Dân Việt

20 năm Bảo tồn phát huy bền vững giá trị di sản vịnh Hạ Long

Hoàng Anh Tuấn 01/11/2014 13:57 GMT+7
Trong khuôn khổ dịp kỷ niệm 20 năm vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (17.12.1994-17.12.2014), ngày 1.11, tại TP. Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội thảo “Bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long”.

Vịnh Hạ Long - một vùng biển đảo rộng lớn với diện tích 1.553 km2, bao gồm 1969 hòn đảo, nơi đây có cảnh quan thiên nhiên độc đáo, tuyệt mỹ, chứa đựng các giá trị văn hóa lịch sử, đa dạng sinh học và đặc biệt là giá trị nổi bật toàn cầu về thẩm mỹ và địa chất, địa mạo.

Với những giá trị đó, năm 1994, vịnh Hạ Long được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới bởi giá trị ngoại hạng toàn cầu về cảnh quan tự nhiên.

Hội thảo “Bảo tồn, phát huy bền vững gía trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long” được tổ chức nhằm đánh giá kết quả bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Hạ Long.

img

Các đại biểu tham buổi thảo luận bảo tồn, phát huy bền vững giá trị các di sản.

Tại hội thảo, các đại biểu là giáo sư, tiến sỹ nghiên cứu về di sản và đại diện Unesco đã trao đổi những kinh nghiệm, đưa ra những giải pháp giải quyết các vấn đề còn tồn tại, hạn chế nhằm từng bước nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy bền vững giá trị các di sản thế giới tại Việt Nam nói chung và Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long nói riêng.


Bà Vũ Thị Thu Thuỷ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trong 20 năm qua những chiến lược, chương trình, kế hoạch về bảo tồn, phát huy giá trị di sản đã và đang được triển khai tích cực. Qua đó, các giá trị đặc biệt, độc đáo của vịnh Hạ Long được gìn giữ, bảo tồn tốt. Những tiềm năng, thế mạnh của vịnh Hạ Long đã được phát huy, đem lại những thay đổi tích cực trong phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Theo giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng di sản văn hoá quốc gia thì di sản vịnh Hạ Long đã mang lại mặt lợi ích về kinh tế - xã hội qua hoạt động du lịch.

Tuy nhiên, vận hành khai thác này cũng để lại những tác động tiêu cực đến di sản cả về mặt cơ học, hoá học, môi trường văn hóa, cảnh quan và sinh thái của khu vực di sản. Chính vì vậy, việc phát huy giá trị di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới phải được kiểm soát, phải xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý du lịch bền vững; trong đó phải có dự báo lượng khách du lịch, nghiên cứu những tác động từ khách du lịch, khả năng có thể đón tiếp du khách của khu di sản, quản lý, điều phối lượt khách tham quan và kế hoạch tạo công ăn việc làm, cộng đồng trách nhiệm giữa đơn vị chức năng và cộng đồng sở tại.

Về vấn đề “Quản lý bền vững các khu di sản thế giới ở Việt Nam, định hướng và kế hoạch hành động”, ông Nguyễn Viết Cường, Phó Trưởng phòng Quản lý di tích, Cục Di sản văn hoá cho rằng: Quảng Ninh cần tiếp tục triển khai quy hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản giai đoạn 2010-2020, trong đó có khu vực Vịnh Hạ Long gắn với việc sắp xếp nhà bè trên Vịnh và tái định cư trên đất liền, ổn định nghề nghiệp; bố trí các điểm nuôi trồng thuỷ sản cho các hộ nhu cầu, tăng cường công tác tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức, giáo dục cộng đồng tham gia bảo vệ di sản bằng nhiều thức khác nhau, tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn kinh phí, kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực quản lý di sản mà Việt Nam còn yếu và thiếu.