Dân Việt

Nỗi “truân chuyên” của phận người chuyển giới: Trót mang thân xác đàn ông!

Võ Đức Phúc (Dòng đời) 01/11/2014 19:02 GMT+7
Trong hai kỳ báo trước, Dòng Đời đã phản ánh về những thân phận của người chuyển giới khi phải lặn lội qua tận Thái Lan, bất chấp hiểm nguy để được sống thật với chính mình. Thế nhưng họ vẫn bị người đời kỳ thị, xã hội không thừa nhận, thậm chí người thân xa lánh.

Kỳ 1: Nỗi “truân chuyên” của phận người chuyển giới

Kỳ 2: Nỗi “truân chuyên” của phận người chuyển giới: Hành trình đau đớn

Kỳ 3:
Nỗi “truân chuyên” của phận người chuyển giới: Đánh cược tính mạng

Trời dần về khuya, Sài Gòn ngột ngạt sau một ngày nắng nóng đột ngột chuyển mưa. Quán nhậu Ca 3 nơi góc đường Lê Hồng Phong – một thế giới thu nhỏ dành cho những người chuyển đổi giới tính, kể cả những người đồng tính, song tính sau khi chạy hết show diễn – trở nên đông đúc hơn. 

Làm đủ nghề để mưu sinh

“Bạn bè, người thân ai cũng khinh rẻ, xa lánh. Chỉ những lúc đi hát tụi em mới được sống thật với chính mình thôi” – kết thúc show diễn hát ở một đám ma, JoJo Lâm, một người chuyển giới buồn bã nói với tôi. Sinh ra trong một gia đình gia giáo ở Long Xuyên, An Giang, từ lúc lên 7 tuổi cậu bé JoJo Lâm đã cảm nhận được bản tính nữ của mình khi chỉ thích chơi búp bê, ca hát, làm tóc, làm trang phục. Người cha gia trưởng không chấp nhận khi biết con trai mình như vậy dù mẹ thì rất thông cảm.

Đến lớp 8, cái tuổi tình yêu học trò chớm nở, cảm nhận về bản thân thật rõ ràng khi JoJo Lâm phát hiện mình chỉ thích con trai. Người thân nhìn JoJo Lâm với ánh mắt dị hợm, bạn bè cùng trang lứa thì chọc quê. Riết rồi JoJo Lâm không chịu được đã bỏ nhà đi hát rồi phiêu bạt lên Sài Gòn phụ bán quán cà phê ở Thủ Đức rồi cuộc đời cứ đưa đẩy JoJo Lâm vào con đường hát đám ma, hát chợ theo đám bạn “hai phai” của mình. 

img JoJo Lâm sau khi chuyển đổi giới tính.

Càng kể về đời mình, giọng JoJo Lâm càng trở nên đượm buồn. “Cũng may là còn có mẹ thông cảm và bạn bè cùng cảnh ngộ nương tựa vào nhau để sống. Đôi lúc lạc quan, em nghĩ đời người ai cũng có nỗi khổ riêng. Đàn ông thì lo cho con cái, đàn bà thì lo cho chồng con, riêng em sống một mình lo cho gia đình” – JoJo nói mỗi lần thấy mẹ vui là bản thân cũng vui, chỉ sợ không có tiền.

Năm 2008, JoJo Lâm được bạn đồng giới cho mượn 200 triệu đồng qua Thái Lan để thực hiện giấc mơ chuyển đổi giới tính. Sau 2 tháng vật lộn với những đau đớn về thể xác, về nước cô đã tự tin đi hát hội chợ, hát đám ma kiếm tiền trả nợ. Nhưng không đơn giản, JoJo Lâm bảo phải có nghị lực mới đứng vững trước sự kỳ thị của xã hội. 

img JoJo Lâm thời còn là một bé trai.

Mà đâu phải phẫu thuật chuyển đổi giới tính một lần rồi là thôi, JoJo Lâm bảo ngoài việc chịu đau đớn thể xác, giảm tuổi thọ ra thì những người chuyển đổi giới tính như cô phải nuôi dưỡng giới tính hàng ngày. Mỗi lọ thuốc duy trì hooc môn giới tính hết 200.000 đồng, chưa kể các thứ kem dưỡng da, tóc đủ kiểu. Nên đời người chuyển đổi giới tính chỉ biết cày bừa như con trâu mới mong có được tiền trả nợ và nuôi dưỡng thể xác. 
"Những người cùng cảnh ngộ, dù là bạn bè nhưng cũng không dám đi chung, ban đêm thì mới dám đứng gần nhau nhưng gặp người lạ là tự động dạt ra. Một người mà mang hai thân phận nên chỉ biết đấu tranh để được là chính mình" - Cindy Thái Tài.

