Bất chấp tính mạng
Giữa tháng 10.2014, mưa như trút liên tục nhưng các đối tượng khai thác vàng trái phép vẫn ráo riết đào vàng tại nơi giáp ranh giữa 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn. Các tuyến đường lên Khe Cọp, Khe Lên, Khe Chớp thuộc xã Đắc Pring (huyện Nam Giang) bị cày nát do các phương tiện vận chuyển của đối tượng khai thác vàng trái phép. Để vận chuyển khối lượng lớn vật tư thiết bị phục vụ đào đãi vàng, giới “vàng tặc” đã sử dụng các loại xe cơ giới san ủi đồi núi, mở gần chục km đường trong rừng.
Tại Khe Lên, Khe Cọp và nhiều con suối khác thuộc địa phận xã Đắc Pring, đoàn kiểm tra truy quét của tỉnh ghi nhận có 10 lán trại trái phép mọc lên. Hiện trường ngổn ngang các giàn máy xúc, đào đãi vàng và nhiều thùng phuy chứa đầy dầu diesel… Khu rừng rộng 3ha đã bị “vàng tặc” cày xới ngổn ngang, nhiều điểm nước ứ đọng nhuốm màu đỏ. Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Pre - lực lượng tham gia đẩy đuổi “vàng tặc”, cho biết, khu rừng cấm thuộc vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh bị “vàng tặc” tàn phá nghiêm trọng, gây ô nhiễm nặng nguồn nước. Bên cạnh đó, đơn vị đã phá được nhiều vụ vận chuyển, buôn bán ma túy tại các bãi vàng.
Tại bãi vàng Nhẹ, thôn 4, xã Phước Đức, Phước Sơn, có 4 lán trại đã tháo tấm che mái, 6 máy xay đá, 5 máng tuyển đãi vàng bằng gỗ, 1 mỏ vàng lộ thiên bị đục khoét sâu dưới lòng đất với quy mô rộng 0,5ha. Khi đoàn kiểm tra đến, tất cả các máy móc đều dừng hoạt động, không có người tại hiện trường. Ngành chức năng đã đốt phá toàn bộ các lán trại, thiết bị máy móc, dụng cụ.
Quy trách nhiệm cho chính quyền cơ sở
Được biết, từ đầu năm 2014 đến nay, tỉnh Quảng Nam có 7 người chết do khai thác vàng, trong đó huyện Phú Ninh 2 người; huyện Nam Giang 2 người và huyện Phước Sơn 3 người. Hàng chục lao động nhí bị bắt đi đào vàng trái phép đã phải băng rừng trốn chạy khỏi bọn cai vàng tàn bạo.
Ông Bùi Văn Ba - Trưởng phòng Khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Nam cho biết: “Vàng tặc” hoành hành vào mưa trên địa bàn rất đáng lo ngại, nhất là những điểm dễ sạt lở đất đá, vì mưa làm cho đất đá nhão, nguy cơ sập hầm rất cao. Vì vậy, qua các đợt kiểm tra, đoàn sẽ kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo chính quyền các huyện Phước Sơn, Nam Giang, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh tiếp tục tổ chức các biện pháp ngăn chặn, truy quét, chốt giữ và xử lý nghiêm các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Các ngành tài nguyên - môi trường huyện phối hợp với các ngành chức năng và điều động lực lượng trong tổ công tác cơ động tiếp tục kiểm tra, truy quét và chốt giữ tại các “điểm nóng” khai thác vàng vùng giáp ranh.
Cũng theo ông Ba- Chủ tịch UBND các xã, thị trấn buộc phải ký cam kết về trách nhiệm quản lý khoáng sản; duy trì lực lượng từ 4 - 5 cán bộ, chiến sĩ thường xuyên chốt giữ khu vực bãi vàng. “Sẽ cương quyết xử lý nặng trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc buông lỏng quản lý về lĩnh vực khoáng sản...” - ông Ba nói.