Vẫn lại xuất hiện những môn thể thao kì lạ do nước chủ nhà phát minh ra: Môn đánh bài năm nay là một ví dụ, môn thể thao kì dị ấy xuất hiện bởi một lý do đơn giản là tăng số Huy chương cho nước chủ nhà. Và năm nay, một số môn thể thao cơ bản vẫn phải ngậm ngùi khi bị loại khỏi cuộc chơi: Bóng đá nữ bị loại trong sự nuối tiếc của người hâm mộ, môn thể thao cơ bản ấy bị loại đơn giản vì nước chủ nhà muốn tước bớt Huy chương của các nước khác…
Sau khi những việc làm như thế lần lượt xảy ra ở các kỳ SEA Games trước (ngay cả ở Việt Nam với SEA Games 22), người hâm mộ Việt Nam chỉ có mỗi an ủi duy nhất khi biết: Thói xấu “chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng” hóa ra không phải là thói xấu riêng của người Việt Nam.
Cũng vì thói chuộng hư vinh này mà thể thao Đông Nam Á ngày càng lún sâu vào vũng lầy do chính mình tạo nên. Không chỉ nực cười mà thật quái đản khi biết rằng 2/3 số HC ở các kỳ SEA Games nằm ở những môn không được xuất hiện tại Olympic.
Ở đâu không biết nhưng tại riêng Việt Nam, thành tích ở SEA Games là tất cả thước đo cho trình độ, trách nhiệm của VĐV, HLV và các nhà lãnh đạo thể thao. Dù đoạt HCB Olympic Bắc Kinh (2008) nhưng VĐV cử tạ Hoàng Anh Tuấn đến tận bây giờ vẫn không thể “ngóc đầu lên nổi” sau một thất bại tại SEA Games Viên Chăn (2009).
Với thói chuộng thành tích như thế này, không quá ngoa ngoắt mà nói rằng: Nền thể thao của các nước Đông Nam Á càng gánh trên mình nhiều HC SEA Games sẽ càng bị lún sâu hơn vào vũng lầy do chính mình tạo ra.
Tuấn Lệ