Tôi từng để ý ở một CLB thể hình tại quận Gò Vấp, TP.HCM có cậu thanh niên hơi "bóng" đến tập ít bữa rồi biến mất tiêu, sau này hỏi thăm mới biết cậu ấy có tên cúng cơm là cu Tèo, quê ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Hôm rồi, tình cờ gặp lại cậu ấy đang hát ở một đám tang nhưng đã lột xác trở thành "chị". Không thể nào nhận ra "chị" nếu không có giọng nói khó sửa. Hỏi "chị" sao bỗng nhiên lạ hoắc vậy, "chị" bảo mới đi Thái Lan giải phẫu chuyển đổi giới tính về. "Chỉ những lúc đi hát đám ma như vầy, em mới được sống thật với chính mình chứ đời em khổ lắm anh ạ" - trò chuyện mà trông mặt "chị" buồn như nhành liễu rủ xuống mặt hồ chiều đông vậy. 

Sinh ra là thân xác đàn ông nhưng "chị" lại mang thân phận của đàn bà, bởi thế mà "chị" không giống ai. Cũng giống JoJo Lâm, gia đình không chấp nhận, thế là "chị" bỏ đi bụi đời từ nhỏ, sống "rày đây mai đó". Gần đây, "chị" được một người quen đồng giới cho vay tiền để qua Thái Lan thực hiện giấc mơ lớn nhất của đời mình. "Chị" kể chỉ vì cái dáng ẻo lả của "chị" mà xin việc ở đâu cũng bị chủ từ chối. Đó là lý do mà "chị" đi tập tạ cho người tỏ ra cứng cáp một chút để dễ kiếm việc làm nhưng tập tạ không thể làm thay đổi "tính nữ" trong người. Đời "chị" toàn bi kịch, nhiều khi đi hát không có tiền cát-xê chỉ mong có tiền boa ít ỏi cũng không được mà còn bị đánh vì có người thấy "chị" mà gai con mắt. Qua Thái Lan tốn hết 120 triệu rồi mà "chị" chỉ mới sửa được khuôn mặt và bộ ngực có phần đầy đặn chút đỉnh, còn "ở dưới" thì chưa đủ tiền làm. 
img Các “chị” thế giới thứ 3 hát tại một đám tang ở phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Tôi hỏi "chị" với “kết cấu” như thế mỗi lần đi vệ sinh làm sao, "chị" bẽn lẽn cười khi nào không thấy ai xung quanh thì đứng còn có người thì kín đáo giả bộ ngồi. Đời "chị" còn bi đát hơn khi cái nghề hát đám ma thường về khuya, thỉnh thoảng dọc đường về chỗ trọ cũng bị lực lượng chức năng hốt chung với đám tệ nạn xã hội vì không có giấy tờ tùy thân hợp lệ. Người thì mang dáng dấp là nữ nhưng tên trên CMND thì lại là nam, đời “chị” đã không được xã hội thừa nhận rồi mà chính quyền cũng chưa có quy định cấp CMND cho người thuộc “thế giới thứ 3”. Khổ vậy nhưng chỉ cần nghe tôi xưng "con lạy má" khi "chị" ngỏ ý rủ đi hát đám ma cùng, "chị" cười khoái chí vì như được thừa nhận giới tính của “chị”

Tâm sự về hoàn cảnh của mình, Bảo Thi (huyện Hóc Môn, TP.HCM) nói lúc đầu phát hiện cô có tính cách thuộc về nữ giới, cha mẹ cô rất buồn, những người bà con họ hàng nhìn cô với ánh mắt khinh khi. Bảo Thi có dáng người mảnh khảnh như con gái, dáng đi thì mềm mại nhưng lại mang thân phận của đàn ông.

“Mẹ biết về em nhưng mẹ giấu cảm xúc trước mặt em. Em biết về mình nhưng em giấu mẹ, cứ thế cuộc đời em sống hai mặt. Khi ra ngoài làm, đi hát đám ma thì Bảo Thi mặc đồ con gái, tô son trét phấn cố giấu giới tính bên ngoài của mình nhưng khi về nhà thì trở lại làm con trai để gia đình khỏi buồn lòng. Cứ thế, cuộc đời Bảo Thi ngập ngụa trong nỗi buồn nhiều hơn vui. “Tối đi hát, có show có tiền có show không có, nhưng tiền cũng không nhiều nhặn gì, hát khô cả họng chỉ kiếm được 100.000 đồng tiền boa, nhiều lắm là 200.000 đồng nhưng phải chịu cảnh bị chà đạp lên nhân phẩm của mình. Có người thì vạch áo, có người thì bóp trên, bóp dưới, coi tụi em như là trò tiêu khiển rồi thấy vui mới cho tiền” – Bảo Thi kể mà ánh mắt buồn xa xăm.

Đời “chị” còn bi đát hơn khi cái nghề hát đám ma thường về khuya, thỉnh thoảng dọc đường về chỗ trọ cũng bị lực lượng chức năng hốt chung với đám tệ nạn xã hội vì không có giấy tờ tùy thân hợp lệ...

