Dân Việt

10 điều ít ai biết xoay quanh ngày lễ hội Halloween

31/10/2014 11:10 GMT+7
Thế giới lại chuẩn bị đón thêm một ngày hội Halloween nữa, ngày hội của bí đỏ, hóa trang và những trò đùa vui ma quái,...

img

Ngày nay, lễ hội này đang dần trở nên phổ biến tại nhiều nước trên thế giới và tất nhiên là bao gồm cả Việt Nam. Nhiều ý kiến còn cho rằng đây là trong năm có 2 ngày lễ dành cho trẻ em là Giáng Sinh và Halloween, với đầy ắp những trò chơi, bánh kẹo và chocolate.

Bài viết này sẽ điểm qua 10 thông tin thú vị xoay quanh ngày lễ "rùng rợn" này nhé. Chúc các bạn có đêm Halloween vui vẻ.


1. Halloween bắt nguồn từ lễ hội thần lửa Samhain của người Celt cổ đại

img

Theo nhiều học giả, ngày lễ Halloween hiện nay được kế thừa từ ngày hội thần lửa Samhain của người Celt cổ đại từ 6000 năm trước. Ngày hội này còn được biết đến với tên gọi "All Hallowtide", được tổ chức sau khi hoàn tất mùa vụ và đánh dấu thời điểm khởi đầu cho mùa đông. Đối với người Celt cổ đại, thời điểm cuối mùa hè, đầu mùa đông có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đời sống của họ. Vào khoảng thời gian này, các cánh đồng cỏ không còn khả năng chăn nuôi gia súc, người dân cũng không còn bận việc đồng án. Họ tập trung thành từng nhóm vào trong các ngôi nhà chung để cùng nhau kể chuyện cho nhau nghe và lên kế hoạch chuẩn bị đón năm mới.

Cũng vào thời điểm này, khi vụ mùa đã được thu hoạch hoàn tất, các cánh đồng sẽ trở nên hoang vụ. Người Celt cho rằng đây sẽ là lúc những nàng tiên đến và thổi phép màu lên các cánh đồng. Đồng thời, họ quan niệm thời điểm chuyển giao mùa cũng trùng với lúc cánh cổng giữa 2 thế giới được mở ra, các linh hồn sẽ trở về cánh đồng và đó không phải là nơi thích hợp dành cho con người lui tới. Lúc này, họ sẽ tổ chức lễ hội Samhain trong khoảng 3 ngày nhằm tôn vinh thần lửa, cám ơn sau một vụ mùa và hy vọng mùa đông chóng qua.

Người Celt tin rằng vào ngày 31.10, quy luật về thời gian và không gian sẽ ngừng lại, các linh hồn sẽ trở về thế gian để tìm kiếm thân xác để hồi sinh. Do đó vào ngày này, người dân thường dập tắt các đám lửa trong nhà của họ, khiến họ trở nên lạnh lẽo và hy vọng các linh hồn sẽ bỏ qua. Đồng thời, họ cũng có tục lệ ăn mặc các trang phục mô phỏng ma quỷ, diễu hành ồn ào quanh các khu phố để trấn an nỗi lo sợ các linh hồn.

2. Ngày 31.10 được chọn như thế nào?

img

Đến năm 835 sau Công nguyên, Giáo hội Công giáo La Mã chính thức đổi ngày Lễ kính Đức Mẹ hồn xác lên trời 1.11 thành ngày Lễ các thánh Nam Nữ thay vì ngày 13.5. Đây là một trong những ngày lễ trọng trong năm của người Công giáo và một bữa tiệc ăn mừng sẽ được tổ chức. Kể từ đó, ngày 1.11 được gọi là ngày "All Saints Day" (Ngày lễ các thánh) và ngày 31.10 có tên là "All Hallow Even" (Sự kiện thánh hóa). Sau đó tên gọi trở thành "All Hallow’s Eve", rồi "Hallowe’en" và cuối cùng là "Halloween". Tiếp theo sau ngày lễ Các thánh Nam Nữ sẽ là ngày Lễ Các Đẳng Linh Hồn nhằm hiệp thông cầu nguyện cho những người đang trong tình trạng thanh tẩy ở Luyện Ngục (theo quan niệm Công Giáo)

3. Trò chơi Trick Or Treat là một hình thức ăn xin thời cổ đại

img

Trò chơi Trick Or Treat (Lừa hay Lộc) là một trò chơi truyền thống trong ngày Halloween. Khi đó, các em nhỏ trong các bộ trang phục hóa trang, cầm lồng đèn, ca hát và đi từ nhà này sang nhà khác để gõ cửa và nói "trick or treat". Thường người nhà sẽ cho bọn trẻ kẹo, chocolate hoặc trái cây chuẩn bị sẵn.

