Dân Việt

Sự học “ấm lên” ở Dìn Chin

Nguyễn Trương Huyền 29/10/2014 09:55 GMT+7
Từ trung tâm huyện Mường Khương (Lào Cai) đi theo con đường mới mở vào Tả Gia Khâu, chúng tôi gặp bên dốc cao ngôi nhà 4 gian mái lợp fibrô xi măng đã lên màu rêu mốc. Đó là nơi sinh sống của 5 thầy cô giáo cắm tại điểm Trường Tiểu học xã Dìn Chin.

Trường mới mở ra...

Tây Bắc mùa này đã bắt đầu rét, những ngày mưa lối đi lên nương, về bản nhầy nhụa bùn đất. Các thầy, cô cắm bản ở đây kể rằng, trước đây ngày đẹp trời, học trò đến lớp đã không được đầy đủ huống hồ những khi đường lầy lội. Hứng lên là các em trốn học đi chơi, vậy nên cái cảnh đội mưa, bám dốc mà đi tìm “bọn trẻ” diễn ra thường xuyên.

img Học sinh Trường Tiểu học xã Dìn Chin đã say mê hơn việc đến trường, học chữ... 

 

Ở cái tuổi 28, mới có 1 con nhưng trông cô giáo Đinh Thị Nhung già hơn rất nhiều so với bạn cùng lứa. “Nhiều người lâu ngày mới gặp, thấy em già nhanh quá nên chẳng nhận ra. Có chồng, có con, lại bận túi bụi công việc cả ngày vậy mà những phút rảnh rỗi ngồi soi gương lại tiếc hùi hụi cái tuổi xuân nhanh phai quá...” - cô Nhung nửa đùa nửa thật tâm sự. Ngày tốt nghiệp phổ thông ở Gia Viễn (Ninh Bình) cũng là ngày cô thôn nữ vùng đồng bằng ấy đăng ký tuyển sinh vào Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai. Vượt qua mấy năm miệt mài đèn sách, giờ đây Nhung đã trở thành giáo viên cắm bản nơi vùng cao Dìn Chin, một bản xa, giáp với biên giới, đường đến lớp học thì ngửa mặt va núi, cúi đầu đụng khe, còn học sinh người Mông, người Nùng rất ít em nói sõi tiếng Kinh. Cả lớp học tuềnh toàng chỉ có gần chục học sinh, hơn 10 giờ sáng mà sương chưa tan, vài em đi học sớm ngồi hì hục làm bài tập, còn cô giáo thì một mình lặn lội trèo đèo, lội suối, lên nương tìm những em khác. Gặp các em rồi, gặp luôn cả một đàn trâu bò đông đúc đang thả trên núi, cô giáo lại phải giúp lùa đàn gia súc về bản thì lũ trẻ mới chịu đi học. Khi học sinh đã đủ, bài giảng có thể bắt đầu cũng là lúc cô giáo mệt phờ, áo quần lấm lem chẳng khác gì vừa đi nương về...

Nhiều người đến với đất Dìn Chin này chưa được một năm thấy khổ và buồn quá đành tìm lối về xuôi, nhưng cũng có những người như cô Nhung, thầy Hải, cô Thương trụ ở nơi này đã mấy năm rồi. Thế rồi con đường liên thôn, liên bản được mở ra, Nhà nước đầu tư xây dựng điện, đường, trường, trạm đã không chỉ mang hạnh phúc về với đồng bào Mông, Nùng ở Dìn Chin mà còn đem niềm vui đến với những giáo viên cắm bản. Mấy năm về trước, ngôi trường cấp I, II khang trang của xã đã khánh thành và các thầy, cô gieo chữ vùng cao cùng học trò từ nay sẽ thoát khỏi cảnh lớp học nứa lá, mưa dột quanh năm...

Thoát nỗi lo nghèo, chăm lo sự học

Trung tâm xã Dìn Chin hôm nay nhộn nhịp gấp nhiều lần so với vài năm trước. Phong trào xây dựng nông thôn mới ở Dìn Chin đang góp phần giúp mảnh đất vùng cao nơi đây thêm nhiều đổi thay. Năm 2014 này, bà con các thôn xa trung tâm là Sín Chải A và Phìn Chư đang cùng nhau góp công, góp của xây dựng tuyến đường bê tông dài 3km để thay thế cho tuyến đường mòn nhỏ hẹp, lầy lội khi mùa mưa đến. Trường học, trạm y tế tại Dìn Chin đang dần hoàn thiện về cơ sở vật chất…

Chủ tịch xã Giàng Chẩn Diu “khoe” rằng, nhờ kinh tế “bớt nghèo” nên sự học của trẻ nhỏ được quan tâm hơn trước. Toàn xã đã hoàn thành phổ cập bậc tiểu học từ cách đây 8 năm (năm 2006). Hiện nay xã có 2 điểm trường tiểu học với gần 800 cháu trong độ tuổi đến trường. Dù còn nghèo nhưng xã vẫn trích từ nguồn quỹ thường xuyên ra mỗi tháng hỗ trợ cho các cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn 80.000 đồng tiền học bổng. Học sinh dân tộc bây giờ cũng ham học lắm, các thầy cô đã không còn phải sáng sáng lên nương, vào rừng tìm các em về học nữa, cũng không còn bắt cô đi thả trâu cùng rồi mới đến lớp…

Mỗi người một hoàn cảnh, một khó khăn nhưng cái tâm lo cho học sinh đến lớp, đưa con chữ đến khắp bản xa, thôn vắng của các thầy cô cắm bản ở Dìn Chin thì đều như một.

Những con chữ viết trên tấm bảng bằng bìa cây gỗ, những đêm các thầy, cô giáo chong đèn bên trang giáo án, những vất vả, riêng tư gác lại ngày qua, sẽ là sức sống, là hơi ấm cho vùng đất xa xôi heo hút này.

Thầy Hải tâm sự: “Có học sinh đến lớp đã là phần quà cao quý nhất đối với những người làm công tác giáo dục ở vùng cao như chúng tôi rồi...”.