Dân Việt

Bệnh nghề nghiệp mắc nhiều, phát hiện ít

Minh Nguyệt 29/10/2014 07:30 GMT+7
Dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đang được Chính phủ trình Quốc hội lấy ý kiến. Vấn đề chăm sóc sức khỏe người lao động (LĐ) và thực hiện rà soát người mắc bệnh nghề nghiệp rất được các đại biểu quan tâm.

Mỗi năm có 5.000 người bị bệnh nghề nghiệp

Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), 4 năm gần đây, trung bình mỗi năm cả nước có 100.000 LĐ được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, nhưng chỉ phát hiện 5.000 trường hợp mắc bệnh. Và chỉ có 1/10 số mắc bệnh, tương đương với 500 LĐ được chuyển giám định. 80% số LĐ mắc bệnh nghề nghiệp hưởng BHXH sau khi về hưu hoặc chuyển công việc hầu như không được theo dõi định kỳ khám lại bệnh nghề nghiệp cũng như tiếp tục điều trị phục hồi chức năng.

Bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội dẫn ra những con số đáng lo ngại mà Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê: Năm 2010 có khoảng 80% người LĐ ở các nước đang phát triển và 40% LĐ ở các nước công nghiệp phát triển chịu ảnh hưởng trực tiếp của tiếng ồn, rung, bức xạ ion hóa, bức xạ điện từ, ô nhiễm môi trường tại nơi làm việc. Điều đó cho thấy, tỷ lệ LĐ có khả năng mắc bệnh nghề nghiệp rất cao.

img
Nhiều LĐ khu làng nghề không được trang bị bảo hộ LĐ. 

Vì sao số LĐ có khả năng mắc bệnh đã được phát hiện bệnh nghề nghiệp cao nhưng số bệnh nhân được chuyển điều trị và giám định lại rất thấp? Trả lời câu hỏi này, bà Lương Thị Mai - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho rằng: “Nguyên nhân chính là do LĐ chuyển việc làm, hoặc bản thân LĐ cũng không muốn giám định vì thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian”.

Thống kê TNLĐ còn nhiều bất cập

Theo ILO, mỗi năm trên thế giới có 2,3 triệu trường hợp tử vong do tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp, trong đó có 85% các trường hợp LĐ tử vong do bệnh nghề nghiệp. Thực tế, con số nạn nhân của bệnh nghề nghiệp còn cao hơn rất nhiều vì số liệu thống kê, báo cáo ở nhiều quốc gia chưa tốt.

Ở Việt Nam, tình trạng này cũng khá nghiêm trọng mà chưa thể có số liệu chính thức. Bà Trương Thị Mai khẳng định: “Việc thống kê TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, khám sức khỏe cho LĐ còn hình thức, chưa sát, chỉ có 10-15% cơ sở LĐ thực hiện việc chăm sóc, khám và nâng cao sức khỏe cho người LĐ. Vấn đề chăm sóc sức khỏe LĐ cho người LĐ ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp, làng nghề, dịch vụ hầu như chưa được quan tâm đúng mức”.

Ông Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận việc thống kê TNLĐ ở Việt Nam còn nhiều bất cập, thiếu sót. “Phải chăng Việt Nam không có bệnh nghề nghiệp hay do chúng ta không thống kê được, hay là chúng ta không có chính sách thực hiện điều này?” – ông Long đặt câu hỏi.

Nhiều ý kiến nhất trí việc Dự thảo tăng cường quy định về khám sức khỏe cho LĐ, tăng cường hoạt động thanh kiểm tra thực chất cũng như thống kê về ATVSLĐ. Thực tế, có những vụ, chỉ khi LĐ bị tai nạn phải nhập viện hoặc tử vong thì mới được thống kê, bằng không công ty thường giấu nhẹm để trốn tránh trách nhiệm với đơn vị quản lý. Hay như vụ ngộ độc dung môi, không khí ở Công ty Giày Hongfu ở Thanh Hóa khiến hàng nghìn công nhân phải nhập viện, nhưng trước đó việc thanh tra, kiểm tra khám bệnh nghề nghiệp cho LĐ vẫn không phát hiện bất cứ sai sót nào.

Hiện Việt Nam đã có danh mục 29 loại bệnh nghề nghiệp được đền bù. Ba nghề có LĐ mắc bệnh cao nhất là: Bệnh bụi phổi silic (chiếm 73% số LĐ được phát hiện); bệnh điếc nghề nghiệp (chiếm 16%); bệnh da nghề nghiệp (chiếm gần 3%).