Dân Việt

Bánh xèo Hòa Ninh

02/11/2014 06:32 GMT+7
Bánh chỉ có bột, với màu đỏ nâu nhạt, điểm chút xanh của lá nén (hành tăm), lá hẹ đã được xắt nhỏ. Những món ăn kèm cũng chỉ gồm giá đỗ, hoặc thêm rau xà lách, rau thơm và nước chấm. Thoạt nhìn, bánh xèo Hòa Ninh (Quảng Hòa) chẳng có gì đặc biệt để hấp dẫn thực khách. Nhưng chính cái dân dã, mộc mạc ấy lại làm nên hương vị riêng của bánh xèo Hòa Ninh.
Làm nên hương vị riêng của bánh xèo, đầu tiên phải kể đến nguyên liệu làm ra chiếc bánh này. Theo những người làm bánh lâu năm, gạo để làm bánh phải là gạo mành của vùng đất nằm bên bờ Bắc sông Gianh và với món bánh xèo Hòa Ninh, nguyên liệu này không thể thay thế.
img Bánh xèo Quảng Hòa là món quà quê không thể thiếu ở mỗi phiên chợ Mới (Quảng Minh, TX. Ba Đồn).
Bánh ngon hơn khi được tráng bằng mỡ heo. Chiếc chảo nhỏ tráng qua một lớp mỡ rất mỏng, người làm bánh múc một muôi bột đã có sẵn lá hẹ, lá nén xắt nhỏ đổ vào. Bánh nổi những bọt khí tạo nên muôn vàn các lỗ nhỏ li ti, chừng chưa đầy 1 phút là bánh chín. Bánh được đổ ra thúng đã lót sẵn lá chuối. Xong xuôi, các mẹ, các o hàng bánh thường dùng lá sen (hoặc lá chuối) đậy trên những thúng bánh để ủ cho bánh giữ được độ nóng lâu và có hương thơm dịu nhẹ.

Cách ăn bánh xèo cũng khá giản đơn. Lấy chiếc bánh xèo, cuộn giá đỗ đã được chần qua nước sôi (hoặc có thể kèm rau sống), nhúng vào nước chấm được pha chế từ nước mắm, chanh, gừng, tỏi, ớt là bạn đã có thể thưởng thức rồi. Bánh xèo Hòa Ninh ngon phải là bánh còn nóng, mềm, có vị ngọt, bùi của gạo mành, béo ngậy của mỡ heo quyện cùng hương thơm dịu của bột gạo, hành và phảng phất mùi lá sen, lá chuối.

Ở Quảng Bình, bánh xèo làm từ gạo mành đỏ được xem là đặc sản riêng có của vùng Nam huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn).  Để thưởng thức bánh xèo theo cách đặc trưng của vùng đất này, bạn có thể ghé chợ Mới Minh Lệ (Quảng Minh) vào buổi sáng, và đến chợ Trường (Quảng Hòa) vào mỗi buổi chiều. Riêng với người quê xa xứ, mỗi lần nhắc đến, họ chỉ ước ao được sà vào hàng bánh, thỏa thích thưởng thức như những đứa trẻ con, để tìm lại mình của những ngày ấu thơ líu ríu chân theo mẹ đi chợ.