Trò chơi này có nguồn gốc từ thời cổ đại và được thực hiện bởi những người hành khất. Vào những ngày lễ trong năm, họ thường hát những bài hát mừng cho các chủ nhà giàu có để nhận được của bố thí. Sau đó trong ngày lễ Halloween, họ thường ngụy trang hoặc mặc các trang phục làm từ rơm và đi xung quanh những ngôi làng để xin thực phẩm hoặc bánh kẹo. Dần dần thành một tục lệ, những cư dân thường chờ ở nhà trong đêm Halloween để đợi các nhân vật hóa trang đến gõ cửa nhà họ. Sau khi đã hoàn tất, toàn bộ cư dân gồm cả những người hóa trang sẽ cùng nhau diễu hành trên đường phố và tập trung ở quảng trường để cùng nhau chung vui.

Một hình thức ăn xin cổ đại khác là trong các ngày lễ hội như Phục Sinh, Lễ các Thánh Nam Nữ,... những người hành khất sẽ đến gõ cửa từng nhà, xin thực phẩm và cầu nguyện cho những người đã qua đời trong gia đình đó.

4. Trick or Treat từng bị biến tướng thành hình thức phá hoại

img

Trick or Treat có thể là một trò chơi phổ biến trong ngày Halloween. Tuy nhiên trong quá khứ, nó từng bị biến tướng trở thành một dịp bạo lực và phá hoại. Khoảng 200 năm trước, trò chơi này đã là một phần của lễ Halloween, nhưng phần "trick" (chơi xấu) thường khá nguy hiểm và có khuynh hướng bạo lực. Đặc biệt là tại Mỹ, nhiều người quá khích thường mở cửa chuồng thả gà và gia súc, đặt bẫy trong nhà vệ sinh, phá hủy nhà kho hoặc thậm chí là bắn súng bên ngoài các tòa nhà. Họ cho rằng những trò phá hoại càng nguy hiểm thì trò chơi cành thành công.

Vào đầu thế kỷ 20, đặc biệt là khoảng thời gian giữa Chiến tranh thế giới, các hình thức phá hoại trong ngày Halloween đã bị chính quyền nhiều nơi cấm. Những hành vi đập phá, tiệc tùng quá khích hoặc các hành động phá hoại khác đều bị xử lý nghiêm khắc. Do đó, phong trào này đã dần đi vào dĩ vãng. Cuối cùng, trò chơi này chỉ dành cho trẻ em hoặc lứa tuổi thanh thiếu niên và được thực hiện một cách vui vẻ, an toàn như hiện nay.

5. Trò chơi Bobbing Apple cho bạn biết được vị hôn phu trong tương lai là ai?

img

Cùng với trò Trick or Treat, một trò chơi có liên quan tới bói toán cũng rất phổ biến trong ngày Halloween là Bobbling Apple. Với trò chơi này, ggười ta cho rằng các linh hồn lang thang khắp thế giới trong ngày Halloween có thể biết được trong tương lai, những người nào sẽ trở thành vợ chồng của nhau.

Đây là trò chơi khá đơn giản, dễ bố trí, luật chơi đơn giản. Một nhóm các cô gái trẻ tuổi sẽ tập hợp thành nhóm, họ sẽ lấy những quả táo tươi, khoét một mẩu nhỏ và ăn mẩu táo đó. Trái táo sau khi khoét sẽ được ném vào chậu nước và nổi lên trên mặt. Cô gái đầu tiên có thể dùng miệng lấy được quả táo ra khỏi nước mà không chạm đến tay thì sẽ là người tiếp theo lập gia đình.

