Dân Việt

Những vụ biến thành "xe điên" vì đạp nhầm chân ga

02/11/2014 19:22 GMT+7
Nhiều vụ tai nạn liên hoàn gây ra những hậu quả nghiêm trọng có nguyên nhân từ việc tài xế ô tô đạp nhầm chân phanh thành chân ga, bất kể tài xế mới lái hay đã có kinh nghiệm lâu năm.

Công an huyện Ea H’leo (Đăk Lăk) ngày 31.10 đã khởi tố Lưu Thị Thanh Tuyền (ngụ thị trấn Ea Đrăng) về hành vi Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tuyền là người cầm lái chiếc ôtô 7 chỗ lao vào đám đông ở chợ thị trấn Ea Đ’răng gần hai tuần trước khiến 2 người chết và 8 người bị thương.

Cô gái 26 tuổi thừa nhận vừa lấy bằng lái được vài ngày nên khi gặp tình huống đã xử lý không kịp. Tuyền cho biết trước khi gây ra vụ tai nạn cũng có tổ chức ăn uống với một số người bạn nhưng chưa đến nỗi say xỉn.

"Đến trưa hôm sau Tuyền mới ra trình diện nên không thể xác định được nghi can lái xe trong tình trạng có nồng độ cồn hay không. Do Tuyền đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên được tại ngoại", một cán bộ điều tra cho hay.

img

Tuyền bày tỏ sự ân hận trước hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã gây ra. Ảnh: Kh.Uyên

Trước đó, khoảng 13h ngày 20.10, Tuyền cùng 3 người bạn rủ nhau đi chơi nhân ngày Phụ nữ Việt Nam. Sau đó, cả nhóm vào quán nhậu gần thị trấn ăn uống, đến khoảng 15h30 thì tàn cuộc.

Tuyền được giao cầm lái chiếc xe của người bạn trong nhóm để về nhà. Đến địa bàn chợ thị trấn Ea Đ’răng, Tuyền đã thấy dòng người khá đông.

"Để tránh xe máy chạy phía trước, tôi đã đạp phanh nhưng lại nhầm sang chân ga làm xe lao vụt đi. Tôi lách tay lái thì xe leo lên lề bên trái đâm vào một cửa hàng bán trái cây và một quầy bán nước mía cùng mấy chiếc xe máy dựng trên vỉa hè", Tuyền khai khi ra trình diện, nước mắt không ngừng tuôn.

"Quá hoảng loạn, tôi vội đánh tay lái sang phải khiến xe leo lên vỉa hè, sau đó lao xuống lòng đường đâm tiếp vào một xe máy đang chạy phía trước thì mới chịu dừng lại", nữ tài xế vừa nhận bằng 2 ngày cho biết thêm.

Tai nạn đã làm bà Phạm Thị Len (63 tuổi, vừa từ Nam Định vào thăm người thân) đứng bán trái cây cho con và bé Quách Thị Bảo Trân (3 tháng tuổi, đang được người nhà bế ngồi chơi trên vỉa hè) chết tại chỗ. Ngoài ra còn có 8 người khác bị thương, trong đó có 4 người bị thương nặng.

Hơn một năm trước, cuối tháng 3.2013, ông Lê Tôn Thanh (57 tuổi), Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM lái ôtô 7 chỗ đến giao lộ Lý Tự Trọng - Thủ Khoa Huân (quận 1) thì tông vào hông 2 taxi chạy cùng chiều phía trước. Tài xế Thanh tiếp tục nhấn ga để chiếc Toyota Fortuner tiếp tục tông mạnh vào ôtô 7 chỗ khác rồi đổi hướng sang làn đường xe hai bánh, cán 2 xe tay ga.

Vượt qua giao lộ, xe "điên" leo lên vỉa hè ủi gãy hai trụ biển báo trên đường Lý Tự Trọng rồi phóng xuống lòng đường. Chạy tới giao lộ Lý Tự Trọng - Nguyễn Trung Trực, cách hiện trường vụ tai nạn hơn 200 m, tài xế mới dừng lại sau khi ủi thêm một chiếc Camry. 

