Ngoại trưởng Nga, ông Sergei Lavrov, nói bầu cử tại vùng Donetsk và Lugansk “quan trọng để hợp thức hóa giới chức trách tại đó".
"Chúng tôi chờ đợi các cuộc bầu cử sẽ được tiến hành như thỏa thuận và tất nhiên chúng tôi sẽ công nhận kết quả bầu cử. Chúng tôi khẳng định rằng cuộc bỏ phiếu sẽ tự do và không ai từ bên ngoài có thể phá hoại nó", ông Lavrov nói.
Phát ngôn viên của Điện Kremlin là Dmitry Peskov thì khẳng định rằng, Nga sẽ ủng hộ cuộc bầu cử của những người nổi dậy và nói rằng: “Nga không có những đòn bẩy ảnh hưởng vô giới hạn nào và không đáng để cường điệu chúng. Trong trường hợp này, yếu tố chính không phải là ảnh hưởng của Nga mà là quyết định của giới lãnh đạo của các nước cộng hòa này và của người dân".
Phe nổi dậy tại Donetsk và Lugansk tuyên bố độc lập, tách khỏi chính phủ Ukraine tại Kiev.
Trong khi đó, chính phủ Ukraine và các chính phủ phương Tây cho rằng, các cuộc bầu cử không nên được tiến hành. Họ cáo buộc Nga vũ trang cho phe nổi dậy.
Một viên chức cao cấp Bộ Ngoại giao Ukraine, Dmytro Kuleba, nói rằng Moscow đang phá hoại thỏa thuận ngưng bắn được ký kết tại Minsk.
Tổng thống Ukraine, ông Petro Poroshenko, đã so sánh xung đột tại Donbass với Đại chiến thế giới thứ hai, nói rằng “lần này chiến tranh dường như không phải đến từ phương tây mà từ phương đông".
“Lần đầu tiên trong 70 năm chúng tôi một lần nữa lại phải bảo vệ đất nước Ukraine, sự toàn vẹn lãnh thổ và nền tự do của đất nước này".
Một nhà ngoại giao Ukraine nói rằng, việc Nga ủng hộ các cuộc bầu cử của phe nổi dậy sẽ “phá hoại tiến trình hòa bình”.
Cuộc bầu cử ngày 2/11 là sớm hơn rất nhiều so với thỏa thuận mà cơ quan lập pháp Ukraine đã đồng ý cho phép khu vực ly khai với quyền tự trị có giới hạn.
Binh lính Ukraine đang chiến đấu chống lại những người nổi dậy thân Nga tại miền đông.
Một thỏa thuận ngưng bắn có hiệu lực từ hôm mùng 5.9 nhưng đã xảy ra nhiều vụ vi phạm ngưng bắn và tiếp tục trong tình trạng rất dễ thay đổi.
Thể theo thỏa thuận ngưng bắn, giới chức trách Ukraine hứa sẽ không truy tố những lãnh tụ phe nổi dậy ở miền đông – thế nhưng nhiều chính trị gia Ukraine muốn thực hiện việc truy tố và lên án những người nổi dậy là những kẻ khủng bố.
Thỏa thuận cũng kêu gọi việc rút các “nhóm dân quân bất hợp pháp” ra khỏi Ukraine nhưng theo phương Tây, phe nổi dậy vẫn được vũ trang rất đầy đủ và không rõ bao nhiêu binh lính “tình nguyện” Nga vẫn đang còn ở đó tiếp tục giúp đỡ họ.
Chính phủ Nga nói rằng bất cứ binh lính Nga nào chiến đấu ở Ukraine đều là những người “tình nguyện” tự do mặc dù các chính phủ phương Tây và chính phủ Ukraine nói Nga trước đó đã gửi các đơn vị quân chính quy tới.
Sân bay quốc tế ngoại ô Donetsk đã bị phá hủy phần lớn trong giao chiến.
Tại Kiev, các đảng phái ủng hộ phương Tây đang dẫn đầu sau các cuộc bầu cử quốc hội toàn quốc của Ukraine hôm 27.10.
Việc bỏ phiếu đã không diễn ra tại các quận huyện do phe nổi dậy kiểm soát ở miền đông, hay ở Crimea, nơi Nga đã sáp nhập hồi tháng 3.
Ukraine thúc giục Nga gây áp lực với phe ly khai không thực hiện các cuộc bầu cử cạnh tranh ở miền đông.
Những người ly khai có vũ trang đã chiếm các tòa nhà chính phủ tại Donetsk và Lugansk hồi tháng 4 và nay tuyên bố các “Cộng hòa Nhân dân” tại cả hai vùng, vốn trung thành với chính phủ tại Moscow hơn là với chính phủ tại Kiev. Hai vùng này thường được gọi chung là “Donbass”.
Ít nhất 3.700 người đã bị giết hại trong các cuộc giao tranh và còn nhiều người hơn nữa đã bỏ chạy sang các vùng khác của Ukraine hoặc sang Nga.
Năm 2008, Nga cũng đã hậu thuẫn cho những người ly khai thân Nga tại Gruzia và sau đó công nhận vùng ly khai này là một vùng độc lập.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan là Tomasz Siemoniak thì thông báo: "Chúng tôi muốn tăng cường các đơn vị của mình tại miền đông Ba Lan” để đáp lại trước cuộc khủng hoảng Ukraine.
“Những ảnh hưởng đầu tiên sẽ được thấy vào năm 2017. Sẽ có một loạt những sáng kiến liên quan tới các đơn vị ở miền đông. Cũng sẽ có đầu tư cho cơ sở hạ tầng", hãng tin Reuters trích dẫn ông Siemoniak nói.