Ông Hiệu cho biết: Tôi tham gia khảo sát hang Sơn Đoòng trong thời gian 1 tuần vào tháng 3.2010 với tư cách là người phụ trách nhóm nghiên cứu phía Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu hang động giữa khoa Địa lý, Trường ĐH Khoa học tự nhiên với Hội Nghiên cứu hang động Anh do ông Howard Limbert phụ trách. Tổng cộng 46 người vào hang Sơn Đoòng từ sáng sớm ngày 11.3.2010.
Ông đánh giá thế nào về giá trị của di sản này kể cả về cảnh quan thiên nhiên và địa chất, địa mạo?
- Hang Sơn Đoòng thực sự đặc biệt, to lớn, độc đáo, đúng là một kiệt tác của tự nhiên. Hang Sơn Đoòng độc đáo và có giá trị quan trọng bởi nó bổ sung cho sơ đồ hệ thống hang Phong Nha, kết nối khoảng trống lớn giữa các hang Én, hang Khe Ry, hang Toong với hang Phong Nha, hang Tối ở phía bắc. Hang cũng là một điển hình cho một hang karst phát triển theo một đứt gãy lớn với những nét độc đáo được tạo ra bởi sự giao cắt giữa các đứt gãy kiến tạo theo các phương khác nhau. Các di tích đốt thân huệ biển, hóa thạch san hô 4 tia đơn thể với kích thước hóa thạch khá lớn (đường kính đến 3 - 4cm), gặp cả bên vách hang lẫn trần hang. Nó còn chứa những bằng chứng rõ ràng về lịch sử phát triển của mình nói riêng, cho hệ thống hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng nói chung.
Ngoài ra, hang còn có giá trị bởi sự phát triển của các khối nhũ có kích thước to lớn, độc đáo, đặc biệt là bức tường nhũ cao tới 80m (Great Wall of Vietnam) ở gần cửa phía bắc. Hai hố sụt tự nhiên cùng thảm thực vật nguyên sinh với các cây cao 20-30m và tầng thảm mục dày hàng mét (ở hố sụt thứ 2) được kết hợp với thứ ánh sáng huyền ảo khúc xạ qua tầng không khí đầy hơi ẩm đã tạo nên những cảnh quan tuyệt vời của Sơn Đoòng...
Theo ông, địa hình địa chất của hang Sơn Đoòng có phù hợp và có khả năng chịu được việc xây dựng tuyến cáp treo tại đây như ý định của UBND tỉnh Quảng Bình và Tập đoàn Sun Group?
Việc xây dựng trạm cáp treo ở khu vực hố sụt 2 thì càng nguy hiểm, bởi đây là vị trí giao cắt của một đứt gãy phương tây bắc-đông nam với đứt gãy chính mà hang Sơn Đoòng phát triển dọc theo, tạo thành một nơi có kết cấu địa chất rất yếu. Cũng chính kết cấu yếu đó đã tạo ra hố sụt hai với kích thước lớn như vậy. Các rung chấn kiến tạo dọc theo các hệ thống đứt gãy cũng là những ẩn họa đối với các công trình xây dựng.
Theo hiểu biết của ông, trên thế giới, với những hang động có cấu tạo địa chất tương tự như hang Sơn Đoòng, họ có cho phép xây dựng hệ thống cáp treo hay không?
- Du lịch hang động, theo đúng nghĩa là phải khám phá, chiêm ngưỡng những giá trị tự nhiên và khoa học độc đáo, được trải nghiệm, được mạo hiểm và đắm mình trong không gian u tịch của nơi ẩn sâu trong lòng đất. Mà như thế, dĩ nhiên, không đâu xây cáp treo để cho những người có niềm say mê thực sự với loại hình du lịch này đến ngắm hang rồi về cả.
Với hang Sơn Đoòng, muốn chiêm ngưỡng được sự kỳ vĩ và độc đáo của nó thì phải đi xuyên trong hang, chứ chỉ nhìn ngắm ở bên ngoài hay một chút ở chỗ vị trí hố sụt thì thực sự chỉ làm thỏa mãn một nhu cầu là "mình đã từng có mặt ở hang Sơn Đoòng - hang lớn nhất thế giới" mà thôi.
Với tư cách là một chuyên gia về lĩnh vực địa lý, xin ông đưa ra lời khuyên trong cách ứng xử với hang Sơn Đoòng, làm thế nào để di sản này bớt chịu tác động xấu nhất từ con người?
- Theo tôi cần trân trọng và giữ gìn những giá trị tự nhiên của hang mà phải mất hàng triệu năm phát triển mới hình thành nên được. Hãy dành nó cho những người đam mê khám phá hang động và những nhà nghiên cứu khoa học, và đến đó nhưng không được "để lại dấu vết".
Chúng ta có thể quay những thước phim đẹp nhất, chụp những ảnh đẹp nhất và có thể mô phỏng nó ở quy mô nhỏ hơn để cho những người không có điều kiện (tiền bạc, sức khỏe) đến được đó thì cũng có thể tự mình chiêm ngưỡng, để có thể giới thiệu được nhiều hơn tới bạn bè quốc tế, đặc biệt là để lưu giữ lại những hình ảnh của nó cho hậu thế. Thêm vào đó, cần đa dạng hóa các loại hình du lịch hang động và mở thêm các tour du lịch tới các hang khác để giảm áp lực cho Sơn Đoòng.
Xin cảm ơn ông!