Theo đề xuất của một số trường ĐH, mỗi ngành học sẽ có từ 3 - 6 tổ hợp môn để xét tuyển thay vì chỉ từ 1-2 khối thi như các năm trước. Năm 2014, ngành Giáo dục Tiểu học tuyển sinh các khối A, D1 nhưng năm 2015, ngành này có 6 nhóm môn học khác nhau gồm môn toán và 2 trong số 4 môn lý, hóa, văn và ngoại ngữ.
Ngành Sư phạm Ngữ văn năm 2014 chỉ tuyển khối C nhưng năm 2015 tuyển theo 3 nhóm môn học gồm môn văn và 2 trong số các môn sử, địa, ngoại ngữ. Cũng trong đề án tuyển sinh riêng mới công bố ngày 10.10 vừa qua, nhiều trường thiết lập nhiều tổ hợp môn học mới dùng để xét tuyển như toán - tiếng Anh - công nghệ; toán - lý - công nghệ hay lý - hóa - công nghệ… Những trường ĐH đưa ra các tổ hợp môn thi mới lập luận rằng: “Việc bổ sung các tổ hợp môn mới vừa giúp trường có nguồn tuyển rộng hơn, tuyển được thí sinh phù hợp với đặc thù đào tạo của trường, giúp thí sinh có nhiều cơ hội hơn”.
Ai đang dạy, quản lý ở bậc phổ thông đều biết, Bộ GDĐT khởi xướng chương trình phân ban ở bậc THPT từ năm 2006 và đến nay vẫn đang tiếp tục thực hiện. Các em được quyền lựa các ban để học, gắn với việc lựa chọn ngành nghề, khối thi. Lâu nay, Bộ quy định và các trường ĐH,CĐ thực hiện thi tuyển theo các khối thi truyền thống A, B, C, D… được xem là sát thực với chương trình, nội dung phân ban. Tất nhiên, sau một thời gian triển khai, cách thi cử cũ, khối thi truyền thống bộc lộ không ít hạn chế, bất cập, nhưng cần có thời gian, lộ trình để thầy- trò bắt nhịp, thích nghi, đổi thay dần dần, từng bước.
Chính vì thế mà Bộ GDĐT đã có công văn gửi các trường ĐH, CĐ, trong đó khuyến khích các trường giữ ổn định các khối thi, tránh thiệt thòi, áp lực cho học sinh. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương đó của Bộ GDĐT. Chúng tôi thiết nghĩ, các trường ĐH vì quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của học sinh nên dừng việc tổ hợp thêm các môn thi mới lại. Đến năm 2016, 2017 khi điều kiện thuận lợi, chín muồi, công tác, tâm thế chuẩn bị của thầy và trò các trường THPT đâu vào đấy thì sự thay đổi đó vẫn chưa muộn.