Bảo tàng nghệ thuật sống
Mường Lò được xem là cái nôi của người Thái đen vùng Tây Bắc. Trong đời sống sinh hoạt cũng như văn hóa truyền thống, nhà sàn không chỉ là biểu trưng tình cảm, lối sống của một tộc người, mà nhà sàn còn được xem như một bảo tàng nghệ thuật sống của người Thái Mường Lò Nghĩa Lộ. Tuy nhiên, trong một vài năm gần đây do điều kiện kinh tế phát triển cùng với nạn phá rừng làm cạn kiệt nguồn gỗ, đồng bào dân tộc Thái đã dựng nhà sàn cách điệu bằng đổ bê tông hay sử dụng vật liệu mới. Nguy cơ mất dần những ngôi nhà sàn- hình ảnh đặc trưng của những bản làng người thái Tây Bắc đang thực sự hiện hữu.
Nhà Thái học Lò Văn Biến ở tổ Căng Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Từ xa xưa, theo nhận thức của người Thái, đã làm nhà thi phải làm một kiểu nhà an toàn, chịu đựng được những điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên. Vì thế, những ngôi nhà sàn truyền thống ra đời, gắn với dân tộc Thái hàng ngàn năm, từ thế hệ này sang thế hệ khác, bền vững theo thời gian”.
Ông Lò Văn Biến cũng cho biết, để có được ngôi nhà sàn vừa ý, người Thái phải chọn những loại gỗ tốt làm khung nhà như gỗ pơmu, sến, sổi, mái lợp bằng gianh hoặc gỗ thông. Nhà sàn thường cao hơn mặt đất chừng 2m, mặt sàn được ghép bằng những cây bương, tre, vầu hoặc gỗ. Thoạt nhìn thì nhà sàn có vẻ đơn sơ nhưng lại rất chắc chắn, nếu là nhà cộng đồng thì có thể chứa trên dưới 100 người cùng tham gia sinh hoạt. Nếu nhà sàn truyền thống không còn, kèm theo đó sẽ là sự biến mất của truyền thống văn hóa người Thái.
Nhà sàn của gia đình ông Đồng Văn Nọi ở Bản Vệ, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ là ngôi nhà sàn xây dựng theo đúng kiến trúc của dân tộc Thái. Trước khi làm nhà ông đã lựa chọn từng cây gỗ tốt để làm khung, mái lợp gỗ thông, mặt sàn thì được ghép bằng những tấm gỗ pơmu tốt, ở giữa có bếp lửa. Tuy nhiên, theo ông Đồng Văn Nọi thì hiện nay ngôi nhà sàn như của gia đình ông còn rất ít, ngay cả với 7 người con của ông thì 3 người đã thay nhà sàn bằng ngôi nhà xây.
Nghệ nhân dân tộc Thái Điêu Thị Xiêng cho biết: “Hiện nay, để thích ứng với sự phát triển của xã hội, ngôi nhà của người Thái đang dần thay đổi với những nguyên liệu mới, như nhà sàn đổ cột bê tông, nhà sàn cách điệu 3 tầng có nhà tắm nhà vệ sinh với những trang thiết bị hiện đại. Ở khía cạnh nào đó, nó phù hợp với kiến trúc hiện đại, đảm bảo sinh thái và giữ gìn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên nếu không được quy hoạch lại cụ thể thì rất có thể chỉ vài năm nữa thôi những ngôi nhà sàn đúng nguyên mẫu sẽ không còn và nhà sàn bê tông sẽ chiếm lĩnh.
Giữ lại nếp xưa
Ông Triệu Quang Chiến- Phó Trưởng phòng Văn hóa thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Nghĩa Lộ đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", tập trung vào bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số; gắn việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc với hoạt động du lịch. Trong đó, UBND thị xã đã đầu tư xây dựng một số nhà sàn văn hóa truyền thống của người Thái đen ở xã Nghĩa An để phục vụ nghiên cứu và hoạt động du lịch. Bước đầu đã bảo tồn và tôn tạo được 2 ngôi nhà sàn nguyên mẫu”.
Nhà sàn của dân tộc Thái Mường Lò là biểu trưng của sự hội tụ, tinh thần đoàn kết của tộc người. Nhà sàn cũng được xem như một bảo tàng nghệ thuật sống tái hiện bức tranh văn hóa Thái sống động. Qua bao nhiêu thế hệ người Thái Mường Lò chung sống dưới nếp nhà sàn là bấy nhiêu thời gian họ cùng nhau vun đắp và bảo tồn được nét đẹp bản sắc dân tộc mình.
Nơi ấy cũng là nơi gửi gắm niềm tin với các thần linh, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần từ ngàn xưa còn âm hưởng tới ngàn sau. Mong rằng những động thái tích cực của thị xã Nghĩa Lộ không để mất đi một “biểu trưng” của văn hóa vùng Tây Bắc.