Dân Việt

Tìm kiếm đồng đội trên đoàn tàu không số

Bảo Linh 01/11/2014 14:01 GMT+7
Một người dân tình cờ phát hiện bộ hài cốt trong một con tàu và mang chôn nơi cồn cát. Hài cốt đó nhanh chóng được xác định là liệt sĩ đoàn tàu không số Nguyễn Văn Koỏng, dù trước đó bao cuộc tìm kiếm vẫn vô vọng.

Giữa tháng 10.2014, gia đình liệt sĩ Koỏng ở phường Đông Hải 2 (quận Hải An, TP.Hải Phòng) đã đón anh trở về với đất mẹ trong niềm xúc động nghẹn ngào.

Linh tính đồng đội

Ông Trần Văn Ngợi, ở thôn Bến Bính, xã Tân Dương (huyện Thủy Nguyên) làm nghề tìm kiếm phế liệu sắt thép ở đáy sông, lòng biển. Đầu năm 2006, ông tình cờ phát hiện một con tàu đắm tại luồng vào cảng Hải Phòng. Khi cắt tàu để trục vớt từng phần bán sắt vụn, ông Ngợi phát hiện trong tàu có bộ hài cốt. Gia đình ông đưa hài cốt vào tiểu sành rồi an táng tại một cồn cát phía đảo Cát Hải (cồn Trương).

img Quân chủng Hải quân và gia đình tổ chức cất bốc hài cốt liệt sĩ tại cồn Trương. Ảnh: Bảo Linh

Vì không biết hài cốt là ai, lại an táng nơi cồn cát mà khi thủy triều lên cao, cồn ngập sâu dưới nước đến vài mét nên ông Ngợi luôn băn khoăn. Có lần ông tình cờ nói ra sự việc và những tâm tư luôn canh cánh bên lòng. Ông Nguyễn Đức Hựu, hội viên Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển khi nghe câu chuyện và đặc điểm nhận dạng con tàu thấy rất giống loại tàu vận tải của Lữ đoàn 125 khi xưa và linh tính hài cốt đó có thể là của đồng đội đã hy sinh.

Ông Hựu trao đổi thông tin với đại diện Ban liên lạc hội. Thông tin được báo cáo về Quân chủng Hải quân. Ngay lập tức, cán bộ quân chủng tra cứu và khẳng định tàu mà ông Ngợi trục vớt là loại tàu vận tải của Lữ đoàn 125, chính là tàu T68, bị đắm ngày 25.2.1969 tại cửa biển Hải Phòng khi đang trên đường vận chuyển hàng vào Khu 4 trong chiến dịch VT5 năm 1969.

Ông Phạm Văn Bát - nguyên là Chính trị viên tàu T68, năm nay đã 80 tuổi nhớ lại: "Ngày 25.2, tàu hành quân từ Hải Phòng vào chiến trường miền Nam mang theo khá nhiều hàng hóa gồm sắt thép, giấy dầu, quân nhu, quân trang... Do thực hiện nhiệm vụ bí mật nên tàu cải dạng thành tàu hàng dân sự. Khi tàu hành trình đến phao số 8 cửa biển Hải Phòng, lúc chuyển hướng thì bất ngờ bị lật và chìm. Anh em trên tàu lúc đó may mắn được tàu đi sau ứng cứu".

Trên tàu lúc đó chỉ còn chiến sĩ báo vụ Nguyễn Văn Koỏng đang làm nhiệm vụ trong hầm tàu. Khi tàu lật, cửa lối ra của hầm báo vụ bị ép xuống đáy biển nên không có cách nào thoát ra được. "Biết là còn đồng đội trong tàu mà không thể cứu được, chúng tôi đau xót vô cùng"- ông Phạm Văn Bát nghẹn ngào. Trong trí nhớ của ông Bát, liệt sĩ Koỏng khi đó là chiến sĩ trẻ nhất tàu vừa tròn 22 tuổi, dáng nhỏ nhắn, thư sinh lại hay ca hát nên cả tàu ai cũng quý mến.

