Vốn ngắn hạn đầu tư dự án dài hạn
Trong phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014, nhiệm vụ năm 2015 (chiều 30.10), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có phần giải trình thêm về vấn đề nợ công.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Nói về những tồn tại, hạn chế trong vấn đề nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Trong năm qua, chúng ta đã phải phát hành trái phiếu để đảo nợ để trả nợ khi đến hạn, cụ thể năm 2012 là 20 nghìn tỷ đồng, năm 2013 là 40 nghìn tỷ đồng, năm 2014 trong dự toán dự kiến là 77 nghìn tỷ đồng, nến như thu ngân sách vượt lên theo số báo cáo của Quốc hội thì bố trí vào tăng thêm để trả nợ thì số đảo nợ sẽ giảm đi, còn số dự kiến trong năm 2015 là 130 nghìn tỷ đồng.
Cũng theo Bộ trưởng Dũng, vấn đề tồn tại, hạn chế tiếp theo là áp lực huy động vốn hàng năm rất lớn, chi phí huy động vốn cao. Việc sử dụng các khoản vốn ngắn hạn cho các đầu tư dài hạn phát sinh rủi ro, làm cho nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, tạo áp lực bố trí nguồn trả nợ. Nghĩa vụ trả nợ của ngân sách nhà nước có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là trong những năm tới. Một số dự án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, dự án được Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài thực hiện không hiệu quả, không trả được nợ làm phát sinh nghĩa vụ nợ dự phòng hoặc phải thay đổi tái cơ cấu tài chính chuyển sang cơ chế Nhà nước đầu tư vốn làm tăng chi trả nợ trực tiếp của Chính phủ.
Công tác phối hợp giữa bộ ngành địa phương, chủ dự án trong việc quản lý tổng hợp báo cáo nợ công còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ. Việc quản lý nợ của chính quyền địa phương chưa được kiểm sát chặt chẽ, đồng bộ nhất quán, chưa có chế tài xử lý với những trường hợp vi phạm trong việc huy động vốn của chính quyền địa phương.