Dân Việt

Xây cáp treo vào Sơn Đoòng: Nguy cơ tàn phá di sản thế giới

Phan Phương 29/10/2014 07:11 GMT+7
Xung quanh việc UBND tỉnh Quảng Bình có quyết định cho phép một đơn vị khảo sát làm cáp treo vào hang Sơn Đoòng, dư luận đang có rất nhiều ý kiến phản đối. Đặc biệt, các chuyên gia địa chất, địa mạo cho biết việc xây dựng tuyến cáp treo sẽ gây nguy hiểm cho di sản đã được UNESCO công nhận này. 

Nhiều mối lo về địa chất

Hang Sơn Đoòng là một điểm tham quan hấp dẫn, kỳ thú bậc nhất của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Năm 2009, đoàn thám hiểm Hoàng gia Anh đã tìm thấy hang động thuộc di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, có chiều rộng 200m, cao hơn 150m với vô số đại thạch nhũ tráng lệ. Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đã công bố Sơn Đoòng là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới.

Đến tham quan hang không phải dễ, khách du lịch sẽ phải đăng ký tham gia một tour du lịch mạo hiểm, quãng đường đi bộ hết 1 ngày rưỡi với giá tour cho chương trình 5 ngày 4 đêm khoảng 3.000USD (nhưng hiện danh sách chờ lên đến gần 1.000 người). Ðây là một trong những tour hiếm hoi ở Việt Nam và các nước khu vực ASEAN mà khách phải chờ để được trải nghiệm.

img Nếu xây dựng cáp treo vào Sơn Đoòng thì tour du lịch khám phá hang động sẽ bị ảnh hưởng.  


Chính vì sự độc đáo và bí hiểm của hang Sơn Đoòng nên di sản này đã nằm trong tầm ngắm để khai thác của địa phương. Ông Trương An Ninh - Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: “Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được xem là “mỏ vàng” du lịch của Quảng Bình, nên phải được khai thác để phục vụ người dân Việt Nam và cộng đồng thế giới chứ không thể để phí".

Theo tính toán của địa phương, đi theo tour mạo hiểm bằng đường bộ như hiện nay, lượng khách vào được Sơn Đoòng khoảng 200 người mỗi năm, mức thu 8-10 tỷ đồng. Nhưng nếu có cáp treo thì lượng khách sẽ cực kỳ đông, bởi Sơn Đoòng có sức hấp dẫn của hang động lớn nhất thế giới, không chỉ với người nước ngoài mà cả với người Việt Nam. Đó là quan điểm hoàn toàn dễ hiểu theo cách nhìn của người khai thác di sản.

Tuy nhiên, ý tưởng xây dựng tuyến cáp treo vào hang Sơn Đoòng đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ những nhà nghiên cứu chuyên môn về địa chất, địa mạo. Chia sẻ với phóng viên báo NTNN, ông Vũ Lê Phương (Viện Địa chất và Địa vật lý biển, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam)- người đã cùng đoàn nghiên cứu người Anh, khám phá ra động Sơn Đoòng năm 2009 cho biết:

“Bỏ qua các vấn đề về sinh thái, cảnh quan hay hiệu quả du lịch đại trà, tôi muốn nói đến khía cạnh địa chất - địa mạo vốn là thứ mang đến danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới cho Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Hang Sơn Đoòng nằm trong khối đá vôi Kẻ Bàng có tuổi từ Devon (360-416 triệu năm trước) đến Permi-Carbon (251-360 triệu năm trước), có dạng đá vôi nguyên khối và độ tinh khiết rất cao.

Các hoạt động kiến tạo từ Mesozoi (tạo núi Indosini) và Kanozoi đã liên tục tác động tới khối đá vôi Kẻ Bàng, hình thành nên rất nhiều các đứt gãy mà về hình thái có thể chia thành nhóm đứt gãy hướng tây bắc-đông nam, đông bắc-tây nam và á vĩ tuyến.

Các bằng chứng về đứt gãy bên trong hang vẫn còn hiện hữu rất rõ cho đến ngày nay, có thể chứng minh hang Sơn Đoòng hiện tại nằm trên 2 đứt gãy giao nhau. Các đứt gãy này có phương xiên chéo thể hiện qua đặc điểm lòng hang có dạng gần như tam giác. Mọi hoạt động gây chấn động lớn ở xung quanh đều có khả năng khiến trần hang sụp đổ”.

Xây cáp treo là liều lĩnh?

Ông Vũ Lê Phương nhận định: “Theo các thông tin gần đây, một đơn vị tư nhân dự kiến xây dựng cáp treo, trong đó có chặng cáp thứ 3 đi từ cửa sau vượt lên trên đỉnh khối núi Sơn Đoòng rồi đi đến vườn địa đàng - tôi xin khẳng định đây là một phương án cực kỳ liều lĩnh.