Sau tai nạn, ông Thanh bị Đội CSGT quận 1 xử phạt 5 triệu đồng về các lỗi vượt xe trái quy định và có nồng độ cồn trong người. Ngoài ra, ông này còn bị tước giấy phép lái xe 60 ngày và tạm giữ chiếc Fortuner 7 chỗ gây tai nạn trong 10 ngày. Ngoài ra, Phó giám đốc Thanh bị buộc bồi thường gần 50 triệu đồng là chi phí sửa chữa 2 taxi, xe máy; tiền thuốc men cho người bị thương và khắc phục sửa chữa 2 biển báo giao thông.

img

Các xe nằm la liệt trên đường Lý Tự Trọng (quận 1, TP.HCM) sau khi bị ôtô do Phó giám đốc sở gây ra. Ảnh: An Nhơn

Nghiêm trọng hơn là vụ tai nạn kinh hoàng do chiếc ôtô của bác sĩ Trần Anh Huy (42 tuổi) gây ra trên đường Lý Thái Tổ (quận 10, TP.HCM) khiến 2 người chết và 15 người bị thương cách nay 3 năm. Chiều một ngày tháng 10, bác sĩ Huy lái ô tô 4 chỗ từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 ra đã đâm vào 3 ôtô và lao đi với tốc độ nhanh, húc 12 xe máy đang dừng đèn đỏ ở ngã tư Lý Thái Tổ - Sư Vạn Hạnh (quận 10). Tai nạn khiến 12 xe máy bị nát, trong đó có 2 xe tay ga bốc cháy cùng với số người chết và bị thương nằm la liệt.

Sau khi gây tai nạn hàng loạt ở ngã tư, ôtô tiếp tục lao thêm quãng đường gần 400 m với vận tốc rất cao. Ô tô "điên" đã dừng lại ở khu vực vòng xoay Lý Thái Tổ, nơi có mật độ xe dày đặc. Sau khi dừng xe, tài xế bỏ chạy khỏi hiện trường rồi đến công an phường tự thú. Ô tô gây tai nạn bị bể túi khí, phần đầu bẹp rúm.

Tại phiên xử tháng 6.2013, đại diện của cơ quan giám định Phân viện khoa học hình sự Bộ Công an cũng như đại diện của hãng Toyota cho rằng, chiếc xe ông Huy lái "hoàn toàn không có lỗi về yếu tố kỹ thuật, phanh không hư, hệ thống điện vẫn đảm bảo an toàn". Bị cáo Huy đã thừa nhận nguyên nhân gây tai nạn do sau khi va chạm với chiếc xe cùng chiều đã đạp nhầm chân phanh với chân ga làm ôtô lao đi trong tình trạng mất kiểm soát, đâm liên hoàn.

Tòa án đã tuyên phạt bị cáo Trần Anh Huy mức án 7 năm tù về tội Vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ. Ngoài số tiền lớn đã bồi thường trước đó cho các nạn nhân, bị cáo còn phải bù đắp tiếp 300 triệu đồng cho 3 gia đình còn lại.

img

Hàng loạt xe máy nằm la liệt trên đường Lý Thái Tổ sau khi ôtô do bác sĩ Huy gây ra. Ảnh: An Nhơn

Một vụ tai nạn khác cũng do lỗi của tài xế nhầm "chân đạp phanh thành chân ga" xảy ra vào tháng 3.2010 tại Hà Nội. Theo đó, chiếc Ford Mondeo do tài xế Lê Văn Mạnh (66 tuổi), chạy trên đường Xuân Thủy, khi đến đến cổng ĐH Quốc gia Hà Nội bất ngờ tăng tốc, đâm liên tiếp vào các phương tiện đi cùng chiều. Xế hộp chỉ dừng lại khi lao vào cây bên đường.

Trên đoạn đường khoảng 200 mét, chiếc Ford Mondeo đã đâm, va quệt 7 xe máy và 14 xe đạp. Khoảng 20 người bị thương, trong đó có 3 người bị thương nặng phải vào viện 19-8. Có nhiều kinh nghiệm lái ôtô nhưng đây là lần đầu tài xế Mạnh sử dụng xe số tự động, lại đạp nhầm chân ga thay vì đạp phanh nên không làm chủ được tốc độ gây ra tai nạn nghiêm trọng.

Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ
  1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
    a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
    b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;
    c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
    d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
    đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
  3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
  4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
  5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.