Dân Việt

Nghi án CS đánh mù mắt thanh niên: Bệnh viện Nhân dân 115 "đẩy" bệnh nhân sang viện khác?

Quốc Ngọc 31/10/2014 19:18 GMT+7
Liên quan đến việc cấp cứu và điều trị cho anh Lê Thanh Hải, Báo Dân Việt đã nhận được thư tường trình của gia đình phản ánh các bác sĩ tại Bệnh viện Nhân Dân 115 đã không tích cực chữa trị cho anh Hải khiến thương tích của nạn nhân thêm trầm trọng. Bên cạnh đó, gia đình cũng cho biết Bệnh viện Mắt TP.HCM đã từ chối điều trị khi bệnh nhân được chuyển viện đến.

Viết thư gửi đến tòa soạn, ông Lê Văn Cử (54 tuổi, tạm trú Q.Tân Phú, TP.HCM) là cha của nạn nhân cho biết, vào rạng sáng 21.10, khoa cấp cứu Bệnh viện Nhân Dân 115 có chụp CT và khâu vết thương cho Lê Thanh Hải (22 tuổi). Sau đó, có một bác sĩ đến xem, nói mắt anh “có nguy cơ không nhìn thấy, có thấy cũng mờ mờ”.

img

Cha mẹ nạn nhân Lê Thanh Hải trình bày sự việc và tình trạng mắt của anh Hải. Ảnh: Quốc Ngọc

Tuy nhiên, một bác sĩ khác (dáng người mập) lại bảo gia đình đem về nhà chữa trị vì chỉ bị ngoài da thôi (?). Từ đó, các bác sĩ không can thiệp gì thêm cho đến 14h cùng ngày. Cũng vào thời điểm, tại khoa cấp cứu, bà Thân Thị Hồng (47 tuổi, mẹ nạn nhân) đã chứng kiến có 3 CSGT vẫy bác sĩ của khoa ra ngoài nói gì đó, rồi bỏ đi.

Bác sĩ nói kiểu “hai lời”?

Đến ngày 22.10, tại khoa răng hàm mặt - mắt, bác sĩ cho thuốc để Hải uống. Hôm sau, lúc 10h ngày 23.10, bác sĩ phó khoa Bùi Trung Dũng cho gia đình biết tình trạng bệnh nhân bị chấn thương đụng dập nhãn cầu, tổn thương thị thần kinh hậu cầu, vỡ xoang hàm… và hỏi gia đình có yêu cầu chuyển viện không? Đại diện gia đình trả lời do “đã nằm đây điều trị rồi ít nhiều gì bác sĩ, y tá cũng biết rõ bệnh” và “có hỏi bác sĩ Dũng có cách chữa trị tối đa cho bệnh nhân không”? Bác sĩ này tư vấn Bệnh viện Nhân Dân 115 không đủ thiết bị chữa trị, vượt quá khả năng chuyên môn của bệnh viện (?) và tiếp tục yêu cầu gia đình chuyển viện.

img

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy phim chụp tình trạng chấn thương mắt của Hải rất khó tiên lượng. Ảnh: Quốc Ngọc.

Một giờ sau, bác sĩ Dũng yêu cầu người nhà ký tên vào một biểu mẫu trống và giải thích tất cả bệnh nhân đều phải ký như vậy (?). Gia đình không chịu ký khống hồ sơ, yêu cầu bác sĩ Dũng thể hiện nội dung như đã tư vấn vào biểu mẫu, nhưng ông không đồng ý.

Cuối cùng, gia đình cũng phải nghe theo lời khuyên của bác sĩ Dũng chuyển viện cho Hải vì không muốn thấy người thân của mình nằm “cầm chừng” ở bệnh viện này nữa. Nhưng khi lập thủ tục, ông Dũng lại báo rằng bệnh viện vẫn chữa trị, do gia đình yêu cầu chuyển viện (?). Điều này gây bức xúc lớn đối với gia đình nạn nhân. Ngoài ra, trong hồ sơ thanh toán viện phí, giấy chuyển viện, bác sĩ này cũng ghi anh Hải bị chấn thương do tai nạn giao thông, mặc dù người nhà nói rõ bệnh nhân bị đánh.

Trong thư, ông Cử cho biết diễn biến tiếp theo, khoảng 15h ngày 23.10, xe của Bệnh viện Nhân Dân 115 chuyển Hải đến Bệnh viện Mắt TP.HCM. Bệnh viện này không tiếp nhận, gia đình lúng túng không biết đưa Hải đi đâu. Gia đình cho rằng, chính cách điều trị không tích cực và cách hành xử của các bệnh viện trên đã làm chấn thương của Hải thêm nặng?

Và cũng chính người nhà quyết định chuyển Hải đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, các bác sĩ đã tận tình cứu chữa bệnh nhân.

Chỉ được uống kháng sinh và giảm đau

Trao đổi với chúng tôi về nội dung phản ánh của gia đình, bác sĩ Nguyễn Đình Phú - Phó giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 - lại cho rằng, từ khi nhập viện, bệnh nhân được chăm sóc, khám bệnh, hội chẩn các chuyên khoa và xử trí thuốc đầy đủ.

Cụ thể, theo bệnh viện, Hải nhập viện lúc 3h8’ ngày 21.10, do 3 CSGT Q.3 đưa vào, trong tình trạng lừ đừ, đau đầu, mắt phải sưng, rách mi mắt, chảy máu từ trong mắt, độ cồn trong máu cao. Bệnh nhân được chích ngừa uốn ván, tiêm thuốc giảm đau, thuốc chống ói.

