Dân Việt

Tìm lối “chuyển nhượng” đường cao tốc, cảng hàng không

Vinh Hải 29/10/2014 14:29 GMT+7
Bộ GTVT đang tìm hướng, lối mở để đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Hạ tầng đường cao tốc, đường sắt, cảng hàng không,… đều có thể đặt lên bàn để “gả bán” cho các nhà đầu tư bên ngoài.
Chưa từng có tiền lệ

Bộ GTVT trong thời gian qua đã thực hiện thành công việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực đường bộ, đặc biệt là việc huy động vốn đầu tư ngoài NSNN vào “đại dự án” mở rộng, nâng cấp QL1 và QL14 qua Tây Nguyên. Hiện Bộ GTVT đang quản lý 65 dự án BOT, BT, PPP với tổng mức đầu tư khoảng 155.739 tỷ đồng, trong đó có 18 dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác với tổng mức đầu tư 18.086 tỷ đồng; 47 dự án đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư với tổng mức đầu tư 137.655 tỷ đồng (Dự án BOT 43 dự án, tổng mức đầu tư 121.350 tỷ đồng, dự án BT 4 dự án, tổng mức đầu tư 16.305 tỷ đồng). Chưa dừng lại ở đó, ông Đinh La Thăng – Bộ trưởng Bộ GTVT đang yêu cầu các cơ quan chuyên môn phải tìm cách để huy động mọi nguồn lực đầu tư vào hạ tầng giao thông, giảm dùng tiền ngân sách Nhà nước. Từ đây, đặt ra những vấn đề chưa từng có tiền lệ trong việc “gả bán” hạ tầng giao thông.
img 

Có thể lấy ví dụ cụ thể việc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang nghiên cứu phương án nhượng quyền thu phí 5 tuyến đường cao tốc. Hiện VEC đang được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư 5 dự án đường cao tốc có tổng chiều dài 540 Km, tổng mức đầu tư 125.572 tỷ đồng. Tại 5 dự án nói trên, vốn ngân sách Nhà nước tham gia đầu tư trực tiếp vào dự án 71.555 tỷ đồng (chiếm 57%); VEC tự huy động 54.000 tỷ đồng (chiếm 43%) từ nguồn vốn phát hành trái phiếu công trình, vốn vay vay thương mại (OCR) của ADB và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển (IBRD) thuộc WB.

Tính đến cuối tháng 10, VEC đã đưa vào khai thác, thu phí các tuyến cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài – Lào Cai và một phần tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với tổng chiều dài 320 km. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2018, VEC sẽ lần lượt đưa vào khai thác phần còn lại của tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (2015); Đà Nẵng – Quảng Ngãi (2017) và Bến Lức – Long Thành (2018).

Ông Mai Tuấn Anh – Tổng Giám đốc VEC cho biết: “Từ giữa năm 2012 VEC đã phục vụ hơn 22 triệu lượt xe cơ giới (bình quân mỗi ngày khoảng 40.000 lượt xe) với tốc độ tăng trưởng lưu lượng sát với dự báo, giúp Tổng công ty có dòng doanh thu thu phí ổn định, phục vụ công tác bảo trì; trả lãi và nợ gốc đúng như cam kết”. Như tuyến Nội Bài – Lào Cai mới được đưa vào khai thác, mỗi ngày thu được 1,5 tỉ đồng tiền phí, sản lượng vận tải tăng 30%.

Theo ông Mai Tuấn Anh, để chuyển nhượng, các nhà đầu tư  quan tâm phí, giá vé để tính toán khả năng thu hồi vốn đầu tư, tính hiệu quả, an toàn, đồng thời cũng quan tâm đến cơ chế, chính sách. Hiện VEC đang xây dựng phương án cổ phần hóa Tổng công ty song song với việc xây dựng phương án thành lập các Công ty cổ phần Dự án, phương án chuyển nhượng quyền thu phí để kêu gọi các Nhà đầu tư tham gia.

Lãnh đạo VEC cho biết đây là một chủ trương mới, chưa từng có tiền lệ. Nếu thực hiện được sẽ góp phần giảm áp lực đầu tư công và vốn đầu tư từ NSNN. Do các dự án đường cao tốc đều thuộc hệ thống đường bộ cao tốc Quốc gia, nên việc cổ phần hóa hoặc chuyển nhượng, bán quyền thu phí sẽ gặp nhiều khó khăn về cơ chế chính sách cũng như tính pháp lý. Sau khi xây dựng xong Đề án, VEC sẽ báo cáo Bộ GTVT xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo cơ sở pháp lý để có thể triển khai trong thời gian sớm nhất.

Cảng hàng không, đường sắt cũng lên “sàn chuyển nhượng”

Đường cao tốc là sản phẩm “chưa có tiền lệ” trong vấn đề “bán” hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đang yêu cầu cả ngành hàng không, đường sắt tính đến phương án kêu gọi xã hội hóa đầu tư, chuyển nhượng các dự án đã hoàn thành cho nhà đầu tư bên ngoài, thu hồi vốn tái đầu tư các dự án khác.

Ông Đinh La Thăng – Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu xây dựng chủ trương, cơ chế xã hội hóa trong từng lĩnh vực cụ thể. Để thu hút được vốn xã hội hóa, ông Thăng chỉ ra điều quan trọng nhất là phải đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp giao thông. Điều này vừa thu hút được vốn đầu tư tư nhân, vừa có nguồn vốn thặng dư để đầu tư lại lĩnh vực hạ tầng. Ông Thăng cũng đề nghị các đơn vị liên quan thấy dự án nào khả thi sẽ triển khai ngay. Đồng thời, phải tính toán mức phí sao cho nhà đầu tư đảm bảo thu hồi vốn và người dân cũng chịu đựng được.

Người đứng đầu Bộ GTVT cũng chỉ ra những “sản phẩm” khác trong ngành hàng không hay đường sắt có thể đặt lên “sàn chuyển nhượng” cho các nhà đầu tư bên ngoài. Ví dụ như Cảng hàng không Phú Quốc, ông Đinh La Thăng cho rằng đây là dự án được đầu tư 100% nguồn vốn của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, tại sao không đề xuất bán cho tư nhân quản lý? Ông Nguyễn Nguyên Hùng – Chủ tịch HĐTV cho biết đây là vấn đề khả thi. Bên cạnh đó, ông Thăng cũng cho rằng ở các dịch vụ khu vực mặt đất cũng có thể xem xét tiến hành xã hội hóa nhưng phải đảm bảo được yếu tố an ninh quốc phòng.

Trong lĩnh vực đường sắt, ông Thăng đặt vấn đề: “Có thể kêu gọi xã hội hóa tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM – Nha Trang, TP.HCM – Vũng Tàu hay Hà Nội – Hải Phòng không?”. Ông Vũ Tá Tùng – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng đang tiến hành phương án xã hội hóa đường sắt tốc độ cao đoạn TP.HCM – Nha Trang để nhân rộng ra các tuyến khác. Đây là tuyến đường sắt có kết quả kinh doanh tốt, có khả năng thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư bên ngoài.

Ông Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị liên quan cần tìm cách huy động mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Dùng chính hạ tầng giao thông và cơ chế chính sách để thu hút đầu tư bên ngoài, để có nguồn vốn tiếp tục phát triển hạ tầng.