Dân Việt

Quyền được mặc cả

Vĩnh Hoàng 29/10/2014 06:17 GMT+7
Có con gà, buồng chuối, thúng thóc… đem ra chợ làng, người nông dân có quyền định giá bán, người tiêu dùng được quyền định giá mua. Sự mặc cả về giá được trao đổi trong thị trường truyền thống là “thuận mua – vừa bán”, tin tưởng nhau và không có ràng buộc về pháp luật.

Thị trường nông sản thời hội nhập đã thay đổi lớn, giao thương được kết nối trong cả nước, vươn ra ngoài biên giới quốc gia, được pháp luật bảo lãnh bằng văn bản hợp đồng có ký kết bên mua và bên bán sau khi đã thống nhất về khối lượng, tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã và các yếu tố đảm bảo khác. Trong quá trình giao dịch đó, “quyền được mặc cả” của người nông dân là đích thực, là năng lực làm chủ hàng hóa, làm chủ thị trường và làm chủ sản xuất. Song cũng không có nghĩa- nông dân cứ sản xuất ra là bán được hàng, cứ có “cầu” là có “cung”, hoặc cung sẽ chảy về cầu như nước chảy về chỗ trũng. Sẽ sai lầm lớn nếu coi giá trị, cung – cầu, thị trường và quyền được mặc cả như chiếc công tắc điện, hễ “bật lên thì sáng, tắt đi thì tối”.

Thế giới 50 năm đã qua, diện tích canh tác lúa chỉ tăng gần 5% nhưng sản lượng đã tăng 200% trong cùng thời kỳ. Việt Nam có 6 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực: Gạo, hạt cà phê, tiêu, điều, thủy sản, cao su, nhiều năm gần đây luôn xếp thứ hạng cao trên thế giới; một phần do đổi mới cơ chế chính sách; phần lớn hơn là sự cần cù, sáng tạo của nông dân. Nhưng thẳng thắn nhìn nhận rằng, sản lượng nông sản tăng có nguyên nhân từ tăng diện tích, phá vỡ quy hoạch sản xuất, nhất là diện tích trồng cây cao su, cà phê, nuôi thủy sản và trồng lúa 3 vụ. Việc quá chú trọng đến tăng sản lượng dẫn đến chất lượng nông sản không cao, thị trường xuất khẩu tập trung vào phân đoạn thấp, đặc biệt là sự phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc; gặp khi biến động lập tức tạo sức ép giảm giá lên toàn bộ hàng nông sản. Khai thác kẽ hở đó, tư thương dìm hàng, ép giá, tranh mua, tranh bán. Người nông dân không có tích lũy, buộc phải bán hàng giá thấp, thậm chí chịu lỗ, ngậm ngùi từ bỏ “quyền được mặc cả” của người chủ sở hữu hàng hóa cũng đồng nghĩa với việc đánh mất lợi thế và địa vị kinh tế vốn có của mình.

Khôi phục quyền người nông dân về kinh tế có liên quan chặt chẽ tới cấu trúc thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong đó, nâng cao “năng lực mặc cả” của người nông dân đã trở nên cấp thiết và phải được bảo vệ bằng pháp luật với các giải pháp về: Quy hoạch sản xuất, thông tin thị trường, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, ngành hàng và vai trò của HTX nông nghiệp, Hội Nông dân… cần được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội trong kỳ họp này. Không có “quyền mặc cả” thì người nông dân cũng không đủ quyền là “chủ thể” của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.