Những năm qua ông thường xuyên bỏ tiền ra giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, đồng bào bị thiên tai, lũ lụt. Bên cạnh đó vào đầu mỗi năm học ông đều bỏ ra hàng trăm triệu đồng trao học bổng và trao hàng chục chiếc xe đạp cho các học sinh nghèo. Đặc biệt ông còn bỏ tiền ra hơn 8 tỷ đồng để xây dựng mới một trường mầm non khang trang tại địa phương.
Cuộc đời là những chuyến đi
Lão nông Đặng Hữu Nghĩa (thường gọi Năm Nghĩa) cho biết ông là con út trong gia đình đông con, cha mẹ ông đến lập nghiệp tại Tây Ninh từ năm 1946. Ở mảnh đất Tây Ninh điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, gia đình ông gắn với ruộng vườn nhưng những năm đầu vào lập nghiệp cơm không đủ ăn. Để cứu đói gia đình ông phải lặn lội vào rừng đào củ về ăn qua ngày. Do là con út trong nhà nên ông may mắn được cha mẹ chăm lo cho đi học đến nơi đến chốn, còn lại các anh, chị của ông đều ở nhà phụ giúp cha mẹ.
Ông Năm Nghĩa chia sẻ với phóng viên.
Chia sẻ về những ngày cắp sách đến trường, ông Năm Nghĩa cho biết: “Thời đó đâu có phương tiện thuận tiện như bây giờ, đi bộ gần 10 km đến trường là rất bình thường. Đi học được ăn khoai mì là ngon lắm rồi, có nhiều hôm còn ôm bụng đói đến trường…”. Mặc dù nghèo khó, điều kiện đi lại khó khăn nhưng nhờ có quyết tâm, lại sáng dạ nên ông luôn đứng đầu lớp. Động lực của ông khi ấy là học để thoát nghèo, để không phụ kỳ vọng của mọi người trong gia đình.
Tuy nhiên gánh nặng cơm áo đã khiến ông quyết định bỏ học vào năm 20 tuổi. Rồi ông xin gia đình cho mình đi tu đạo Cao Đài ngay tại Tây Ninh để “làm lành, lánh dữ” giúp đời bằng tình yêu thương vạn loại và không làm phiền lòng cha mẹ. Cũng trong thời gian học đạo ông quen biết và nhanh chóng lập gia đình với người con gái đẹp người đẹp nết Lê Thị Hảo.
Lấy vợ về ông lại quyết định đi học lại để gia đình và người vợ hiền thảo không phải sống trong cảnh thiếu thốn. Ông đi học tại Bảo Lộc, Lâm Đồng một năm rồi ông về Công ty Nông nghiệp Biên Hòa, Đồng Nai làm việc trong 5 năm. Trong quá trình làm việc tại đây ông đã vận động nông dân sử dụng máy móc hiện đại thay cho sức người trong sản xuất nông nghiệp. Những ý kiến của ông được mọi người đánh giá cao và nhiệt tình ủng hộ. Chưa dừng lại đó vào năm 1973, ông lại sang Nhật làm việc hơn một năm. Tại đây ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm sản xuất.
Ngôi trường ông Năm Nghĩa bỏ tiền xây dựng.
Trở về quê ông cố gắng vận dụng những gì mình có được vào sản xuất của gia đình. Nhờ chịu khó cần cù lao động lại biết vận dụng các kiến thức có được vào sản xuất nên cuộc sống gia đình ông dần được ổn định. Các con ông được chăm lo học hành đến nơi đến chốn, được giới thiệu sang lao động tại Mỹ rồi định cư luôn ở nước ngoài. Hàng tháng ba người con đều trích một khoản tiền gửi về cho ông bà an dưỡng tuổi già. Khoản tiền con cái gửi về, vợ chồng ông chắt chiu để dành, ông bàn với vợ mua đất trồng cao su. Ban đầu chỉ mua vài hecta nhưng sau đó “góp gió thành bão” vợ chồng ông đã mua được vài chục hecta và hiện nay ông đã có được gần 100ha cao su đang trong kỳ thu hoạch.
