Dân Việt

Tiếng guitare của các “samurai đất Cảng”

08/05/2011 13:41 GMT+7
(Dân Việt) - Từng có thời người dân đất cảng Hải Phòng đêm đêm sống trong những sắc màu tươi đẹp của tiếng guitare cổ điển. Những con phố guitare như khu vực Chợ Sắt, Cầu Đất... "rung lên" suốt đêm.

Dạo đó, có lúc hàng trăm chàng trai ôm đàn ngồi bên nhau, chơi những bản nhạc kinh điển của thế giới hay những bài tân nhạc... thành phố hoa phượng đỏ trở thành một mái nhà của người yêu âm nhạc, từ đây đã tạo nên thương hiệu "Guitare Hải Phòng" với danh cầm Trọng Lung và hàng loạt học trò tài năng của ông.

img
Anh Thành và anh Trường trong một buổi họp mặt CLB.

Cố níu ngày xưa

Tiếng guitare một thời được coi là "khẩu phần quan trọng" trong món ăn tinh thần của người dân Hải Phòng. Thầy Trọng Lung không chỉ chơi đàn giỏi, mà còn đào tạo nhiều thế hệ học trò xuất sắc, trong đó có nghệ sĩ Xuân Trường hiện công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Hải Phòng mà năm 1986 thi vào Nhạc viện Hà Nội, anh từng đậu thủ khoa. Một học trò đặc biệt nữa là Thế An, người đã thành danh trong làng guitare thế giới.

Nhưng thời điểm nghệ sĩ Trọng Lung ra đi cũng là lúc dòng nhạc thị trường ùa vào đất cảng, tiếng nhạc điện tử của organ đã át dần tiếng guitare mộc mạc, guitare mất dần chỗ đứng...

Xuân Trường nhớ lại, năm 2002 anh nghĩ phải làm một cái gì đó chứ không thể để kéo dài mãi tình trạng này. Thế là cứ 3 tiếng mỗi tối, anh mang đàn ra ngồi chơi ở những quán nhậu bình dân, tự phối và chơi từ kinh điển đến tiền chiến, cả nhạc đỏ, nhạc vàng cũng chơi, cứ khách yêu cầu là chơi. Tiền công chỉ 30.000 đồng mỗi tối. Rồi anh chơi ở các quán bar mới. Còn bây giờ thì chủ nhân những bữa tiệc sang trọng cũng bắt đầu mời anh với cát xê vài trăm đô.

Mong hồi sinh sóng nhạc

Từ những cố gắng của cá nhân như Xuân Trường, đến ngày 9.9.2005, tại Hải Phòng đã ra đời CLB guitare Samurai gồm 9 người vốn là đồng môn do anh Bùi Ngọc Thành làm chủ nhiệm. Mỗi tháng CLB họp một lần, chơi cho nhau nghe, trao đổi kinh nghiệm hay những bản nhạc mới. Thỉnh thoảng, CLB lại tổ chức những đêm guitare cổ điển cho khán giả thưởng thức miễn phí.

Trong CLB này, hiện có anh Trọng Lộc còn lưu giữ được đầy đủ những kỹ thuật chân truyền của thầy Trọng Lung. Anh Lộc còn nổi tiếng trong giới với bàn tay phải chơi đàn đẹp nhất. Tiếng đàn của anh mộc, âm sắc rõ ràng và không bị pha tạp... Lộc làm cho một hãng tàu biển nhưng như bình luận của bạn bè mến mộ, nếu dồn sức vào luyện tập, anh có thể đạt tới đẳng cấp quốc tế.

Các thành viên CLB chủ yếu cũng như anh Lộc, mỗi người một việc, nhưng đều say guitare và cũng muốn giữ lại tiếng đàn cho đất cảng. Như chủ nhiệm Bùi Ngọc Thành có nghề vận tải và xuất nhập khẩu, nhưng anh vẫn mở lớp dạy nhạc ở nhà vào buổi tối, để như anh tâm sự là “không muốn phí công sức thầy Trọng Lung đã dạy dỗ”.

Anh Thành - Chủ nhiệm CLB guitare Samurai ví von: Anh Trường đã phối những bản nhạc nằm ngoài sách giáo khoa của bất cứ lớp dạy nhạc nào, và tiếng guitare qua tay anh thì như chuốc rượu cho người ta bằng nhạc vậy!

Mới đây Thành nhận học sinh đặc biệt là Tuấn Anh, 25 tuổi, một tay… nghiện game nhiều năm nay, từng cắm mặt chơi game suốt ngày đêm, không để ý gì về xã hội bên ngoài. Nghiện game 4 năm, Tuấn Anh không ra khỏi nhà. Tuấn Anh cho biết: "3 tháng trước, bố mẹ em gửi em tới chỗ thầy Thành để học nhạc. Bây giờ em đã chơi được một vài bài cơ bản rồi, không chơi game nữa, sức khỏe tốt và đã ăn ngủ đúng giờ, tăng được 5kg". Anh Thành kể, khi nhận dạy Tuấn Anh, tay của cậu đã cứng, tai để nghe đã hỏng vì Tuấn Anh đã nhiều năm nghe nhạc sàn ầm ầm quen rồi. Nhưng rồi chính tiếng guitare mộc mạc đã đánh thức và dần đưa Tuấn Anh trở lại đời sống bình thường.

Nhiều người đang mong sẽ lại thấy tiếng guitare sôi nổi trong thành phố. Chắc ngày đó không còn xa khi vẫn còn niềm đắm đuối với nghiệp đàn của các "samurai đất cảng".