Dân Việt

Góp phần xây dựng nông thôn mới

03/09/2011 17:50 GMT+7
(Dân Việt) - Trung tâm Khuyến nông Hà Nội là một trong những cơ quan thực hiện tốt công tác khuyến nông gắn với xây dựng nông thôn mới với những phương cách đặc biệt.

Ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã có buổi trao đổi với Báo Nông Thôn Ngày Nay xung quanh vấn đề này.

Hà Nội đã thành lập Quỹ Khuyến nông, vậy xin ông cho biết quỹ này nhằm mục đích gì?

- Quỹ Khuyến nông Hà Nội được thành lập năm 2002 với số vốn được ngân sách thành phố cấp là 5 tỷ đồng và được bổ sung hàng năm đến năm 2010 nguồn vốn quỹ là 61,421 tỷ đồng. Mục đích chính của quỹ là hỗ trợ nông dân trong việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp và mở rộng quy mô sản xuất, tạo điều kiện để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ cá thể sang sản xuất hàng hóa tạo nên những trang trại có quy mô lớn sản xuất tập trung, sản phẩm mang tính chất hàng hóa, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Một số mô hình trọng điểm được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đầu tư như: Vùng chăn nuôi bò sữa ở Ba Vì; vùng nuôi trồng thủy sản ở Thanh Trì, Mỹ Đức; chăn nuôi gia cầm ở Đông Anh, Chương Mỹ; vùng hoa, cây cảnh ở Từ Liêm, Hoài Đức, Thường Tín, Mê Linh...

Quỹ có tác động như thế nào trong việc xây dựng mô hình nông thôn mới, thưa ông?

- Nhờ có vốn Quỹ Khuyến nông mà nhiều mô hình khuyến nông được nhân rộng thông qua việc cho các hộ nông dân, chủ trang trại vay vốn để ứng dụng trong sản xuất như: Mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, mô hình chăn nuôi bò thịt, bò sữa, thủy sản, rau an toàn, hoa… tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường nội địa và tiến tới có thể xuất khẩu.

Hơn thế nữa, quỹ cũng triển khai cho vay theo hình thức liên kết giữa người sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như với đơn vị cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất. Do vậy mà Quỹ Khuyến nông đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Quá trình triển khai, theo đánh giá của ông còn gặp những vướng mắc gì?

- Trong quá trình thực hiện, triển khai, Quỹ Khuyến nông còn có một số vướng mắc như thủ tục hành chính, trình độ của cán bộ khuyến nông và cán bộ làm công tác quản lý Quỹ Khuyến nông còn nhiều hạn chế và không đồng đều cộng với trình độ quản lý kinh tế của nhiều hộ nông dân, chủ trang trại.

Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp luôn gặp rất nhiều rủi ro do thời tiết, dịch bệnh... đã ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân và các chủ trang trại và ảnh hưởng tới tiến độ thu hồi vốn của Quỹ Khuyến nông. Để khắc phục được thiếu sót trên, Trung tâm KNHN luôn chú trọng nâng cao trình độ của cán bộ khuyến nông, hướng dẫn, tư vấn cho nông dân biết cách sử dụng nguồn vốn hiệu quả…

Như ông nói, trọng tâm phát triển trong giai đoạn tới của công tác khuyến nông Hà Nội là góp phần xây dựng nông thôn mới. Hoạt động đó được thể hiện như thế nào?

- Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ chú trọng phát triển khuyến nông theo hướng giảm lao động trực tiếp, phát triển nông thôn theo hướng hiện đại, áp dụng các thành tựu của khoa học kỹ thuật vào trong lao động sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng xuất, hạ giá thành nông sản, tạo sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Đầu tiên, chúng tôi thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp cùng với việc liên kết dịch vụ ở tất cả các khâu từ sản xuất đến thu hoạch, làm tăng năng suất, hạ giá thành nông sản, góp phần thực hiện việc giảm lao động ở lĩnh vực nông nghiệp ở các vùng nông thôn, chuyển dần sang làm dịch vụ, tăng thu nhập cho người dân nông thôn theo đúng chủ trương của chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Mô hình này đã được thử nghiệm ở một số địa phương như Sóc Sơn, Ba Vì, Gia Lâm, Chương Mỹ… và đã thu lại những kết quả rất khả quan, chi phí sản xuất giảm hơn 6 triệu đồng/ha lúa, hình thành tập quán sản xuất mới ở nông thôn ngoại thành Hà Nội, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa, tập trung, xóa bỏ tình trạng ruộng đồng manh mún mà vẫn không phải thay đổi quyền sử dụng đất sản xuất giữa các hộ dân.

Sau đó chúng tôi thực hiện trên các lĩnh vực khác như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Trong trồng trọt, chúng tôi quy hoạch lại các khu vực trồng rau sạch an toàn, để đáp ứng nhu cầu trong nội thành và các tỉnh lân cận. Với cây ăn quả, chúng tôi tập trung phát triển các cây ăn quả đặc sản như cây thanh long ruột đỏ, cây bưởi Diễn, cam Canh, hồng Xuân Đỉnh… Hoạt động triển khai theo hướng phát huy, tận dụng những tiềm năng vốn có của địa phương nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Đặc biệt chú trọng đến vấn đề xử lý môi trường, rác thải trong nông nghiệp.

Diện tích nuôi trồng thủy sản ở Hà Nội khá khiêm tốn chưa đến 2 vạn ha do đó mà năng suất hàng năm thấp chưa đến 3 tấn/ha. Do vậy mà chúng tôi tập trung vào việc đầu tư giống tốt có năng suất, chất lượng cao nên trong những năm gần đây năng suất thủy sản đã tăng lên 10 tấn/ha. Trong công tác trồng trọt chăn nuôi, việc khảo sát nhu cầu sử dụng nông sản của người dân là vô cùng quan trọng, đó là tiền đề để có những phương hướng, biện pháp sản xuất cụ thể.

Công tác thông tin tuyên truyền đào tạo có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn sắp tới, vậy Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ có chương trình, kế hoạch tuyên truyền như thế nào?

- Hiện tại chúng tôi tập trung vào công tác đào tạo, tập huấn kỹ năng thực hành thực tế cho các cán bộ khuyến nông, hoàn thiện các thủ tục hành chính cho phù hợp. Tư vấn, hỗ trợ nông dân sử dụng nguồn vốn cho vay hiệu quả. Tổ chức các buổi tham quan mô hình mới hiệu quả cả trong và ngoài nước cho nông dân tham khảo.

Đồng thời kết hợp với việc mở rộng tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng như Đài Phát thanh Truyền hình T.Ư, địa phương, đài phát thanh xã, thôn; phối hợp xây dựng chuyên trang về xây dựng nông thôn mới Hà Nội... in các tài liệu tờ rơi phát đến tận tay người nông dân; phát hành các ấn phẩm như Bản tin Sản xuất Thị trường, Tập san Nông nghiệp…

Xin cảm ơn ông!