Sau đó, cô gái sẽ dùng chính quả táo đó để dự đoán ai sẽ là vị hôn thê của họ. Theo đó, cô ta sẽ gọt vỏ quả táo thành dải dài rồi ném vỏ táo đó qua vai vào thời khắc nửa đêm Halloween. Khi vỏ táo rơi xuống đất, nó sẽ có hình dạng chữ cái đầu tiên trong tên của người chồng trong tương lai.

6. Lịch sử bí ẩn và đen tối của quả bí Jack O'Lanterns

img

Quả bí Jack O'Lanterns được biết tới với một nguồn gốc đen tối và khá bí ẩn. Một truyền thuyết cổ xưa của người Ailen đã đề cập tới người đàn ông mang tên Stingy Jack. Một lần, Jack đã lừa quỷ satan uống rượu với ông. Sau khi uống say, Jack buộc phải thanh toán nhưng ông lại không muốn trả tiền. Do đó, Jack thuyết phục satan tự biến thành một đồng tiền để thanh toán tiền rượu. Jack nghĩ rằng nếu làm thế thì ông sẽ không phải thực sự tiêu tốn tiền của chính mình. Thật không may cho satan, Jack đã sớm lén đặt một cây Thánh Giá vào túi của ông. Ngay khi satan thi triển phép thuật biến thành đồng tiền, ông lấy nó bỏ vào túi và cây Thánh Giá đã vô hiệu hóa năng lực ma quỷ của satan nên hắn không thể nào biến dạng trở lại được nữa.

Jack hứa sẽ thả satan ra với 2 điều kiện: Đầu tiên, ma quỷ sẽ không bao giờ làm phiền Jack trong thời hạn ít nhất là 1 năm; thứ 2, khi Jack chết thì satan không được quyền bắt linh hồn của ông đi. Truyền thuyết kể rằng Jack đã tiếp tục lừa satan một lần nữa để ông có thể sống tự do thêm 10 năm sau đó. Dĩ nhiên, nhất bất quá tam, một lần thất tín thì vạn lần bất tin, Jack muốn tiếp tục lừa satan thêm nhưng không thể được nữa.

Nhiều năm sau đó, Jack qua đời và Thượng Đế đã không cho phép ông vào Thiên Đàng bởi những màn lừa đảo của ông. Mặt khác, quỷ dữ đã hứa sẽ không bao giờ bắt lấy linh hồn của Jack. Và kết quả là Jack buộc phải lang thang tại trần gian mãi mãi cùng với một hòn than cháy vĩnh viễn lấy từ hỏa ngục để có ánh sáng. Sau đó, Jack khắc một chiếc đèn lồng từ củ cải và bỏ hòn than vào trong đó để nó khỏi đốt cháy bàn tay của ông.

Kê từ đó, Jack trở thành Jack Of The Lantern (Jack của chiếc lồng đèn, sau này được gọi là Jack O’Lantern). Hàng đêm, Jack lang thang khắp nơi cùng chiếc lồng đèn để tìm kiếm thức ăn cho qua cơn đói. Đồng thời, Jack luôn kích động mọi người giết mình để ông có thể được chết. Tuy nhiên, điều đó đã không bao giờ xảy ra. Do đó, người ta thường khắc những khuôn mặt đáng sợ vào củ cải, củ cải đường hoặc khoai tây để hù dọa và xua đuổi Jack cùng quỷ dữ tránh xa khỏi nơi trú ngụ của họ. Câu chuyện trên được kể lại với các dị bản khác nhau nhưng có cốt truyện tương tự nhau.

7. Những chiếc lồng đèn ngày Halloween ban đầu được khắc từ củ cải và khoai tây mà không phải là bí đỏ

img

Chiếc lồng đèn Jack O’Lantern được xem như một biểu tượng truyền thống của ngày Halloween. Trong suốt lịch sử, người ta đã dùng nhiều loại vật liệu để điêu khắc nên chiếc lồng đèn này. Tuy nhiên, bí ngô là một phiên bản xuất hiện gần đây, bắt đầu từ những người Ailen.