Như đã chứng minh ở trên, cấu trúc địa chất của hang Sơn Đoòng hiện tại không hề bền vững, việc thi công khoan móng ở bên cạnh cũng đủ gây ra chấn động dẫn đến sụp đổ trần hang thì không có lý gì lại đi thiết kế cáp treo chạy bên trên đỉnh núi. Nó cũng đồng thời chứng minh những nhà tư vấn thiết kế không chịu tìm hiểu một chút nào về đặc điểm nền địa chất - kiến tạo của khu vực chứ đừng nói là của hang Sơn Đoòng”.

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội facebook, trang “Hội những người phản đối dự án cáp treo Sơn Đoòng” đã được lập ra, chỉ trong một quãng thời gian ngắn, từ ngày 23.10 đến ngày 28.10, fanpage này đã có được gần 10.000 lượt like (thích).

Một thành viên có tên Dương Vũ Hoàng Anh cho biết: “Các nhà khoa học vào Sơn Đoòng không phải để chơi, tham quan du lịch mà còn để nghiên cứu một hệ sinh thái được trữ trong lòng đất hàng triệu năm, cực kỳ gần với thời kỳ khủng long. Kiến thức thu được từ hệ sinh thái này sẽ là câu trả lời cho hàng ngàn câu hỏi về các lĩnh vực sinh học, khảo cổ học, địa chất, lịch sử... Trong tương lai chắc chắn sẽ phải có biện pháp để người dân Việt Nam được tiếp cận với kỳ quan này nhưng tại thời điểm này, khi chưa có hiểu biết về bảo tồn, việc xây dựng cáp treo là quá sức vội vàng”.

Ông Howard Limbert - thành viên của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh trong 25 năm nay, người có công lớn để thế giới biết về Sơn Đoòng và thừa nhận đây là hang động lớn nhất thế giới trong một bài phỏng vấn báo chí đã khẳng định:

“Cá nhân tôi nghĩ mô hình du lịch đại trà vào Sơn Đoòng là một ý tưởng tồi. Trước hết, tác hại gây ra sẽ không thể phục hồi được cho cả hệ thống hang động và khu rừng, cướp đi tính phiêu lưu và vẻ đẹp của hang động. Đồng thời các điểm hấp dẫn khác ở rừng quốc gia Phong Nha cũng sẽ phải chịu hậu quả. Du lịch đại trà vào Sơn Đoòng có thể đem lại lợi ích ngắn hạn, nhưng về dài hạn điều đó sẽ làm mất đi giá trị khu vực này và số du khách quốc tế sẽ giảm”.

Dự án cáp treo trị giá 3.000 -4.500 tỷ đồng
Theo báo cáo tiền khả thi của đơn vị tư nhân này với UBND tỉnh Quảng Bình, toàn tuyến cáp treo dự kiến có 4 đoạn, tổng cộng dài 10,6km. Tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng. Nếu không xây dựng đoạn 4, tổng vốn đầu tư sẽ là 3.000 tỷ đồng.
Đoạn 1: Nhà ga xuất phát trước cửa động Tiên Sơn, vượt dãy núi cao trên động và băng qua thung lũng Sinh Tồn. Đến khu vực cầu Trạ Ang trên đường Hồ Chí Minh, nhánh tây sẽ là nhà ga số 2. Đoạn này dài 6,78km. Độ chênh cao 64m. Thời gian đi 20 phút. Công suất bình thường: 1.500 người/102 cabin, công suất tối đa: 2.400 người/164 cabin.
Đoạn 2: Từ nhà ga Trạ Ang bẻ góc 150 độ đi đến cửa sau hang Sơn Đoòng. Dài 3,82km. Độ chênh cao 142m. Thời gian đi 20 phút.
Đoạn 3: Từ nhà ga ở cửa sau hang Sơn Đoòng vượt trên sống lưng núi Sơn Đoòng đến nhà ga ở miệng hố sụt thứ hai của hang Sơn Đoòng, dài 1,75km. Độ chênh cao 250m. Thời gian đi 6 phút. Công suất thiết kế 500 người/14 cabin, công suất tối đa 1.000 người/28 cabin.
Đoạn 4: Từ ga ở miệng hố sụt thứ hai của hang Sơn Đoòng sẽ đưa khách xuống đáy hố sụt thứ hai. Ở đây, du khách ngồi trong cabin hoặc được ra ngoài chiêm ngưỡng vườn địa đàng, là một rừng cây mọc trong hố sụt. 
Tổng cộng thời gian đi từ ga đầu đến hết ga cửa sau Sơn Đoòng là 80 phút. Nếu tuyến cáp treo này được xây dựng sẽ là cáp treo đơn dài nhất thế giới.