Mơ ước được là chính mình

Nói đến những người chuyển đổi giới tính, không thể không nhắc đến cái tên nổi tiếng trong giới showbiz – Cindy Thái Tài. Chị được xem là người chuyển đổi giới tính đầu tiên nổi đình, nổi đám một thời ở Sài Gòn. Cũng từ một “đực rựa” khi sinh ra, nhờ công nghệ dao kéo ở Thái Lan mà chị đã thực hiện giấc mơ lớn nhất của những người thuộc “thế giới thứ 3”. Bây giờ, Cindy Thái Tài cũng là một cái tên khá nổi tiếng trong giới ca sĩ khi chị chọn cho mình cái nghiệp ca hát bên cạnh nghề thiết kế thời trang của mình và chị có cuộc sống khá hạnh phúc và thành đạt. 
img JoJo Lâm cùng các bạn đồng giới tại một cuộc thi sắc đẹp ở Cần Thơ, Sài Gòn nhưng cuộc thi phải dừng lại. 

Mới đây, tại một diễn đàn “chúng em cần có CMND” trong khuôn khổ dự án “quản trị quyền trẻ em để phòng ngừa phân biệt đối xử và thực thi quyền trẻ em tại VN” của Chính phủ Na Uy tài trợ do Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM phối hợp với tổ chức cứu trợ trẻ em tại VN thực hiện, Cindy Thái Tài đã chia sẻ với các bạn đồng giới cùng những người quan tâm: “Trước đây, Cindy vô cùng khổ sở khi thể hiện giới tính, tâm sinh lý của mình như mong muốn trái lại còn nhận được những lời chửi mắng, đánh đập. Không phải người thân trong gia đình ghét bỏ gì Cindy Thái Tài cả mà là muốn mình giống người bình thường. Lúc đó, người đời gọi Cindy là pê đê, bóng lẹo cái khiến mình luôn cảm thấy cô đơn. Những người cùng cảnh ngộ, dù là bạn bè nhưng cũng không dám đi chung với nhau, chỉ vào ban đêm thì mới dám đứng gần nhau nhưng gặp người lạ là tự động dạt ra. Một người mà mang hai thân phận nên chỉ biết đấu tranh để được là chính mình”.

Sau Cindy Thái Tài là những gương mặt khá nổi tiếng trong giới showbiz cũng đã công khai hình ảnh thể hiện “thân phận đã chuyển đổi” của mình như Hương Giang Idol, hot girl Bảo Anh (tên thật Nguyễn Bảo Anh – trước là chuyên gia trang điểm Nguyễn Thành Lộc nổi tiếng ở Long Xuyên, An Giang). Nữ ca sĩ Hương Giang Idol đã cho ra mắt cuốn tự truyện của mình, kể về cuộc sống của một người mang hình hài là một nam nhi nhưng thân phận lại là nữ giới. Chia sẻ trong cuốn tự truyện của mình, Hương Giang Idol cho biết được một đại gia cho tiền sang Thái Lan phẫu thuật chuyển đổi giới tính để được trở về nước cùng với thân phận của mình. Ca sĩ Lâm Chí Khanh cũng vậy, theo nghề ca hát 10 năm không nổi tiếng bằng “chị” Khanh Chi Lâm sau khi qua Thái Lan chuyển đổi giới tính.  

Một trường hợp khác - Mai Khanh  - bảo với tôi rằng, người ta ước có được nhà lầu, xe hơi, còn “ước mơ lớn nhất của đời em là được sống thật với chính mình, được đi hát và bài hát là sinh mạng của em”. 

Mai Khanh cũng được bạn bè đồng giới giúp đỡ cho mượn tiền qua Thái Lan chuyển đổi giới tính sau đó trở thành ca sĩ chạy show hát đám ma. 

JoJo Lâm kể cũng vì khát khao được là chính mình, những người trong giới với sự giúp đỡ của anh T.G - một đại gia ở Cần Thơ với chuỗi nhà hàng vịt nấu chao – tài trợ kinh phí tổ chức cuộc thi Nextop Model dành cho người chuyển giới và những người cùng cảnh ngộ nhưng chưa có điều kiện chuyển giới. Cuộc thi được tổ chức ở Sài Gòn, có rất nhiều “chị” đến tham gia nhưng tiếc là cuộc thi diễn ra thì có cán bộ của Sở VHTTDL TP.HCM đến kiểm tra, những người chuyển giới phải tìm đường đi trốn. Hay cuộc thi “Hoa hậu biển” Tiffany show tổ chức ở Long Thành, Đồng Nai vào năm 2013, cuộc thi hoa hậu ở Cần Thơ cũng bị “vỡ kế hoạch”. Điều đó khiến “tụi em rất buồn lòng” – JoJo Lâm bức xúc. 

Ngay cả chuyện hôn nhân cũng vậy, JoJo Lâm kể về các bạn đồng giới của mình đã tìm đến sống chung với nhau theo từng cặp như vợ chồng và kể cả cô cũng có một người “chồng” hiện đang sống rất hạnh phúc nhưng vì “thân phận của đời mình” nên không được pháp luật công nhận để đăng ký kết hôn.

ĐÓN XEM KỲ CUỐI: "Hành lang pháp lý cho chuyển giới - Đường dài quá mỏi" trên báo Dòng Đời ra vào sáng mai (2.11) tại các sạp báo trên toàn quốc