Như đã nói ở trên, vào thời điểm ban đầu người ta đã dùng củ cải và khoai tây để khắc thành những chiếc lồng đèn trong ngày Halloween. Nhưng nạn đói năm 1846 tại Ailen đã khiến củ cải và khoai tây vô cùng khan hiếm. Tất cả lương thực đều thiếu thốn thì làm sao người ta có thể lấy làm vật trang trí được! Lúc bấy giờ, người dân Ailen đã di cư tới Hoa Kỳ để tránh nạn đói và ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Khi đó, người ta đã bắt đầu dùng những quả bí ngô, có giá bán hết sức rẻ và được trồng rất nhiều tại vùng đất Bắc Mỹ trù phú này.Và kể từ đó, truyền thống đã dẫn thay đổi và tục khắc bí đỏ bắt đầu thịnh hành cho đến ngày nay.

8. Phù thủy và trăng tròn trong ngày Halloween

img

Phù thủy là 1 trong những nhân vật trung tâm và luôn có mặt trong các kỳ nghỉ lễ Halloween trong lịch sử. Khi cử hành ngày lễ Halloween, các phù thủy thường cọ xát một loại thuốc mỡ mà họ cho là linh thiêng, có nguồn gốc từ thảo dược vào da của họ. Loại chất này sẽ gây ra ảo giác, cho họ cảm giác như đang bay trên bầu trời. Người ta cho rằng những phù thủy giàu thường sẽ cưỡi ngựa, trong khi phù thủy nghèo thường sẽ cưỡi chổi hoặc một cái sào để bay trên cầu trời.

Thông thường, trong các bộ phim hoặc tiểu thuyết thường vẽ lên hình ảnh một phù thủy bay trên bầu trời, phía trên là mặt trăng tròn sáng tỏ đêm Halloween. Tuy nhiên, đây chỉ là hình ảnh đầy màu sắc nhằm tăng thêm tính nghệ thuật cho phim hay truyện. Theo ước tính của các nhà khoa học, lần trăng tròn trùng với đêm Halloween gần đây nhất là hồi năm 2001 và trước đó nữa là vào năm 1955. Và chúng ta phải đợi ít nhất là tới năm 2020 mới có được một dịp tương tự.

9. Kẹo và cơ hội kinh doanh

img

Bạn có biết Halloween là 1 trong những cơ hội kinh doanh có tiềm năng nhất trong năm, chỉ xếp sau ngày lễ Giáng Sinh. Nhu cầu bánh kẹo, hoa quả những ngày cận Halloween tăng đột biến so với những tháng khác trong năm. Người ta ghi nhận tại Mỹ mỗi năm người ta tốn tổng cộng 2 tỷ đô la tiền kẹo để kỷ niệm ngày lễ này. Nếu tính riêng mảng tiêu thụ kẹo thì rõ ràng tại Mỹ, Halloween là ngày lễ "ngọt ngào" nhất trong năm, "ngọt" hơn cả Ngày lễ tình nhân của đôi lứa yêu nhau. Trên thực tế, lượng kẹo được bán nhiều nhất vào khoảng từ ngày 15/9 đến ngày 10/11 trong dịp Halloween.

10. Lễ Halloween cũng để lại những hậu quả đen tối cho thế giới thực

img

Tuy ngày nay, đây chỉ là một ngày lễ kỷ niệm nhằm phục vụ mục đích vui vẻ là chính, nhưng Halloween cũng có tồn tại những tác động tiêu cực tại nhiều nơi trên thế giới. Nguyên nhân chủ yếu là do đêm Halloween, trẻ em được cho phép đi lang thang khắp nơi và không chịu sự kiểm soát của người lớn nên chúng có thể lâm vào những tình huống nguy hiểm.

Theo các thống kê, tỷ lệ trẻ em bị tai nạn giao thông trong đêm Halloween tăng lên gần gấp đôi so với những ngày khác trong năm. Đó cũng chỉ là 1 trong số những mối nguy hiểm tiềm tàng mà việc vui chơi thiếu kiểm soát có thể gây ra cho con người.

Cuối cùng, chúng ta đã điểm qua 10 thông tin thú vị về ngày lễ hội đáng sợ nhưng vui vẻ Halloween. Thời khắc lễ hội Halloween cũng sắp đến gần, chúc các bạn có một đêm Halloween vui vẻ và an toàn. Bạn nào có hình ảnh hóa trang hoặc bày trí, tham gia lễ hội này thì cũng có thể post xuống bên dưới để mọi người cùng chung vui nhé. Chúc sợ ma!