1. Phụ cấp thâm niên nhà giáo bằng 5% mức lương hiện hưởng
Theo Nghị định (NĐ) 54/2011 quy định về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo (áp dụng với các nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức CT-XH đã được chuyển xếp lương theo NĐ 204/2004 của Chính phủ), nhà giáo đủ 5 năm giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%.
2. Phụ cấp công vụ bằng 10% mức lương hiện hưởng
Theo NĐ 57/2011 quy định về phụ cấp công vụ, cán bộ, công chức, người hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước làm việc trong các cơ quan của Đảng Cộng sản VN, Nhà nước, tổ chức CT-XH ở T.Ư; tỉnh, thành trực thuộc T.Ư; huyện, quận, TX, TP thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn và lực lượng vũ trang được hưởng phụ cấp công vụ bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp quân hàm.
Từ 1.9.2011, tăng trần lệ phí trước bạ ô tô dưới 10 chỗ - Ảnh: Ngọc Thắng |
3. Tăng trần lệ phí trước bạ ô tô dưới 10 chỗ
Theo NĐ 45/2011 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ (LPTB), mức trần LPTB đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi sẽ được nâng lên 20% thay cho mức 15% hiện hành, mức sàn giữ nguyên 10%.
Đối với mặt hàng xe máy, LPTB vẫn giữ nguyên mức 2% tại các vùng nông thôn và miền núi, 5% tại các TP và TX. Đối với xe máy nộp LPTB lần 2 trở đi sẽ được áp dụng mức thu 1%. Trường hợp chủ tài sản đã kê khai, nộp LPTB thấp hơn 5%, sau đó chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở các TP và TX, sẽ áp dụng mức thu 5%.
4. Bắt đầu áp dụng tính giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản
Theo Thông tư 31/2011 Bộ Công thương ban hành quy định điều chỉnh giá bán điện (GBĐ) theo các thông số đầu vào cơ bản, từ 1.9.2011, cơ chế điều chỉnh GBĐ sẽ căn cứ trên việc tính toán kiểm tra hằng tháng biến động của các thông số đầu vào cơ bản so với thông số được sử dụng để xác định GBĐ hiện hành.
Trước ngày 20 hằng tháng, căn cứ trên các thông số đầu vào cơ bản thực tế được xác định, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) kiểm tra, tính toán, trường hợp chênh lệch GBĐ bình quân do biến động các thông số đầu vào cơ bản bằng hoặc lớn hơn 5% so với GBĐ bình quân hiện hành, EVN được điều chỉnh ở mức 5% và báo cáo Bộ Công thương. Sau 5 ngày Bộ này không có ý kiến thì được điều chỉnh.
Trường hợp muốn đề xuất điều chỉnh GBĐ trên 5%, EVN phải báo cáo Bộ Công thương và Bộ Tài chính phương án giá điện để thẩm định. Trong thời hạn 10 ngày, hai bộ này phải thẩm định để trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt. Sau 15 ngày làm việc, nếu Thủ tướng chưa có ý kiến trả lời, EVN chỉ được điều chỉnh giá ở mức 5%.
Trường hợp chênh lệch GBĐ bình quân nhỏ hơn 5% so với GBĐ hiện hành, EVN được tính toán phân bổ vào giá bán bình quân chi phí sản xuất kinh doanh điện chưa được tính hết vào GBĐ để điều chỉnh GBĐ bình quân tăng tối đa 5%.
5. Chỉ được phép mang tối đa 5.000 USD khi xuất, nhập cảnh
Theo Thông tư 15/2011 của Ngân hàng Nhà nước VN ban hành quy định việc mang ngoại tệ tiền mặt, đồng VN tiền mặt của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh, mức ngoại tệ tiền mặt, đồng VN tiền mặt cá nhân phải khai báo với hải quan cửa khẩu là trên 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương và trên 15.000.000 đồng (VND).
Trường hợp cá nhân nhập cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt bằng hoặc thấp hơn mức 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương và có nhu cầu gửi vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của cá nhân mở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối cũng phải khai báo hải quan cửa khẩu.
6. Trẻ mầm non 5 tuổi được hỗ trợ ăn trưa
Theo Thông tư liên tịch Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em 5 tuổi ở các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN), áp dụng cho cả trường công lập và ngoài công lập từ 1.9.2011 với mức hỗ trợ 120.000 đồng/tháng/cháu, bao gồm: trẻ em trong độ 5 tuổi đang học tại các cơ sở GDMN có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo văn bản quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Trẻ em trong độ 5 tuổi đang học tại các cơ sở GDMN mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; Trẻ em trong độ 5 tuổi đang học tại các cơ sở GDMN có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Thời gian cấp tối đa là 9 tháng/năm học và thực hiện 2 lần trong năm: lần 1 chi trả đủ 4 tháng vào tháng 10 hoặc tháng 11 hằng năm; lần 2 chi trả đủ 5 tháng vào tháng 3 hoặc tháng 4 hằng năm.
7. Hủy bỏ tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động với các NHTM
Theo Thông tư số 22 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành ngày 30.8.2011 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 13/2010 (vốn được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 19/2010) quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, từ 1.9.2011, sẽ hủy bỏ quy định về tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động.
Ngoài các quy định trên, còn một số quy định, văn bản pháp luật khác có hiệu lực thi hành từ 1.9.2011, như vi phạm tần số vô tuyến điện bị phạt tới 100 triệu đồng (NĐ 51/2011); Xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng hải lên tới 80 triệu đồng (NĐ 48/2011)...