Dân Việt

Thầy giáo mầm non chuẩn men 100% từng bị từ chối nhận dạy

30/10/2014 06:59 GMT+7
“Kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi ra trường, mang hồ sơ đi xin việc đã bị nhiều nơi từ chối vì lý do em là nam giới. Có lần em mang hồ sơ đến Phòng GD&ĐT huyện Tân Hiệp để xin việc, ông Trưởng phòng tưởng em đùa nên bị ông ấy mắng cho một trận “lên bờ xuống ruộng” vì từ trước tới nay cả tỉnh Kiên Giang không có giáo viên mầm non nào là nam", thầy Lê Quốc Trí tâm sự.

img 
Chuẩn men 100%

 

Sinh năm 1988, thầy Trí là một nam giáo viên duy nhất của Trường mầm non Họa My (Thị trấn Giồng Riềng, Kiên Giang). Thầy là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và là một trong số ít giáo viên mầm non của tỉnh vinh dự được tham dự Liên hoan giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non toàn quốc năm 2014 do Bộ GD&ĐT tổ chức hồi tháng 5 vừa qua.

Trong số hàng trăm gương mặt tiêu biểu, tôi tình cờ bắt gặp thầy Trí khi thầy đang trao đổi chuyên môn nghiệp vụ với các đồng nghiệp ở tỉnh khác. Câu chuyện giữa tôi và thầy trí khá sôi nổi và thân mật.

Đã có ai ghi ngờ về giới tính của thầy chưa? – Tôi tếu táo hỏi thầy.

-Nhiều lắm! Nhưng em khẳng định là mình chuẩn men 100% đấy nhé. Hiện em đã có người yêu, bạn em là một cô gái tốt bụng và rất hiểu cho công việc của em. Chúng em dự tính sẽ kết hôn trong năm nay! – Thầy trí dí dỏm cho biết.

Thầy Trí nhớ lại: “Lúc em chọn thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang - Khoa Sư phạm mầm non, ai cũng ngạc nhiên và bày tỏ sự hoài nghi về giới tính. 

Hồi đó cả Hội đồng thi có mỗi em là thí sinh nam duy nhất dự thi khoa Sư phạm mầm non nên ai nấy đều hiếu kỳ muốn đến xem em là người như thế nào.

Sau khi đỗ vào trường, em cũng là sinh viên đặc biệt nhất trường, bởi cả khoa duy nhất có mỗi em là nam giới. Lúc này, cũng có nhiều người khuyên em nên chọn ngành nghề khác. Song em đã nói là làm và quyết tâm theo đuổi nghề này cho đến cùng”.

img

Thầy Lê Quốc Trí tại Liên hoan giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non toàn quốc năm 2014

Vượt qua định kiến

Ngừng lời một chút vì có điện thoại của một phụ huynh. Trong câu chuyện, tôi biết đó là thắc mắc của một phụ huynh về việc tại sao hôm nay thầy không đi dạy và các con đang đòi thầy Trí dạy hát, dạy vẽ. Tiếp xong vị phụ huynh, thầy Trí quay sang tiếp tục câu chuyện với tôi.

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi ra trường, mang hồ sơ đi xin việc đã bị nhiều nơi từ chối vì lý do em là nam giới. Có lần em mang hồ sơ đến Phòng GD&ĐT huyện Tân Hiệp để xin việc, ông Trưởng phòng tưởng em đùa nên bị ông ấy mắng cho một trận “lên bờ xuống ruộng” vì từ trước tới nay cả tỉnh Kiên Giang không có giáo viên mầm non nào là nam. 

Buổi xin việc thất bại hôm đó thất bại, mang hồ sơ ra về mà trong lòng ấm ức và tự nhủ bản thân: Không có gì mà nam giới không thể làm được. Nữ dạy mầm non được thì tại sao nam lại không?!".

Sau nhiều lần kiên trì xin việc, cuối cùng thầy Trí cũng đã được “thử sức” ở ngôi trường hiện tại và được chính thức trở thành giáo viên của Trường mầm non Họa My.

Thời gian thoi đưa, thấm thoát chàng sinh viên “mì chính cánh” của Khoa Sư phạm mầm non (Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang) Lê Quốc Trí ngày nào, đã có hơn 6 năm gắn bó với các em thơ ở ngôi trường này.

Được biết, ngày mới vào giảng dạy tại trường, nhiều phụ huynh cũng lo lắng, có người xin chuyển lớp cho con, có người thì nán lại lớp để xem thầy Trí dạy.

Nhưng xuất phát từ tình yêu thương trẻ, thầy Trí luôn cố gắng, tận tâm chăm sóc, yêu thương các cháu. Đến giờ, phụ huynh rất quý mến, học sinh rất thích được thầy dạy múa, tập hát...

Trở thành “chú ong nâu” của các bé

“Còn nhớ cách đây không lâu, em tổ chức cho các bé mùa bài “Chị ong nâu”. Để cùng các em tham gia, em đã nhập vai nhân vật chính. Cả thầy và trò đang múa dở thì có một em học sinh hỏi thầy: Thầy ơi, sao “chị ong” không mặc váy. Tôi phải nói với các con là: Hôm nay chị ong bận việc nhà nên chú ong nâu sẽ múa thay cùng với các con nhé.

Vậy là, cả lớp đã có một tiết học khá vui vẻ và đầy ấn tượng. Kể từ hôm đó, nhiều đồng nghiệp, các bậc phụ huynh và học sinh thi thoảng lại gọi em bằng “chú ong nâu. Và em thấy vui vì điều đó”- Thầy Trí tâm sự..

Nhiều người cứ nghĩ, dạy trẻ mầm non chỉ có các nữ giáo viên mới làm được. Nhưng theo thầy Trí, điều đó không chính xác, các cô dạy mầm non được thì các thầy cũng có thể làm được.

Thầy Trí quan niệm: Điều quan trọng là, dù nam hay nữ đều phải yêu nghề, yêu trẻ thực sự. Đôi khi chỉ là những hành động rất đỗi đơn giản như: chơi cùng các em, hát múa cùng các em, hay chải tóc cho các em, thế nhưng thầy (cô) lại đón nhận những tình cảm rất đỗi thiêng liêng, trong sáng, ngây từ các thiên thần là bé thơ.