có giá trị với công dân Việt Nam ở trong nước, nó chỉ là giấy thông hành đi lại trong nước. Vấn đề nữa là căn cước công dân không thể hiện được nhận dạng của trẻ em trước đủ 14 tuổi. Việc cấp căn cước công dân cho trẻ em khi sinh ra đến đủ 14 tuổi lại phải thay lại, để sản xuất ra căn cước công dân để đổi thì chắc tốn kém hơn nhiều so với giấy khai sinh như hiện nay. Từ những vấn đề như vậy Chính phủ đã nhất quán đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vấn đề trong 2 dự án luật.
Sự vênh nhau của 2 dự luật sẽ phải giải quyết thế nào thưa Bộ trưởng?
- Luật Hộ tịch đã chỉnh lý theo đúng đề nghị của Chính phủ, và đúng kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách về lĩnh vực này. Còn dự thảo Luật Căn cước công dân đang vênh nhau với Luật Hộ tịch. Đây là trách nhiệm của Quốc hội, trách nhiệm của đại biểu khi thảo luận trong việc chọn phương án nào.