Và thật chua xót cho người dân của cả vùng này. Hằng ngày, họ phải đi qua sông chỉ với sợi dây, phó mặc sinh mạng cho sự may rủi. Các báo chụp nhiều tấm ảnh phụ nữ đu dây qua sông Krông Ana, nhìn mà hãi hùng. Chẳng lẽ dân mình khốn khổ như vậy sao!
Bao nhiêu năm dân thôn 6, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk đi lại bằng sợi dây này, nhưng chỉ họ biết và cam chịu. Ở đâu đó trên khắp đất nước, tin vui về những công trình hoành tráng vẫn cứ đến tai người đọc. Nhưng có mấy ai biết được, còn có những con người sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Mỗi ngày qua sông đi làm là một lần chấp nhận có thể bị tai nạn.
Rồi cái chết của ông Nguyễn Chua như một tiếng hú nơi hoang dã để cả nước biết đến có một nơi như thế. Để thấy rằng, đừng lãng quên những vùng nông thôn, miền núi, ở đó có đồng bào của chúng ta đang thiếu một chiếc cầu có giá trị chỉ bằng một căn phòng trong một trụ sở “như cung điện” của chính quyền một số địa phương.
Và, chỉ cần ít tiền “rơi vãi” ở những công trình hàng ngàn tỷ khắp nơi, thì đủ sức xây đủ các cây cầu qua sông cho những vùng hẻo lánh. Nhưng đáng tiếc là người ta nói đến công bằng, nói đến rút ngắn khoảng cách thành thị, nông thôn nhiều hơn là làm. Chiếc “bánh vẽ” tất nhiên không thể nào ăn được.
Có ý kiến đặt ra ai sẽ chịu trách nhiệm với cái chết của ông Nguyễn Chua. Thật chua xót, chắc chắn sẽ không ai chịu trách nhiệm. Xã sẽ nói rằng đã nhiều lần đề xuất xây cầu nhưng không ai ghé mắt đến, huyện sẽ nói đã chuyển đề xuất lên tỉnh, tỉnh sẽ nói là thiếu kinh phí hay hàng vạn lý do nào đó. Tất cả các cơ quan này đều chịu trách nhiệm tập thể, và tập thể đầy trách nhiệm này không có trách nhiệm gì với cái chết của ông Nguyễn Chua hay bất kỳ của ai. Đu dây qua sông bị chết là do lỗi của người đu dây, lỗi của sợi dây, liên quan gì đến ông giám đốc sở giao thông hay ông chủ tịch tỉnh.
Dân chúng thì há hốc mồm vì không hiểu tại sao, tiền thuế vẫn thu, nhưng cây cầu nhỏ xíu lại không làm cho dân đi.
Không phải chỉ một nơi này, còn có nhiều cây cầu dây nguy hiểm, hoặc nhiều nơi không có cầu, dân phải đi lại bằng những “công nghệ” siêu hiện đại như túi nylon hay “bơi”. Người dân ở các nơi ấy cứ phải sống và chấp nhận. Họ chỉ biết đến khi có một ai đó làm vật “tế thần” như ông Nguyễn Chua.
Chỉ có điều. Biết là một việc, hành động là việc còn phải chờ.