Dân Việt

5 cao tốc tỉ đô của Việt Nam đang bị rao bán

28/10/2014 11:13 GMT+7
Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN đang nghiên cứu, xây dựng cơ chế để bán quyền khai thác một số tuyến đường cao tốc cho nước ngoài.
img 1. Cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Một trong những dự án thu hút nhất của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Hiện VEC đang xem xét bán quyền khai thác này cho đối tác nước ngoài. Tuyến cao tốc vừa được thông xe hồi đầu tháng 9.2014 có tổng vốn đầu tư gần 1,5 tỷ USD, dài 245km đi qua năm tỉnh thành là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Với chiều dài kỷ lục, tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai có 120 cây cầu lớn nhỏ, một hầm chui, đào đắp hơn 100 triệu m3 đất đá và hoàn thành sau 5 năm triển khai.

img Tuyến đường được khai thác rút ngắn thời gian đi lại suốt tuyến từ 7 giờ trước đây xuống còn 3,5 giờ. Dự án này được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A. Đây là tuyến đường có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, giảm tai nạn giao thông cho khu vực Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

img 2. Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cũng là một trong những dự án đường cao tốc mà VEC dự kiến bán. Cao tốc này thông xe toàn tuyến ngày 30.6.2012, có tổng chiều dài 50 km, 6 làn xe; tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 100 - 120km một giờ.

img
Tổng vốn đầu tư của dự án là 8.974 tỷ đồng theo hình thức BOT. Mức phí được VEC thu trên đầu phương tiện hiện là 70.000 đồng mỗi lượt, riêng xe tải - container từ 100.000 đồng đến 280.000 đồng.

img Tuy nhiên, chỉ sau 5 tháng thông xe, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bắt đầu xuống cấp. Mặt đường bong tróc, xuất hiện ổ voi, ổ gà, đá dăm lổn nhổn. Nhiều đoạn hỏng được vá tạm bợ, dù phương tiện đi trên tuyến phải nộp phí khá cao.

img 3. Cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Cáo tốc Bến Lức - Long Thành cũng là một trong những dự án do VEC làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng vào giữa tháng 7.2014 tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ (TP HCM). Đây là dự án trọng điểm Quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc – Nam, là dự án đường bộ cao tốc lớn nhất miền Nam, tổng chiều dài toàn dự án là 57,1 km đi qua địa phận TP HCM, tỉnh Long An và Đồng Nai.

img Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng hơn 1,6 tỷ USD (tương đương 31.320 tỉ đồng) vay từ Ngân hàng Phát triển Châu Á, từ vốn ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ.

img 4. Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến đường bộ cao tốc đi qua địa phận TP HCM và tỉnh Đồng Nai thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam từ TP HCM nối quốc lộ 51, sân bay quốc tế Long Thành và quốc lộ 1A.

img Dự án này được khởi công xây dựng vào ngày 3.10.2009 với quy mô 4–8 làn xe trên tổng chiều dài 55,7 km, tổng vốn đầu tư là 18.884 tỷ đồng, được sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC). Khoảng 20 km trong tổng số 55 km của đường cao tốc, đoạn từ đường vành đai phía đông (thuộc Quận 9) đến Quốc lộ 51 phần thuộc tỉnh Đồng Nai đã được thông xe vào đầu tháng 1.2014. Đoạn còn lại được tiếp tục thi công và sẽ hoàn thành trong năm 2015.

img
5. Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 140km là một phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Tổng mức đầu tư toàn dự án này là 27.968 tỷ đồng (tương đương 1.472 triệu USD), sử dụng vốn vay của JICA, Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (trung bình mỗi km ngốn 199,77 tỷ đồng).

img
Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, chiều rộng nền đường 26m, mặt đường bằng bê tông asphalt , vận tốc thiết kế 120km/h đường ô tô cao tốc loại A, cùng các hạng mục cầu, nút giao, hầm chui, cống thoát nước và các công trình ngầm.