Dân Việt

Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội: Giỏi tiêu tiền, yếu sản xuất

Lương Kết 01/11/2014 06:40 GMT+7
Ngày thứ hai thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm, vấn đề lãng phí gây thất thoát cho ngân sách nhà nước đã được các đại biểu (ĐB) Quốc hội đề cập tới với nhiều ưu tư, bức xúc.

Chưa xử lý tham nhũng nhà công vụ

ĐB Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, chỉ số tham nhũng trong lĩnh vực công của Việt Nam xếp thứ 116 trên tổng số 177 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu đánh giá theo thang điểm 10 như cách cho điểm trong ngành giáo dục thì Việt Nam chỉ đạt 3 điểm.

img Một góc khu nhà ở công vụ của khu công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau. Ảnh: TTXVN

Vấn đề tham nhũng biệt thự công, nhà công vụ được ĐB Tiến nhấn mạnh. "Chúng ta lên án và xử lý nghiêm khắc những cán bộ nhận lót tay vài trăm ngàn, vài triệu đồng nhưng từ trước đến nay ta chưa xử ai tham nhũng nhà công vụ trị giá nhiều tỷ đồng. Tôi tán thành với quan điểm cho rằng cán bộ quản lý là tài sản của quốc gia, cần có chính sách đãi ngộ đặc biệt tuy nhiên nhà công vụ cũng là tài sản quốc gia, không thể để tài sản quốc gia này chiếm đoạt tài sản quốc gia khác" - ĐB Tiến nói.

Tính đến tháng 9.2014, tổng quỹ nhà ở công vụ trên cả nước là hơn 1,6 triệu m2, trong đó có hàng trăm biệt thự công, hàng chục nghìn chung cư, gần 56 nghìn nhà ở liền kề… "Một bộ phận cán bộ sau khi thôi chức vụ quản lý đã tự cho mình quyền sử dụng nhà công vụ vĩnh viễn, biến biệt thự công thành tư, cho con cháu ở, hoặc cho thuê để hàng tháng hưởng khoản tiền trời cho. Có lẽ đã đến lúc nên nhận dạng và đưa vào Bộ luật Hình sự một tội danh tham nhũng mới, đó là tham nhũng nhà công vụ" - ĐB Tiến nêu quan điểm.

Trước vấn đề ĐB Lê Như Tiến nêu ra, bên hành lang Quốc hội ngày 31.10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: Đại đa số thực hiện đúng việc quản lý nhà công vụ dù vẫn có một số thực hiện chưa tốt như các ĐB Quốc hội đã nêu thì cần sớm được khắc phục. Việc sử dụng không đúng mục tiêu do pháp luật chưa quy định đầy đủ, cụ thể về đối tượng, giá thuê, thời hạn sử dụng… Cũng theo Bộ trưởng Xây dựng, hiện Bộ đang tiến hành thu hồi 20 nhà công vụ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ.

Lo với “3 cái hao”

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, 2 thập kỷ qua, cách phát triển kinh tế Việt Nam có “3 cái hao” chưa khắc phục được. Một là rất hao vốn, hai là rất hao ngoại tệ và 3 là rất hao tài nguyên môi trường. "Tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông là những nhân tai dai dẳng làm thiệt hại sức người, sức của rất lớn" - ĐB Nghĩa nêu. Cũng nói về những thất thoát, ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) bổ sung thêm: "Chỉ trong lĩnh vực tai nạn giao thông thì theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia mỗi năm chúng ta mất đi khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng, một con số rất lớn". Theo ĐB Phúc nếu giảm được những thất thoát lãng phí từ nhiều ngành, lĩnh vực thì Nhà nước đủ tiền để giải quyết tiền lương, giải quyết rất nhiều các vấn đề chính sách xã hội. "Chỉ riêng Bộ Giao thông -Vận tải, điều chỉnh một số công trình đã tiết kiệm được 35 ngàn tỷ đồng. Vậy cộng rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nếu chúng ta điều chỉnh lại, tính toán lại tiết kiệm thì nguồn đó to lớn thế nào" - ĐB Phúc dẫn chứng.

ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) nhìn nhận: Với kế hoạch 5 năm nếu chúng ta nhìn lại thì 11 chỉ tiêu về tiêu tiền thì chúng ta đạt, còn 7 chỉ tiêu về sản xuất làm ra tiền thì chúng ta không đạt. "Ở đây chúng ta phải nhìn nhận với nhau là trong bối cảnh nền kinh tế đang khó như thế mà chúng ta cứ đưa ra những chỉ tiêu để tiêu tiền để đảm bảo các thứ khác, liệu chúng ta có nuôi được nguồn thu cho ngân sách nhà nước không, hay đấy là một trong những nguyên nhân làm cho nợ công của chúng ta tăng lên?" - ĐB Kiên băn khoăn.

Nhìn nhận sự lãng phí từ quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đánh giá, rất nhiều mỏ khai thác ở nhiều nơi như khai thác titan, khoáng sản ở các địa bản gần biển miền Trung và Tây Nguyên không quản lý được và họ đã trốn thuế. "Chính phủ cần khảo sát toàn bộ các mỏ quặng trong cả nước để quản lý chặt chẽ, không để các công ty trong nước và nước ngoài khai thác một cách tràn lan, trái phép, buôn lậu khoáng sản trôi nổi, tàn phá mạnh mẽ môi trường như hiện nay mà chúng ta không thu được thuế" - ĐB Thuyền kiến nghị.

