Nguyễn Tiến Minh luôn nỗ lực vượt qua chính mình. |
“Cái giá” của số 7
Thử hình dung xem một VĐV ở độ tuổi 28 có thể làm ra nhiều tiền, vậy mà không thể dùng cho riêng mình, mà luôn phải đau đầu tính toán chi tiêu những đồng tiền ấy một cách hợp lý nhất ở mỗi giải đấu lớn thì sẽ ra sao? Tiến Minh đã phải sống như vậy suốt nhiều năm qua.
Chỉ có khát vọng khôn cùng mới giúp Tiến Minh quên đi bất cập đang tồn tại trong lòng Thể thao VN. Cũng chỉ có khát vọng ấy mới giúp Minh không so đo với các VĐV khác trong tốp 10 thế giới - những người được trang bị tới tận “chân răng”, có đủ đội ngũ từ người quản lý tới HLV chuyên môn, thể lực… trong quá trình tập luyện, thi đấu nước ngoài, thay vì đơn độc, tự lo mọi thứ, rồi cầm vợt đi xin “tập ké” … trong mỗi chuyến xuất ngoại như Minh (?!).
Đến đây, có thể hình dung phần nào những chông gai mà Minh phải đối mặt để từ một cậu bé 10 tuổi chỉ thích chơi cầu lông với bạn bè cùng xóm như một thú vui, vươn lên trở thành một trong những VĐV hàng đầu thế giới. Nó không khác gì hành trình leo núi đơn độc, mà Tiến Minh phải tự điều tiết tất cả. Đôi khi chỉ cần sơ sẩy, “sống cho mình” một chút là mọi thứ sẽ sụp đổ tan tành…
Chịu đựng sức ép
Đến giờ nhiều người vẫn nhớ trận thua cay đắng của Minh tại giải quốc tế Việt Nam mở rộng tháng 11.2007. Sau khi hòa Roslin Hashim (Malaysia) 1-1, Minh đã dẫn 19-12 ở séc quyết định, nhưng rồi lại thua ngược 19-21 trong sự ngẩn ngơ, ngỡ ngàng của những ai có mặt tại Cung thể thao Quần Ngựa ngày đó. Những lời trách móc đã xuất hiện từ chính những lãnh đạo bộ môn cầu lông Tổng cục Thể dục thể thao, còn Minh lặng lẽ, lủi thủi đi lên khán đài trong vòng tay của những người hâm mộ!
Và thực tế, chính tình cảm của cổ động viên trên mọi miền đất nước đã cho Minh thêm sức mạnh bứt phá, hoàn thiện mình. Những bất ổn tâm lý đã không còn xuất hiện trong cách chơi của Tiến Minh ở giải vô địch thế giới 2011 (London, Anh) vừa qua.
Sau khi hòa 1-1 đầy nhọc nhằn trước đối thủ khó chịu Kashyap (Ấn Độ, hạng 28 thế giới) ở vòng 1/16, Minh đã khẳng định được bản lĩnh “gừng già” trong séc quyết định. Bị dẫn 20-15, nhưng Minh đã bình tĩnh gỡ hòa 20-20, trước khi giành phần thắng 22-20 nghẹt thở: “Vấn đề tâm lý thi đấu nói thì đơn giản nhưng chính sự ổn định, kiên nhẫn, chính xác trong những thời điểm quyết định của trận đấu thể hiện đẳng cấp của VĐV” - Minh tâm sự.
Phía trước, Minh vẫn còn nhiều cơ hội chinh phục những đỉnh cao, mà gần nhất là SEA Games 2011, Olympic London 2012. Và để Minh có thể tập trung nhiều hơn cho những đường cầu, thiết nghĩ những người làm Thể thao VN cần nghiêm túc xem xét, giúp anh giải quyết những thủ tục hành chính rườm rà, và cả những việc “không tên” khác.
Chính Minh