Lật giở lại hồ sơ thì liệt sĩ Nguyễn Văn Koỏng sinh năm 1947, ở xã Đông Hải, huyện An Hải, nay là tổ dân phố Hạ Đoạn 4, phường Đông Hải 2, quận Hải An. Ông nhập ngũ tháng 9.1965, được biên chế vào đơn vị tàu T68, Đoàn 125 Hải quân (Đoàn tàu không số) làm nhiệm vụ vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam.

Làm hết sức để tìm lại đồng đội

Ngay sau đó, Quân chủng Hải quân tổ chức tìm kiếm thi hài liệt sĩ Koỏng, trục vớt tàu T68 nhưng không đạt kết quả do phương tiện cứu hộ lúc đó chưa cho phép. Sau này, do ảnh hưởng của thủy triều, bão gió, dòng chảy của sông, biển nên con tàu bị đắm không còn ở vị trí cũ mà trôi dạt đến vị trí khác.

Bẵng đi bao năm, khi nhận được tin từ ông Ngợi, ông Hữu, quân chủng lại tổ chức việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Koỏng nhưng không thành công. Đại tá Nguyễn Kiều Kinh - Trưởng phòng Chính sách Quân chủng Hải quân cho biết, lý do là theo chỉ dẫn của ông Trần Văn Ngợi, hài cốt an táng tại cồn Trương. Tại thời điểm an táng có đánh dấu song qua thời gian, ảnh hưởng của triều cường, bão gió, khi trở lại cồn Trương, ông Ngợi không xác định được vị trí khi an táng. Quân chủng Hải quân cho lực lượng tìm kiếm, săm, thuốn khu vực theo chỉ dẫn, mô tả nhưng không tìm thấy. Cồn Trương vào lúc thủy triều cạn nhất cũng chỉ nhô lên khỏi mặt nước khoảng 20cm, bình thường cồn ngập sâu, thậm chí vào đỉnh triều cường cao nhất ngập dưới mực nước biển 2,7-3m.

Một chiều đầu tháng 10.2014, ông Trần Văn Ngợi- lúc này vẫn canh cánh vì đã để thất lạc hài cốt liệt sĩ- đi qua cồn Trương. Ông quyết định cho thuyền dừng lại và lội vào cồn tiếp tục tìm kiếm. Thật may mắn, ông phát hiện ra nắp chiếc tiểu sành ngày xưa mình đã cho hài cốt vào an táng nổi lập lờ ở ngay mép nước. Thông tin được báo về Quân chủng Hải quân, quân chủng lập tức chỉ đạo các cơ quan liên quan chuẩn bị sẵn sàng, phối hợp cùng gia đình, chính quyền địa phương tổ chức trang trọng việc di chuyển hài cốt, trao cho gia đình.

Ngày 13.10, hài cốt liệt sĩ được đưa trở về trao cho gia đình tại phường Đông Hải 2 trong sự xúc động nghẹn ngào của người thân, dòng tộc cùng bà con lối xóm và đông đảo đồng đội là những cán bộ chiến sĩ đoàn tàu không số năm xưa. Ngày về đất mẹ của liệt sĩ Koỏng khiến mọi người đều xúc động bởi ý nghĩ không ai, không điều gì có thể bị lãng quên. Điều này càng trở lên vô cùng có ý nghĩa khi liệt sĩ “về đất mẹ” đúng vào dịp kỷ niệm 53 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23.10.1961 - 23.10.2014).

Anh Nguyễn Văn Tuyên, cháu gọi liệt sĩ Koỏng là chú ruột, đang thờ cúng liệt sĩ cho biết: Liệt sĩ Nguyễn Văn Koỏng là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh chị em. Cha mẹ mất sớm. Năm 1968, 1969, ông Koỏng và em út Nguyễn Văn Tân hy sinh, sau đó người chị gái cũng mất. Ông Nguyễn Quang Trấn là anh trưởng đến nay cũng đã qua đời. Hiện gia đình cũng chưa tìm được hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Tân. Tháng 7.2014, cụ Nguyễn Thị Đẳm, mẹ liệt sĩ Koỏng được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.