Ca trực cuối cùng nhòe trong nước mắt
Chiều 31.10, thượng tá Lê Đức Đoàn (sinh năm 1959, là chiến sĩ Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội), người từng vinh dự được trao danh hiệu Công dân ưu tú thủ đô Hà Nội, người được nhiều người dân ưu ái gọi với cái tên thân mật là "bác Đoàn" có buổi làm việc cuối cùng trước khi về hưu. Vẫn như mọi ngày, vị thượng tá của Đội CSGT số 1 lại chỉnh tề chuẩn bị cảnh phục để đứng chốt phân luồng giao thông ở phía đầu cầu Chương Dương.
Nhiều người dân qua cầu Chương Dương dường như đã quá quen với gương mặt thân thiện của vị CSGT đeo hàm Thượng tá hàng ngày vẫn bám chốt ở đầu cầu, điều tiết giao thông và nhiều lần cứu người có ý định tự tử. Có lẽ vì thế mà khi hay tin Công dân ưu tú thủ đô Hà Nội trực ca cuối trước khi về hưu, nhiều người dân khi qua cầu đã vẫy tay chào, thậm chí nhiều người đang di chuyển vẫn cố bắt tay thượng tá Đoàn.
Thượng tá Lê Đức Đoàn trong một lần cứu một cô gái tự tử.
Trước những tình cảm mà nhân dân dành cho mình, thương tá Đoàn đã xúc động, đôi mắt ướm lệ. Thượng tá Đoàn tâm sự, suốt quãng đường gần 40 năm khoắc trên mình bộ quân phục của lực lượng CSGT ông luôn cảm thấy vinh dự và tự hào. Và cho đến phút cuối cùng mặc trên mình bộ quân phục CSGT để phục vụ nhân dân, niềm tự hào vẫn dâng trào trong ông.
“Từ khi còn trẻ tôi đã có ước mơ được làm cảnh sát giao thông. Khi lớn lên tôi được cử đi học tại Liên Xô cũ (Nga) rồi sau đó về nước vào ngành công an của TP Hà Nội từ năm 1977. Suốt gần 40 năm công tác tôi luôn cố gắng hoàn thành xuất nhiệm vụ, phục vụ nhân dân. Cho đến ngày nghỉ hưu tôi vẫn luôn tự hào được đứng trong hàng ngũ lực lượng CSGT”, thượng tá Đoàn chia sẻ.
Thượng tá Đoàn bật khóc sau ca làm việc cuối cùng trước khi nghỉ hưu.
Chiều 31.10, sau khi bàn giao ca trực cho thượng sĩ Hoàng Thị Ngọc Lan, thượng tá Lê Đức Đoàn (55 tuổi, Đội CSGT số 1 Hà Nội) lặng lẽ vào bốt gấp bộ cảnh phục. Khép lại ngày trực cuối, ông không về luôn nhà như thường lệ mà đứng trên cầu nhìn, vẫy chào người dân tấp nập qua lại.
Mong không còn ai tự vẫn
Tâm sự với chúng tôi về ngày đầu tiên nghỉ hưu, thương tá Lê Đức Đoàn xúc động nói rằng, ông thấy nhớ nghề, nhớ những ngày đứng tiều tiết hướng dẫn dòng người tấp nấp qua cầu.
Thượng tá Đoàn kể, ông có rất nhiều kỷ niệm không thể nào quên trong gần 20 năm gắn bó với cây cầu Chương Dương. Trong đó, đáng nhớ nhất là kỷ niệm những lần ông cứu người có ý định gieo mình nhảy xuống sông Hồng tự vẫn.
Thương tá Đoàn kể, ông vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên trong đời cứu người có ý định tự tử năm 1994. Hôm đó, ông đang ngồi trực thì nhận được tin một thiếu nữ chừng 20 tuổi đang ngồi vắt vẻo trên thành cầu. Ông vội vàng chạy ra thì thấy một thấy một cô gái đang ngồi ở thành cầu nhịp cầu số 7, mắt nhìn xuống dòng nước cuồn cuộn dưới sông.
"Lần đầu đối mặt với phút sinh tử của người khác, tôi nín thở tiến lại gần rồi kéo nhanh như cắt kéo tay thiếu nữ khi cô này định rướn người để nhảy cầu”, thượng tá Đoàn nhớ lại.
Thương tá Đoàn vẫn nhớ, cô gái lần đầu tiên ông cứu tên Oanh, 19 tuổi, quê Hưng Yên.
Thượng tá Đoàn được nhiều người dân yêu quý bắt tay khi trực ca cuối cùng trước khi nghỉ hưu.
Với thượng tá Đoàn kỷ niệm khiến ông nhớ nhất là lần giải cứu một cô gái vào buổi chiều tháng 8.2012.
“Tôi nhớ nhất là kỷ niệm cứu sống một cô gái (quê Nam Định) có ý định tự tử trên cầu Chương Dương cách đây 3 năm. Hôm đó, vào buổi chiều, tôi đang trực trên cầu thì nghe tiếng người đi đường kêu thất thanh có người muốn tự tử và đã trèo qua lan can cầu. Nghe đến đây, sợ cô gái phát hiện ra tôi là công an sẽ hoảng loạn nên tôi vội vẫy một chiếc xe buýt rồi bảo họ chạy theo phần làn đường cho xe máy. Khi cách cô gái đứng tầm gần 5 mét tôi liền lao xuống túm vào tay cô gái, ghì chặt rồi kéo vội vào trong. Sau một hồi thuyết phục, cô gái mới cho biết, do chán nản cuộc sống vợ chồng nên mới định tự tử. Bây giờ vợ chồng cô ấy đã có 2 con lớn, mỗi lần đi qua là lại vẫy tay chào tôi, có lần về quê đi qua đây còn cho tôi vài củ khoai mang từ quê lên khiến tôi vô cùng cảm động”.
Thượng tá Đoàn tâm sự, những người có ý định lên cầu tự vẫn đều là những người gặp khó khăn trong cuộc sống, người thì mâu thuẫn gia đình, người thì gặp khó khăn trong chuyện làm ăn...
"Tôi hy vọng sẽ không còn ai tới cầu Chương Dương quyên sinh nữa. Tôi nghĩ rằng dù khó khăn thế nào thì cũng không nghĩ đến chuyện tự vẫn. Được sống trên đời đã là một điều may mắn nên tôi nghĩ rằng mỗi người nên yêu cuộc sống này thay vì làm điều dại dột", thưọng tá Đoàn nói.
Chia sẻ về những ngày phía trước, thượng tá Đoàn vui vẻ chia sẻ, ông sẽ dành nhiều thời gian bên các gia đình, nhất là đứa cháu nội mới 2 tuổi.
“Tôi thực sự may mắn khi vợ con luôn ủng hộ công việc mình làm. Nghỉ hưu rồi chưa biết sẽ thế nào nhưng tôi sẽ cố gắng sống tốt và dành thời gian chăm sóc gia đình, con cháu, nhất là đứa cháu nội 2 tuổi.
Được biết, vợ chồng Thượng tá có 2 người con, con trai cũng làm trong ngành công an, còn cô con gái đang học năm thứ 4 ĐH Ngoại thương Hà Nội.