Dân Việt

ĐBQH Trần Du Lịch: “Không đâu xài tiền tùy tiện như nước mình”

Lương Kết 29/10/2014 18:28 GMT+7
"Không thấy ở đâu xài tiền tùy tiện như nước mình. Tôi đi thăm một nước vào cuối tháng 12, người ta không mời được cơm vì ngân sách chưa có. Của ta thì cứ ăn rồi cũng quyết toán được cả. Tại sao như vậy?" - Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (TP.HCM) nói như vậy khi góp ý vào dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Theo Đại biểu (ĐB) Lịch thì tổng thể Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) đổi mới không đáng kể so với luật đang có. Tức là vẫn còn tồn tại cơ chế ngân sách T.Ư và địa phương lồng ghép. "Tôi đề nghị ngân sách địa phương gồm 2 phần, một phần  là các nguồn thu mà theo luật định địa phương được thu, còn phần chi gồm  phần chi trong nguồn thu của anh và phần chi T.Ư hỗ trợ, phải tách biệt ra" - ĐB Lịch góp ý.

img

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch.

ĐB Lịch cho biết thêm, các nước có đạo Luật NSNN hàng năm, Việt Nam chưa làm được như vậy thì thông qua ngân sách tại 2 kỳ họp Quốc hội, kỳ giữa năm ngồi bàn, mổ xẻ từng địa phương, từng ngành trong năm tới hay những địa phương, ngành nào cần hỗ trợ bao nhiêu để Quốc hội quyết. "Đây là bước 1, kỳ họp tháng 5 đưa lên bàn hết, phải dành thời gian thỏa đáng thảo luận cho kỹ. Sau khi quyết thì Chính phủ thực hiện, đến kỳ họp Quốc hội cuối năm thì mới rà soát lại, để xem xét, nếu có gì phát sinh thì phải thuyết minh, lúc đó mới quyết được ngân sách" - ĐB Lịch bày tỏ.

ĐB Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) đề nghị cần minh bạch khoản thu ngân sách theo nguyên tắc: "Tất cả các khoản thu thuộc quản lý của Nhà nước thì đều phải đưa vào ngân sách". Theo ông Thăng, cần quản lý các quỹ tài chính ngoài ngân sách để chống tham nhũng. "Thời gian qua khi thông qua một số luật, chúng ta có khá nhiều quỹ ví dụ như Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá... Nhưng quản lý các quỹ tài chính ngoài ngân sách thế nào là chưa rõ lắm" - ông Thăng nói.

ĐB Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) cho rằng: Theo quy chế dân chủ ở cơ sở tất cả các khoản thu-chi của các cơ quan đều phải thông báo công khai hàng tháng, hàng quý, hàng năm. Chính vì thế NSNN cũng phải công khai, minh bạch trong thu-chi ngân sách, và nợ công. "Muốn minh bạch tài chính thì cần minh bạch ngay từ thông tin" - bà Hoa nêu.

ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) nêu, Dự luật NSNN sửa đổi chưa bao quát để giải quyết tối đa bất cập của Luật NSNN hiện hành, các quản lý thu – chi vẫn theo tư duy cũ. "Chúng ta cứ lập kế hoạch xong rồi lại duyệt, xong cứ thế lại chi. Thậm chí thu không tới nhưng chi thì cứ chi như trong báo cáo ngân sách", ĐB Hùng nói.

ĐB Chu Lê Chinh (Lai Châu) cho rằng việc phân cấp, tiêu chí phân bổ ngân sách thường dựa trên dân số là chính chứ chưa tính đến diện tích tự nhiên. Chỉ căn cứ dân số thì phân bổ ở những tỉnh đất rộng người thưa thấp. Đề nghị tính toán đưa cả tiêu chí diện tích tự nhiên, yếu tố hạ tầng kinh tế - xã hội làm cơ sở phân bổ chi.

Cũng theo ĐB Chinh tại sao trái phiếu cũng tính là NSNN, quan điểm vấn đề thế nào? "Làm sao đưa vào cân đối NSNN. Có vất vả cho địa phương, đi lên đi xuống. Có một số ý kiến nói trái phiếu chỉ dùng cho miền núi vùng sâu, xa nhưng không phải đâu, trái phiếu 5 năm qua của các địa phương nghèo không bằng một dự án. Nghiên cứu đưa trái phiếu vào cân đối ngân sách địa phương được không?" - ĐB Chinh nêu vấn đề.