“Bắt lỗi” phim Việt
Phim truyền hình thời ăn xổi đã bị kêu ca từ lâu về chất lượng nhưng chưa khi nào nó lại bị cả người trong cuộc lẫn ngoài cuộc phàn nàn nhiều như thời điểm này. Cách đây hơn 3 năm khi VTV quyết định ngưng phát sóng bộ phim “Anh chàng vượt thời gian” do chất lượng kém khán giả những tưởng rằng đó là bài học xương máu cho các đạo diễn.
Thế nhưng, điều nực cười là từ bấy đến nay phim truyền hình Việt gần như không có chuyển biến. Thậm chí là không ít bộ phim có độ dở, ngô nghê chả kém gì “Anh chàng vượt thời gian”. Đặc biệt, thời gian gần đây, những bộ phim truyền hình càng ngày càng nhiều lỗi sai ngớ ngẩn, nhiều khán giả còn ví như đang “ăn một bát cơm toàn sạn”.
Đến như bộ phim truyền hình “Vừa đi vừa khóc” thuộc vào dạng hot, đạo diễn là người có tên tuổi cũng không tránh được những tình tiết vô lý và la liệt những hạt “sạn” lớn, nhỏ.
Đầu tiên phải kể tới hoàn cảnh của nhân vật chính, người xem vẫn không thể chấp nhận được chuyện “trai đẹp” Đông Dương có thể giấu thân phận con gái của mình suốt hơn 20 năm với tất cả mọi người, đặc biệt là với bà nội - người luôn ở bên cạnh và chăm sóc, quan tâm sát sao Đông Dương.
Bên cạnh đó, ngay trong lần đầu tiên quyết định trở về với đúng giới tính thật của mình, Đông Dương đã có thể đi dép cao gót “điêu luyện”. Hay trong bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên “Chỉ có thể là yêu”, tình tiết cuối cùng của bộ phim cũng khiến khán giả lắc đầu. Đạo diễn đã không để nữ chính Thảo Nhi gặp lại gia đình sau 3 năm đi biệt tích, không để bé Bin gọi Long một tiếng bố và không có bất kỳ một phụ huynh nào có mặt trong khoảnh khắc cuối cùng của cặp đôi.
Cảnh trong phim “Vừa đi vừa khóc”
Chưa kể, việc không phân biệt đúng giữa hóa trang và trang điểm khiến một cô gái nông thôn, có hoàn cảnh khó khăn, lận đận lên thành phố tìm việc, một cô gái thành phố giàu có, một quý bà sang trọng... đều được trang điểm gần như giống nhau từ màu mắt, phấn má cho tới son môi... Thậm chí khán giả còn bật cười vì những lỗi sơ đẳng trong khâu tạo hình nhân vật của một số phim truyền hình như diễn viên đóng cảnh ốm đau liệt giường, buổi sáng thức giấc vẫn còn ngái ngủ nhưng gương mặt đã dày phấn son. Nhân vật ốm, bệnh tật, khỏe mạnh, đau đớn, hạnh phúc, ngày, đêm đều được trang điểm tương tự như nhau.
Mặt khác, hiện nay, các kênh sóng đang có tình trạng “loạn” phim truyền hình do các hãng tư nhân sản xuất với mục đích là thu lợi nhuận từ nguồn quảng cáo. Trên thực tế, có nhà sản xuất tư nhân chỉ chăm chăm làm thế nào để thu được thật nhiều tiền quảng cáo, còn chất lượng thì… thả nổi.
Lối đi nào cho phim truyền hình?
Rõ ràng đến thời điểm này phim truyền hình nước ta đang tụt dốc không phanh. Giới trẻ xem phim truyền hình Việt hầu như không có, phim chỉ dành cho các ông bà già nghỉ hưu. Thế nhưng, đến đối tượng dễ tính này cũng thường xuyên kêu ca phàn nàn về chất lượng phim. Không ít hội thảo với mong muốn nâng cao chất lượng phim truyền hình đã được diễn ra, với nhiều tham luận bắt bệnh chuẩn xác cho phim truyền hình Việt. Nhưng thực tế, trong khoảng 5 năm nay, các bộ phim đã không có bước tiến đáng kể nào.
Nhà biên kịch Chi Mai từng chỉ rõ trong guồng máy sản xuất phim truyền hình nhanh đến chóng mặt hiện nay, mọi giá trị dường như được sắp xếp lại. Nhanh - Ẩu - Rẻ dường như là tiêu chí được đề ra và vô hình trung trở thành tiêu chí được chọn lựa của một số người? Có sản phẩm nào (kể cả vật chất và tinh thần) nhanh, rẻ mà không ẩu không? Tiền nào của nấy! Sáng tác mà làm như gà đẻ thì chuyện một bộ phim có được sự đồng thuận, hoan hỉ của khán giả hay không thì đúng là khó lắm.
Và với cách làm như thế thì tìm đâu ra phim hay, khi mà chính những trụ cột để xây dựng nên một bộ phim cũng không có tiếng nói quyết định để làm ra bộ phim đó. Và chính vì thế nên không ít đạo diễn nổi tiếng đồng tình cho rằng, phim truyền hình Việt Nam hiện nay có lẽ phải trải qua khủng hoảng rồi mới có thể định hình được, đó là quy luật cân bằng. Cứ cái kiểu ăn xổi như hiện nay của các nhà sản xuất phim, thời gian tới đây khả năng sẽ có hiện tượng “cá lớn nuốt cá bé”, các hãng phim lớn sẽ thôn tính các hãng bé, để cuối cùng lại quy về một mối. Chỉ có như vậy phim truyền hình Việt mới có thể được đầu tư thích đáng, toàn tâm toàn ý của nhà sản xuất mạnh nhất, đạo diễn giỏi, diễn viên tài năng vào mỗi tập phim cho thật chất lượng.