10h20’ cùng ngày, Hải được chuyển lên khoa tai mũi họng với chẩn đoán theo dõi vỡ xoang hàm phải, máu tụ xoang trán, vết thương mi mắt phải khoảng 2cm, theo dõi chấn thương nhãn cầu và tiếp tục cho uống thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau.

10h45; ngày 22.10, người bệnh được chuyển qua khoa răng hàm mặt - mắt tiếp tục điều trị, tăng cường thuốc kháng viêm.

Về phần mình, bác sĩ Bùi Trung Dũng cho biết đã giải thích và tư vấn với người nhà vào sáng 23.10 rằng Hải bị chấn thương đụng dập nhãn cầu, còn sưng, phù nề nên cần phải điều trị nội khoa, tiếp tục theo dõi và chưa thể chỉ định can thiệp phẫu thuật. Nếu gia đình đồng ý tiếp tục điều trị nội khoa tại bệnh viện thì các bác sĩ vẫn tận tình chăm sóc. Nếu gia đình muốn điều trị tiếp tại bệnh viện chuyên khoa thì sẽ cho chuyển.

img

Nạn nhân Lê Thanh Hải trả lời báo chí tại bệnh viện. Ảnh: Quốc Ngọc.

Về việc “ký vào biểu mẫu trống”, ông Dũng “có yêu cầu thân nhân ký vào phiếu tư vấn - giải thích là đã được nghe bác sĩ tư vấn chứ không phải ký vào phiếu có biểu mẫu trống” (?).

Bệnh viện vẫn khẳng định chuyển viện theo yêu cầu của gia đình. Bác sĩ Dũng đã sơ kết bệnh án và viết phiếu chuyển đến Bệnh viện Mắt TP.HCM lúc 14h59’ ngày 23.10 với mục đích chuyển viện “để được điều trị chuyên khoa sâu về bán phần sau và thần kinh nhãn khoa”.

Liên quan đến vụ việc, bác sĩ Bùi Thị Thu Hương - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Mắt TP.HCM, cho biết sẽ thẩm tra lại toàn bộ phản ánh của người nhà anh Hải.

Ngoài cơ quan CSĐT Công an Q.3 đang tiến hành điều tra vụ việc, Trung đoàn Cảnh sát cơ động TP.HCM cho biết đã chuyển đơn tố cáo “CSCĐ dùng dùi cui đánh vào mặt anh Hải” của ông Lê Văn Cử đến bộ phận Thanh tra của Trung đoàn thụ lý giải quyết. Cơ quan công an cũng đã tiến hành xác định tỷ lệ thương tật đối với anh Hải tại khoa mắt, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Thông tin mới nhất từ gia đình nạn nhân cho biết, hiện mắt phải của anh Hải vẫn không thể nhìn thấy vật gì. Mắt trái ngày càng mờ hơn. Đến bữa cơm, Hải không nhìn thấy thức ăn khi dọn ra, chỉ bằng động tác đưa tay tìm chén cơm, tô bún…

“Con tôi rất hoang mang vì sợ mù cả hai mắt và nhức đầu thường xuyên. Cháu khẩn thiết cầu cứu gia đình ba mẹ đừng để con mù cả đôi mắt, cố gắng trang trải lo cho con, biết rằng hiện nay ba mẹ và cả gia đình đều thương con và đang lo cho con, sau này con hết bệnh đi làm trả nợ cho ba mẹ”, ông Cử nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Thiếu Quân - Đại biểu HĐND TP.HCM - cho biết, vừa qua, rất băn khoăn vì nhiều trường hợp gây thương tích cho người khác do phòng vệ vượt quá giới hạn chính đáng (thí dụ đánh chết trộm cướp hay làm bị thương kẻ tấn công khi có xích mích) đều phạm luật hình sự và bị phạt tù, thậm chí bị phạt rất nặng. “Do vậy tôi cho rằng việc việc lạm quyền khi thi hành công vụ như trường hợp báo chí vừa nêu cần bị xử phạt nghiêm minh một cách tương ứng thì mới công bằng”, ông nói.

Cũng theo ông, gần đây có quá nhiều trường hợp cảnh sát truy đuổi quyết liệt và đánh gây thương tích nặng người vi phạm luật giao thông, hoặc công an đánh chết nghi phạm trong quá trình tạm giam tạm giữ dẫn đến bức xúc trong xã hội. Nhiều đại biểu quốc hội đã đem vấn đề này ra trước quốc hội yêu cầu các cơ quan chức năng trả lời và có các biện pháp đảm bảo quyền con người theo đúng hiến pháp pháp luật. Báo chí cùng công luận cần kiên trì phản ánh để khuyến khích các nhân chứng cùng cơ quan tư pháp bảo vệ công lý và cảnh báo ngăn ngừa các cá nhân lạm dụng quyền lực khi thi hành công vụ. Nếu các cơ quan công an và ảnh sát không nhanh chóng có những biện pháp phòng ngừa việc lạm quyền và dũng cảm xử lý kỷ luật những cá nhân vi phạm, thậm chí truy tố nếu gây hậu quả nghiêm trọng, thì sẽ dẫn đến sự mất niềm tin của nhân dân vào tính chính trực của các cơ quan công quyền và tình trạng manh động vi phạm pháp luật sẽ xảy ra ngày càng phổ biến.