Để tránh lãng phí, thất thoát cho ngân sách, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) kiến nghị: Phải chống thất thu, gian lận chiếm đoạt thuế giá trị gia tăng được. Thủ tướng Chính phủ cần ra chỉ thị giảm 5-10% hội thảo, hội nghị của các cơ quan, giảm lượng cán bộ, công chức đi nước ngoài, nguồn cắt giảm này cũng được vài chục ngàn tỷ đồng cho ngân sách.

   ĐB Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa): Theo báo cáo thống kê tỷ lệ thất nghiệp của cả nước chúng ta là 1,84%. Đây là một phương pháp tính  hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Cách tính này lại hoàn toàn không phù hợp với đặc điểm thị trường lao động của nước ta 70% lao động khu vực phi chính thức; trong đó 47% là khu vực nông nghiệp bán thời gian làm việc không trọn ngày, không trọn tháng và năng suất lao động rất thấp, tỷ lệ thất nghiệp này không phản ánh được thực chất đặc điểm thị trường lao động của Việt Nam.
ĐBQH Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh):“Cảnh giác với mộng Trung Hoa”
img 

Chúng ta vừa qua cơn hồi hộp đến mức độ thót tim, hoạ vô đơn chí ở trên biển, rồi tình hình kinh tế thế giới suy thoái mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế nước ta. Hiện tượng giàn khoan Hải Dương 981, cùng với chuyện nợ công ngoại kích đã đe dọa đến hòa bình, ổn định và phát triển của đất nước làm cho kinh tế nước ta đã khó càng khó hơn. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và cùng cả hệ thống chính trị chúng ta đã thoát khỏi vòng luân hồi đó. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đã hoàn thành, kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát được kiểm soát, an ninh, quốc phòng được giữ vững, ngoại giao được khẳng định mạnh trên quốc tế…

Theo triết lý nhà Phật, rủi ro, thách thức cũng khẳng định một mặt của sự vận động và phát triển. Để khẳng định, để khắc phục mạnh hơn nữa thì chúng ta phải đặc biệt phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới. Trước hết là đoàn kết trong Đảng, trong Quốc hội để lan tỏa khắp muôn dân, giàn khoan Hải Dương 981 là xấu, nhưng ta đã phát lên một sức mạnh tổng hợp của việc đoàn kết toàn dân. Các cử tri cho rằng Đảng, Chính phủ, Quốc hội cùng họp Hội nghị Diên Hồng này để bàn việc nước chắc chắn sẽ không thể mất một tấc đất, tấc biển của Tổ quốc. 

...Mộng Trung Hoa là bình thiên hạ, đó là triết lý ngàn xưa của họ. Chúng ta phải tự cảnh giác, không nên nhẹ dạ cả tin, không được mang "trái tim lầm chỗ để trên đầu" để rồi "nỏ thần vô ý trao tay giặc", "yêu nhau thì cứ rào giậu cho thật kỹ", đừng để đối phương đánh lạc hướng, nước lớn toàn chơi mẹo vặt. Việc này Phật giáo chúng tôi rất hiểu, cha ông ta đã cho xây dựng đền, đình, chùa, miếu mạo ở các vùng biên giới, hải đảo, cử những chức sắc tôn giáo có tư tưởng yêu nước ra đó trụ trì giữ dân, giữ nước, giữ đạo, hiện nay cũng vậy. 

Hải Phong lược (ghi)

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM):“Cần đối sách khéo về thương mại”
img 

Bên cạnh chủ đề nợ công, tôi đang rất lo lắng về việc nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế còn lệ thuộc vào Trung Quốc.

Lệ thuộc ở đây theo nghĩa muốn dứt ra mà không dứt được, biết không tốt, không hay mà vẫn phải tiếp tục. Điều này diễn ra trên nhiều lĩnh vực như xuất nhập khẩu, nguyên vật liệu, phụ liệu, khai thác khoang sản, nhân công, hàng tiêu dùng, đấu thầu… Tôi đã chất vấn Chính phủ về việc liệu Việt Nam có phụ thuộc vào tài chính của Trung Quốc không. Câu trả lời là không đáng kể. Tại sao Việt Nam có nhiều thế mạnh nhưng kinh tế vẫn phải lệ thuộc bấy lâu nay. Một nước có tiềm năng nông nghiệp nhưng lại phải nhập khẩu nông sản của Trung Quốc. Tại sao thương lái Trung Quốc có thể sang tận Việt Nam thu mua nông sản? Hiện  nhà máy Samsung của Hàn Quốc xuất khẩu 23 tỷ USD mỗi năm, song chỉ sử dụng 70 lao động người nước này. Trong khi đó, tại Việt Nam hiện có 23.000 lao động Trung Quốc nhưng không rõ giá trị tạo được là bao nhiêu. Tôi cho rằng, Việt Nam cần xem lại mình, có đối sách khôn khéo trong xử lý mối quan hệ thương mại với Trung Quốc, đồng thời đa dạng hóa, đa phương hóa các đối tác và tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.

Hải Minh (ghi)