Từ mong muốn giúp các học sinh nghèo có điều kiện đến trường, năm 2012 ngoài số tiền gom góp được ông còn vay thêm 3 tỷ đồng từ ngân hàng để giúp huyện Hòa Thành xây dựng mới Trường Mầm non Hiệp Định. Tổng kinh phí xây dựng trường này hơn 8 tỷ đồng đều từ đóng góp của ông.
Không quên người nghèo
Với cơ ngơi tạo dựng được ông có thể có cuộc sống an nhàn, xa hoa nhưng ngược lại vợ chồng ông vẫn sống cuộc sống giản dị, tiết kiệm từng đồng. Vợ chồng ông cũng không dùng tiền để xây biệt thự, hay mua sắm xe hơi. Ông Năm Nghĩa cho biết quá khứ nghèo khổ đã giúp vợ chồng ông sống giản dị, đạm bạc như vậy, số tiền dành dụm được ông không để cho mình mà mong muốn để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, để giúp đời.
Rất nhiêu bằng khen cho việc làm từ thiện của gia đình ông Năm Nghĩa.
Nói là làm, khi vườn cao su của ông cho thu hoạch với lợi nhuận vài tỷ đồng/năm ông bắt đầu làm việc thiện. Điều đầu tiên ông làm là hướng đến những em nhỏ không được cắp sách tới trường. Bởi theo quan niệm của ông thế hệ sau cần phải được đến trường, cần phải có kiến thức để thoát khỏi nghèo đói.
Chính vì thế, hàng năm ông đều gửi từ 50 đến 100 triệu đồng để trao học bỗng cho những học sinh nghèo vượt khó. Bên cạnh đó từ chục năm trở lại đây cứ vào đầu mỗi năm học ông lại lặn lội đi trao tặng từ 10 đến 20 chiếc xe đạp và nhiều phần quà cho các học sinh nghèo ở Tây Ninh.
Cũng từ mong muốn giúp các học sinh nghèo có điều kiện đến trường, năm 2012 ngoài số tiền gom góp được ông còn vay thêm 3 tỷ đồng từ ngân hàng để giúp huyện Hòa Thành xây dựng mới Trường Mầm non Hiệp Định. Tổng kinh phí xây dựng trường này hơn 8 tỷ đồng đều từ đóng góp của ông. Đến đầu tháng 9.2013, ngôi trường mầm non do ông đóng góp xây dựng đã hoàn thành. Đây là ngôi trường đạt tiêu chuẩn quốc gia với 1 tầng trệt, 1 tầng lầu với 10 phòng học và 6 phòng chức năng. Ông còn bỏ tiền ra xây dựng hạ tầng trong khu vực trường học này giúp các phụ huynh có điều kiện đưa đón học sinh được dễ dàng.
Chưa hết, mỗi mùa thu hoạch cao su là ông lại gửi tiền hàng trăm triệu đồng để ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, đồng thời gửi tặng các chiến sĩ Trường Sa với số tiền tương tự. Gặp mảnh đời bất hạnh, nghèo khó ông đều sẵn sàng giúp đỡ. Tính tổng cộng mỗi năm ông bỏ ra vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng để làm từ thiện.
Nói về việc làm từ thiện của mình ông Năm Nghĩa nói: “Trong quá trình làm từ thiện tôi luôn quan niệm rằng khi còn sống, còn tiền thì còn phải giúp đời. Tôi luôn mong muốn giúp được những người xung quanh mình thoát khỏi cái nghèo và mong rằng các thế hệ mai sau được học hành tới nơi tới chốn, để giúp đất nước giàu mạnh hơn”.
Cũng từ quan niệm này mà hiện nay dù thu nhập từ vườn cao su bị hạn chế do giá mủ thấp, không còn nhiều tiền như trước đây nhưng ông vẫn tiếp tục công việc làm từ thiện của mình. Ông Năm Nghĩa cho biết hiện ông đang ấp ủ dự định xây dựng một phòng khám bệnh cho địa phương với kinh phí hơn chục tỷ đồng để người nghèo có điều kiện chăm sóc sức khỏe.